221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1127261
Bộ trưởng NN&PTNT sẵn sàng nhận kỷ luật do dự báo kém
1
Article
null
Bộ trưởng NN&PTNT sẵn sàng nhận kỷ luật do dự báo kém
,

 - Vấn đề lúa gạo là tâm điểm gây nóng hội trường QH trong phần chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 11/11. ĐB muốn làm rõ trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng đến đâu, liệu có chính sách nào để bù đắp những thiệt hại của người nông dân do quyết định ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo.

"Trách nhiệm dự báo thuộc về cá nhân tôi"

Đặt vấn đề liệu Bộ NN&PTNT đã đánh giá đến đâu thiệt hại của nông dân sau chủ trương tạm ngừng giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo, ĐB Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang) chất vấn: "Bộ trưởng nói đã kiểm điểm công tác dự báo mùa màng phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, vậy dự báo của Bộ trưởng vừa qua đúng hay sai, trách nhiệm này như thế nào?".

ĐB Lê Thanh Liêm: "Cơ hội nông dân được mùa, được giá như vừa qua quá hiếm hoi". Ảnh: Thanh Sơn
"Cơ hội nông dân được mùa, được giá như vừa qua quá hiếm hoi, nhưng tác động của Chính phủ làm cho người nông dân không nắm được cơ hội này, tức là họ không được hưởng lợi mà đáng lẽ họ được hưởng một cách đầy đủ... Không lẽ vì an ninh lương thực mà để người nông dân chịu hoài thiệt hại này?", ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) bức xúc. "Nếu dự báo sai thì có ai chịu trách nhiệm này, Bộ NN&PTNT có xử lý ai chưa?".

Bộ trưởng Phát giải thích: "Chính phủ chọn phương án điều hành xuất khẩu gạo là sự trăn trở lớn, là lựa chọn tốt nhất có thể trong tình huống đó. Việc khó tiêu thụ lúa gạo bây giờ chủ yếu là do hoàn cảnh bây giờ: Giá gạo thế giới xuống, trong nước được mùa, trong đó tỷ lệ lớn là lúa chất lượng thấp. DN trong điều kiện tín dụng cao hạn chế tích trữ".

Theo ông Cao Đức Phát, mong muốn làm thế nào để nâng cao thu nhập của nông dân, qua đó đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, làm nền tảng ổn định xã hội nhưng "trong một số tình huống đặc biệt mà giá lúa gạo trong nước có những đột biến lên cao quá nhanh thì Chính phủ đã có những chính sách kiềm chế việc tăng giá".

Bộ trưởng NN&PTNT cũng mong ĐBQH cùng bà con chia sẻ cách điều hành của Chính phủ: "Chính phủ luôn mong làm lợi nhất cho bà con nông dân, nhưng trong trường hợp đặc biệt cũng cân nhắc đại cục, ổn định xã hội, đất nước".

Ông Cao Đức Phát thừa nhận "trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi - Bộ trưởng NN&PTNT. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và QH về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của QH theo luật pháp".

Bộ trưởng Phát cũng cho hay, qua việc này thấy rằng cần phải bám sát đồng ruộng hơn nữa để có dự báo và báo cáo kịp thời với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có điều hành sát hơn và linh hoạt hơn để bảo đảm lợi ích của bà con nông dân và cả nước.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát: Cần phải bám sát đồng ruộng hơn để có điều hành sát hơn, linh hoạt hơn. Ảnh: Thanh Sơn
Ấn tượng với tinh thần dám chịu trách nhiệm của Bộ trưởng Phát cũng như với chủ trương bám sát đồng ruộng, ngay lập tức, ĐB Bùi Đặng Dũng thay mặt nông dân mời Bộ trưởng về Kiên Giang.

Sẽ không để nông dân phải tự "bơi"

Cho rằng quyết định ngưng ký hợp đồng xuất khẩu lúa gạo của Chính phủ "đã làm người nông dân thêm một lần gánh thiệt hại", ĐB Lê Thanh Liên (Long An) yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT giải thích vi sao "Chính phủ lo đảm bảo lương thực cho hơn 10 triệu người không trồng lúa nhưng lại quên hơn 60 triệu người trồng lúa? Người nông dân mấy chục năm qua đã tự nguyện làm việc đảm bảo an ninh lương cho cả nước rồi, tại sao Chính phủ cứ để nông dân chịu trách nhiệm một mình mãi về an ninh lương thực?".

Khác với tuyên bố vào thời điểm giá lúa gạo tăng đột biến, rằng việc thiếu gạo trong nước chỉ là tin đồn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định vào thời điểm đó, giá gạo thế giới lên cao. Cuối tháng 3/2008, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo trị giá 2,4 triệu tấn nhưng mới giao được 800 nghìn tấn. "Nhiều DN trong nước đã phải mua gom với hy vọng xuất khẩu, không chỉ là tin đồn".

Bộ trưởng Phát cho rằng, sản xuất gạo chỉ phục vụ xuất khẩu 20%, còn 80% dành cho tiêu dùng trong nước. "Người tiêu dùng trong nước không chỉ có 30% dân số sinh sống ở các đô thị mà còn có cả hàng triệu đồng bào chính là những người nông dân, ngay cả những người nông dân ở ĐBSCL không có ruộng, những người làm thuê, những người có lúa thu hoạch rồi bán ngay tại ruộng cũng phải mua gạo về ăn".

"Bộ trưởng đã có đề xuất gì để bù đắp những thiệt hại của những người nông dân trồng lúa, đặc biệt là ở ĐBSCL? Đó là nói về cái trước mắt, bởi vì đây không phải là lần đầu tiên nông dân bị thiệt hại do ngừng xuất khẩu gạo? Về lâu dài Bộ trưởng cũng có đề xuất gì để thưởng cho những người trồng lúa?" - ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) bổ sung.

ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) truy: "Thiệt hại của bà con là những thiệt hại rất cụ thể. Vậy Bộ trưởng có đề xuất chính sách cụ thể gì để bù đắp những thiệt hại đó cho người nông dân?"

Ghi nhận ý tưởng của ĐB, nhưng ông Phát khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu, "nhưng đây là vấn đề lớn, phải đặt trong tổng thể chung các chính sách của Nhà nước với nông dân, xử lý quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng, có nhiều vấn đề có liên quan".

Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định, "CP cũng không để bà con gánh chịu toàn bộ các thua thiệt đó". Chính phủ đang chỉ đạo hai tổng công ty mua 300 nghìn tấn gạo cho nông dân trong tháng này trên tinh thần "dù lỗ vẫn mua để gánh đỡ cho nông dân".

Liên quan đến mục tiêu để nông dân hưởng lãi 40%, ông Phát khẳng định, Bộ đã đưa kế hoạch gồm nhiều nội dung, vừa điều hành sản xuất, vừa làm tốt công tác chế biến, tiêu thụ để duy trì giá có lợi cho nông dân. "Cả sản xuất và tiêu thụ đều không theo ý muốn của ta. Sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường thế giới biến động. Bộ chỉ có thể theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt, không thể cam kết cứng trong điều kiện biến động cả sản xuất và thị trường".

Ông Phát cũng khẳng định, Chính phủ sẽ không để người nông dân tự bơi trong việc lựa chọn cây, con để nuôi trồng.

Hà Nội lụt: Không lúng túng?

Trách nhiệm về để xảy ra thiệt hại về người trong đợt lũ vừa qua ở HN cũng được các ĐB chất vấn Bộ trưởng Phát. ĐB Nguyễn Minh Thuyết nêu: "Trong ứng phó với úng ngập, thấy rõ sự chủ quan, chậm chễ, bị động của Ban chỉ đạo trung ương lẫn địa phương. Là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống bão lũ TƯ, Bộ trưởng có đồng ý hay không?"

Bộ trưởng Phát nêu rõ, đợt lũ vừa rồi vượt xa năng lực của các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, với lượng mưa quá lớn, có nơi lên tới 980mm. Theo ông Phát, "bất ngờ thì có vì trận mưa lớn hơn so với chúng tôi dự kiến, nhưng nếu nói có lúng túng không thì xin khẳng định là không lúng túng".

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng nếu nói không lúng túng là không đúng, chỉ là đã có xem xét tiếp thu.

Bộ trưởng Phát thông tin thêm, ngay sáng 31/10, khi cập nhật được tình hình ngay lập tức triển khai biện pháp khắc phục. Trong sáng đó, Bộ đã triển khai đoàn về các điểm xung yếu. "Cá nhân tôi phối hợp lãnh đạo Hà Nội bảo vệ trạm bơm Yên Sở, điểm tựa duy nhất xử lý thoát nước Hà Nội... Một Thứ trưởng về ngay Ninh Bình tổ chức chống lụt trên sông Hoàng Long. Cơ quan túc trực 24/24h, xử lý kịp thời mọi tình huống gay cấn đặt ra, không để xảy ra sự cố trầm trọng thêm tình hình".

"Sau đợt mưa, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau rà soát, đặc biệt là quy hoạch để có điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của khu vực và biến đổi khí hậu, trong đó có rút kinh nghiệm để điều hành hiệu quả hơn".

"Giải thích của Bộ trưởng chân thành nhưng không thuyết phục được cử tri", ĐB Thuyết phản nhận xét. "Nếu địa phương các năm trước tâm bão đi qua không chết ai, thì HN mất 22 người, trong đó có trường hợp có thể tránh được nếu chỉ đạo tốt. Ban Chỉ đạo TƯ lo 15 tỉnh, dân không đặt vấn đề nhiều, nhưng địa phương bố trí như thế nào để dân chết, trẻ em chết, thể hiện lúng túng, không kịp đối phó".

Theo ĐB Thuyết, vấn đề không chỉ là ngồi lại với nhau mà phải xử lý nghiêm khắc để không tái diễn.

  • Phương Loan

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;