221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1114832
Bầu trực tiếp thì dân có quyền trực tiếp bãi miễn không?
1
Article
null
Bầu trực tiếp thì dân có quyền trực tiếp bãi miễn không?
,

 Phải tạo điều kiện để những cán bộ trẻ có năng lực tham gia vào bộ máy điều hành, lãnh đạo, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản. Cần tính đến cơ chế bầu vừa có những đại biểu do các cơ quan giới thiệu, đồng thời có cả những người tự ứng cử.

Ngày 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp chủ  tịch xã. Trước đó, UBND TP.HCM đã có tờ trình xin ý kiến thường trực Thành ủy về việc không tổ chức HĐND tại 19 quận, 5 huyện và 259 phường đồng thời sẽ thí điểm người dân 5 xã bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã.

Xoay quanh chủ trương này, VietNamNet trao đổi với ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM và ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM.

Liệu có "dân chủ hình thức"?

Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP.HCM Lê Hiếu Đằng: Quá trình vận động tranh cử dân chủ, khách quan sẽ tạo điều kiện để người dân nhìn ra được năng lực của ứng cử viên. Ảnh: T.Thuấn

Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng, dân chủ cao nhất là người dân trực tiếp lựa chọn người lãnh đạo ở tất cả các cấp thông qua hình thức phổ thông bỏ phiếu. Nhưng vấn đề ở chỗ việc làm này có thực tâm, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của người dân hay là thực chất lại bị trói buộc bởi vô số điều kiện.

Ông Đằng băn khoăn: "Giả sử một người không là đảng viên ra ứng cử cùng với một đảng viên và dân lại chọn người không là đảng viên thì sao? Nếu làm không tốt, không thực tâm thì sẽ trở thành hình thức".

Chủ tịch xã là người được dân tín nhiệm về năng lực, phẩm chất chọn ra làm đại diện cho họ bởi hơn ai hết, người dân trong cộng đồng làng xã  biết ai là người công tâm, ai là kẻ cơ hội. Tuy nhiên, người dân vẫn còn tâm lý e ngại không biết qua chuyện bỏ phiếu, có chuyện này, chuyện kia hay không.

Hiện người dân chưa thể trực tiếp thực hiện quyền bãi miễn các chức danh lãnh đạo mà phải thông qua người đại diện là HĐND và MTTQ. Ở cấp xã, phường có quy định hằng năm UBMTTQ phường, xã họp phiên toàn thể bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch HĐND, UBND. Nếu tỉ lệ tín nhiệm dưới 50% sẽ chuyển sang HĐND để làm thủ tục bãi miễn. Tuy nhiên, việc này vẫn còn mang tính hình thức.

Cơ chế bãi miễn

"Trong việc thí điểm bầu chủ tịch xã, cần xây dựng cơ chế nếu chủ tịch xã không xứng đáng thì người dân có quyền bãi miễn. Phải có quy định bao nhiêu phần trăm dân có ý kiến bãi miễn thì phải tổ chức lấy ý kiến hoặc giao cho tổ chức nào đó thực hiện", ông Lê Hiếu Đằng nói.

Ý kiến này được ông Nguyễn Văn Minh đồng tình: "Đã có cơ chế bầu, nhất định phải có cơ chế bãi miễn để dân có thể thực thi trọn vẹn quyền của mình khi người lãnh đạo do mình bầu ra không còn đủ tư cách lãnh đạo, không hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó".

Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cũng đề xuất: "Phải tạo điều kiện để những cán bộ trẻ có năng lực tham gia vào bộ máy điều hành, lãnh đạo, nếu không sẽ lãng phí nguồn lực đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản. Để việc bầu chủ tịch xã dân chủ, tập trung phải tính đến cơ chế bầu vừa có những đại biểu do các cơ quan giới thiệu, đồng thời có cả những người tự ứng cử".  

Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Minh: Cần có những người tự ứng cử.  Ảnh: T.Thuấn

Ông Đằng cũng cho rằng để cho người dân trực tiếp bầu một cách chính xác thì phải tạo điều kiện công bằng cho mọi ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình.

"Quá trình vận động tranh cử dân chủ, khách quan sẽ tạo điều kiện để người dân chất vấn, đặt đi đặt lại vấn đề từ chương trình hành động của ứng cử viên, nhìn ra được năng lực của ứng cử viên. Nếu làm được như thế thì đó mới là không khí ngày hội của dân, đó mới là dân chủ thực sự và người dân sẽ bỏ phiếu cho những ai thực sự xứng đáng".

Bỏ HĐND quận huyện, phường là hợp lý

Ông Lê Hiếu Đằng và ông Nguyễn Văn Minh đều tán đồng chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

"Nói thật, HĐND quận, huyện, phường không có tác dụng gì cả. Khi tôi còn làm HĐND TP, đi dự hội nghị HĐND một quận, đến phiên họp cuối phải huy động người đi gọi, chở các đại biểu đến dự để cho đủ số lượng, nếu không thì không ra nghị quyết được. Bỏ HĐND quận, huyện chúng ta sẽ theo chế độ bổ nhiệm, UBND TP bổ nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện. Như vậy chính quyền sẽ tập trung hơn", ông Đằng phát biểu.

Cũng theo ông Đằng, HĐND quận, huyện hiện nay còn "lép vế" bên cạnh chính quyền. Tình trạng nể nang vẫn phổ biến vì chủ tịch HĐND đồng thời là phó bí thư. "Dường như HĐND quận, huyện không làm gì để giải quyết những bức xúc của dân ở cơ sở".

Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Minh nhận xét, thực tế vai trò đại biểu HĐND các cấp này có mức độ hạn chế do kiêm nhiệm. Việc bỏ HĐND quận, huyện, phường là nhằm tập trung quyền lực về một mối để đảm bảo tính xuyên suốt và thống nhất trong việc ban hành và giám sát các nghị quyết. Mặt khác, có như thế mới nâng cao vai trò của HĐND TP, hạn chế đại biểu kiêm nhiệm, tăng cường đại biểu chuyên trách.

  • Tấn Thuấn

                                                       Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,