221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1091668
Di dân Thủy điện Sơn La:Gian nan định cư ở Mường Lay
1
Article
null
Di dân Thủy điện Sơn La:Gian nan định cư ở Mường Lay
,

 - Hàng trăm hộ dân thuộc diện di dời phục vụ Thủy điện Sơn La đang lâm vào cảnh khó khăn về nhà ở trong mùa mưa bão. Nhiều hộ dân nhận tiền đền bù, dỡ nhà đã hơn 1 năm nay để thi công xây dựng khu tái định cư nhưng đến nay vẫn không có đất để xây “tổ ấm” đành sống tạm bợ tại những căn nhà xập xệ, dột nát... Đó là cảnh tượng ở khu nhà tạm ven suối Nậm Lay, phường Na Lay, TX Mường Lay, Điện Biên.

 

Về nơi ở tạm… sống nhờ

 

Từ thành phố Điện Biên Phủ đi gần 100km, qua nhiều khúc cua, đèo dốc nguy hiểm, xuống khỏi đèo Ma Thì Hồ, TX Mường Lay hiện ra với những căn nhà nhấp nhô trước sóng nước mênh mông của dòng sông Đà mùa mưa bão.

 

Ngồi trên xe máy gần 100km, chúng tôi quyết định nghỉ chân tại quán nước ven đường. Nhìn những ngôi nhà xập xệ, những túp lều phủ bạt, phên liếp lụp xụp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng…

 

Hàng ngàn hộ dân phải di dời phục vụ công trình Thủy điện Sơn La. (Ảnh songda.com.vn)

 

Trước mắt chúng tôi là căn nhà của anh Nguyễn Văn Minh, bề ngoài giống như cái… chuồng gà, nằm tựa lưng vào vách ngôi nhà xây đang phá bỏ dở dang. Cả gia đình anh Minh gồm 4 người đang phải sống chen chúc trong căn nhà chỉ rộng chừng 20m2.

 

Anh Minh bức xúc: “Thực hiện di dân, giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư, gia đình tôi chuyển đi ở tạm tại đây từ tháng 4/2006, đợi cấp đất tại khu tái định cư mới. Nhà tôi đang ở dự kiến có “tuổi thọ” 6 tháng đến 1 năm, nay chịu đựng đã hơn 2 năm nên xuống cấp, nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Số tiền hỗ trợ người dân thuê nhà ở tạm là 1,2 triệu đồng/người/năm, so với giá cả như hiện nay thì không đủ để chúng tôi thuê nhà trong một năm, đành ở tạm căn nhà của người thân đã bỏ không từ lâu cho qua ngày…!”

 

Chúng tôi không khỏi ái ngại khi thấy cháu Nguyễn Thị Thu, 13 tuổi (con anh Minh) phải nằm dài trên chiếc giường duy nhất để làm bài tập và bên bếp củi, một cháu bé đang thổi lửa phì phò, khói bay nghi ngút… Anh Minh nghẹn ngào: “Khi trời mưa, 4 người phải ngủ chung giường, còn đống củi không có chỗ để nên ướt sũng, đem đun nấu cả buổi mà vẫn chưa được cơm ăn”.

 

Tình cảnh của ông Lê Bá Kế, cùng xóm với anh Minh cũng không khá hơn là bao. Nhà ông Kế cũng đã bị dột nát, xiêu vẹo, nước ngập nền nhà mỗi khi trời mưa to và căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão.

 

Ông Kế cho biết, tháng 7/2007, khu tái định cư Chi Luông chuẩn bị thi công, UBND thị xã ra thông báo cho các gia đình trong khu vực di chuyển để giải phóng mặt bằng. Cán bộ, đảng viên được vận động gương mẫu di chuyển sớm cho dân theo. Gia đình ông cùng hơn 40 hộ khác, trong đó có cả những vị “chức sắc”: Chủ tịch Hội phụ nữ, Bí thư Thị đoàn và ngay cả ông Phó Giám đốc Ban quản lý dự án TX Mường Lay dắt díu nhau đi thuê nhà, thuê đất dựng lều ở tạm. Một năm sắp qua đi, dự án vẫn “chuẩn bị” để mấy chục gia đình gương mẫu đến nay vẫn không hề nhận được tiền hỗ trợ trong thời gian ở tạm. Suốt hơn 3 năm thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải sống cuộc sống tạm bợ trong những căn nhà tạm bợ…

 

Nhọc nhằn… phố mới

 

Theo đúng tiến độ của công trình Thủy điện Sơn La, vào năm 2010, toàn bộ TX Mường Lay cùng các khu dân cư bám dọc theo con đường từ Điện Biên lên Lai Châu sẽ chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Đây là lý do tại sao công tác di dân tái định cư phục vụ Thủy điện Sơn La ở Mường Lay lại có đặc thù khác với nơi khác “thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị gắn với dự án di dân tái định cư”.

 

Tuy nhiên, khi mốc thời gian 2010 đang tới gần thì công tác di dân tái định cư của thị xã dường như mới ở giai đoạn sơ khai.

 

Tính tới tháng 7/2008, so với tiến độ, chỉ còn 29 tháng nữa mọi công việc tại đây phải hoàn thành, vậy mà đến nay, TX Mường Lay mới chỉ có khu tái định cư Nậm Cản được khởi công xây dựng, còn 4 khu tái định cư nữa là Chi Luông, Đồi Cao, Cơ Khí và Lay Nưa vẫn ở giai đoạn lập kế hoạch phê duyệt hoặc đang hoàn tất hồ sơ chờ phê duyệt.

 

Để thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, TX Mường Lay phải thực hiện di dân cho 3.443 hộ, với 12.400 nhân khẩu, chiếm gần 90% tổng số hộ tái định cư của cả tỉnh. Nhưng trên thực tế, khối lượng công việc hiện mới chỉ hoàn thành khoảng 10% kế hoạch, thị xã mới bố trí chỗ ở cho 168 hộ dân và 3 cơ quan tại mặt bằng khu tái định cư Nậm Cản.

 

Để “mục sở thị” khu tái định cư Nậm Cản, chúng tôi quyết định đến tận nơi mà hiện nhiều hộ dân đang mong đợi được cấp đất làm nhà để ổn định cuộc sống.

 

Một góc khu tái định cư Nậm Cản, Mường Lay. (Ảnh Minh Huyền)

 

Sau cơn mưa đầu mùa, tại mặt bằng khu tái định cư thấp thoáng vài ngôi nhà xây dang dở. Đường nội bộ khu tái định cư vẫn nhấp nhô “ổ gà”, lầy lội mỗi khi gặp mưa, những hạng mục hạ tầng tối thiểu như: đường, nước, cầu, cống… gần như chưa có.

 

Theo quy hoạch, mỗi hộ dân khi tái định cư sẽ được cấp từ 280m2 - 300m2 đất làm nhà. Khi hoàn thiện, khu tái định cư còn có trường mầm non, thể thao, câu lạc bộ, nhà văn hoá, đất trồng cây xanh... tạo không gian thoáng mát theo quy hoạch khu đô thị.

 

Ngay từ đầu tháng 3/2007, khu tái định cư Nậm Cản đã bố trí đất ở cho 77 hộ, trong đó 15 hộ nông nghiệp, 62 hộ phi nông nghiệp. Những ngày đầu bắt tay vào dựng nhà tại đây, dù chưa có đường, điện, nước song người dân vẫn đặt niềm tin vào khu tái định cư mới trong tương lai gần.

 

Đã qua hơn một năm, các hộ dân được chuyển đến nơi ở mới, khu tái định cư Nậm Cản vẫn chỉ như "tấm áo vá". Tất cả các hạng mục công trình cho tới nay vẫn đang trong tình trạng thi công dang dở, mọi lời hứa vẫn chỉ... để đấy! Những công trình hoàn thiện đưa vào sử dụng đã bộc lộ nhiều thiếu sót cơ bản, cần khắc phục.

 

Ngay đầu mùa mưa, các sườn đồi mới san tại khu tái định cư Nậm Cản đã xảy ra tình trạng sạt, lở nghiêm trọng, gần 12.000m3 đất đá vùi lấp các công trình hạ tầng cơ sở, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và trở thành nỗi lo thường trực của mỗi hộ dân đang sống trên vùng đất mới.

 

Đi tìm nguyên nhân

 

Về hiện tượng sạt, lở đất đá tại khu tái định cư Nậm Cản, nhiều ý kiến khách quan cho rằng: Khí hậu phức tạp, tình trạng mưa lớn kéo dài, địa hình, địa chất, địa mạo không thuận lợi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, yếu tố trách nhiệm và năng lực của cán bộ thực hiện công tác tái định cư vẫn là chủ yếu.

 

Người cán bộ thực hiện các dự án tái định cư phải có kiến thức, nghiệp vụ, kinh nghiệm và đặc biệt phải có tầm hiểu biết về lĩnh vực xây dựng cơ bản. Nhưng trên thực tế, số cán bộ tham gia vào Ban Quản lý dự án của địa phương chủ yếu được “lấy” từ các lĩnh vực khác sang theo kiểu chắp vá nên khả năng quản lý, giám sát công tác tái định cư rất hạn chế. Đấy là chưa kể không ít cán bộ thiếu công tâm với công việc bởi nhiều lý do?! Một số cán bộ, do cường độ công việc quá lớn so với năng lực và trình độ nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng dự án tái định cư.

 

Mâu thuẫn dễ nhận ra là, khối lượng công việc của các dự án rất lớn, trong khi yêu cầu của tiến độ di chuyển dân lại rất khẩn trương. Một dự án dù to, dù nhỏ cũng phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục, trong khi đó cán bộ dự án vừa thiếu lại vừa yếu thì tiến độ thật khó mà nhanh được. Nhiều hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán không bảo đảm chất lượng, không đủ điều kiện để phê duyệt. Đó là chưa kể những dự án vừa thiết kế, vừa thi công gây nên sai sót, lãng phí trong xây dựng. Không ít chủ đầu tư chưa tập trung cao độ cho việc lập quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, chưa sâu sát kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện các dự án, thậm chí có biểu hiện “khoán trắng” cho nhà tư vấn.

 

Điều này cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, nhất là về chất lượng các công trình chưa chặt chẽ. Cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng liên quan đến tái định cư còn thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính tạo ra vướng mắc, dẫn đến ách tắc, chậm tiến độ của dự án.

 

Theo ông Chu Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND TX Mường Lay, những khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính: xét, duyệt quy hoạch và mức hỗ trợ di dân tái định cư được phê duyệt từ năm 2002 đến nay đã không còn phù hợp nên mặc dù rất muốn, nhưng TX Mường Lay cũng khó có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Để tháo gỡ vướng mắc này, rất mong cơ quan chức năng cấp trên tìm hiểu thực tế đệ trình xin chính phủ xem xét, quyết định một cơ chế đặc thù về thủ tục cũng như phê duyệt chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư cho dự án, chia sẻ những khó khăn, phức tạp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng liên quan đến lợi ích của hàng trăm, hàng nghìn hộ dân nơi đây.  

  • Minh Huyền

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,