221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1048767
Chủ tịch Quốc hội: "Chất vấn không phải để cho vui"
1
Article
null
Chủ tịch Quốc hội: 'Chất vấn không phải để cho vui'
,

 - Kết luận phiên chất vấn "đầu tiên trong lịch sử Quốc hội" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành, chiều nay (28/3), Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu hai Bộ trưởng Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và Chánh án TANDTC "báo cáo với QH làm được những gì, để QH theo dõi, giám sát". "Chất vấn ở đây không phải để cho vui", ông nhấn mạnh.

Sau phần trả lời buổi sáng của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHNN, chiều 28/3, các đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát về việc chậm trễ trong xây dựng các công trình thủy lợi và giải pháp cho tình trạng giá các vật tư nông nghiệp tăng cao. Sau đó, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trả lời xoay quanh thực trạng trình độ, năng lực của đội ngũ thẩm phán.

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát tiếp tục được chất vấn ở giờ giải lao.  Ảnh: VA
Thiếu vốn do điều hành?

Bức xúc trước những thiệt hại "rất lớn" của đợt rét hại đầu năm nay ở miền Bắc, khiến "trên 10 vạn hộ dân bị đói", đại biểu Lê Quốc Dung - phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH yêu cầu Bộ trưởng Phát cho biết trách nhiệm dự báo, hướng dẫn chỉ đạo phòng và khắc phục thiệt hại thiên tai cũng như chính sách hỗ trợ với các hộ đói. 

Tư lệnh ngành nông nghiệp Cao Đức Phát cho hay: "Không thể lường được đợt rét đột ngột chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam, bởi tháng 12/2007, thời tiết còn ấm hơn bình quân mọi năm". Nhưng ông cũng cho rằng Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo, "ngày 23 Tết chúng tôi còn họp với các tỉnh miền núi. Có rất nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương chủ động chống rét cho mạ. Nơi nào chống rét tốt thì mạ vẫn sống, nếu làm không chặt chẽ thì mạ chết". 

Bộ trưởng NN & PTNT cũng nhấn mạnh, dịch bệnh chính là nguyên nhân khiến giá cả thực phẩm căng thẳng như hiện nay. "Tăng trưởng ngành chăn nuôi sụt giảm (4,6% năm 2007 so với 8,7% năm 2006), trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng 7-8% năm". Theo ông, để phòng chống dịch bệnh, cần sự ra tay quyết liệt của các địa phương, nhất là người đứng đầu cấp xã. 

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc "cám ơn" người đặt câu hỏi trước đó là Lê Văn Tâm bởi ông này nói trúng vấn đề mà cử tri ở nhiều địa phương rất bức xúc. Đó là sự chậm trễ trong xây dựng các công trình thủy lợi. 

Bộ trưởng Phát "chia sẻ bức xúc với đồng bào", nhưng nêu khó khăn "muôn thuở" là thiếu vốn. Giải thích này không được các đại biểu đồng tình bởi khó khăn này đã nhiều lần được nêu trước QH, nhất là khi ở tầm vĩ mô điều hành vốn, nhiều ngành không sử dụng hết ngân sách phẩn bổ. 

Có mặt tại phiên chất vấn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh "đỡ" cho ông Phát khi nói: "Thiếu vốn là vấn đề năm nào cũng đặt ra, nhu cầu của các địa phương rất lớn, chỉ đáp ứng được 50 - 70%. Cái khó là với các công trình đã phân cấp về cho tỉnh tự quyết định bố trí vốn, nhiều khi lại không tập trung, có dự án có vốn lại không năng lực thực hiện". Ông Sinh cũng khẳng định: "Chúng ta không bao giờ đủ vốn mà phải ưu tiên cái nào trước, cái nào sau. Có dự án thủy lợi lên đến 1.000 tỷ đồng, không phải thích hôm nay là ngày mai làm được". 

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng "chia lửa": "QH đã chất vấn rất nhiều vấn đề này, có một nguyên nhân nữa là việc chuẩn bị dự án nhiều khi không tốt, quy hoạch cũng chậm, thường có chủ trương đầu tư rồi mới triển khai dự án".

Mô tả ảnh.
Lần trả lời chất vấn đầu tiên của 3 thành viên Chính phủ trước UBTVQH được đánh giá là tương đối trực diện.  Ảnh: VA
Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đặt thẳng câu hỏi cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, người cũng đang có mặt tại phiên chất vấn: "Người dân không quan tâm đến việc thiếu hay không thiếu vốn, mà họ bảo: Bộ máy làm gì mà cứ để thiếu? Một số bộ ngành rõ ràng chi không hết trên 500 tỷ đồng, vậy đó là công tác quản lý điều hành của Chính phủ chứ!". 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quả quyết: "Không thể để các dự án bị dở dang. Trong xây dựng cơ bản, còn nhiều việc Chính phủ làm chưa tốt, rõ ràng phải xử lý, nhiều công trình triển khai chậm".

Tuy nhiên, ông Hải yêu cầu sự chủ động vào cuộc của các ngành, các cấp: "Khi giá biến động thì tất cả ngồi hỏi, rồi chờ hướng dẫn", đồng thời hé mở giải pháp: "Nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ, nhu cầu lớn, điều quan trọng nhất là phải chuyển nhu cầu đầu tư từ vai Nhà nước sang vai khối doanh nghiệp". 

Ngành tư pháp cũng bị chảy máu chất xám

Có hẳn nửa buổi chiều để chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về trình độ, năng lực và sự thiếu hụt quân số thẩm phán ở tất cả các cấp, các đại biểu Đặng Thuần Phong, Danh Út đều muốn biết giải pháp cho tình trạng "xảy ra từ nhiều năm nay" này. 

Mô tả ảnh.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Ảnh: VA
Ông Trương Hòa Bình "báo động" UBTVQH về việc chảy máu chất xám nghiêm trọng trong ngành tư pháp: "Sinh viên ra trường không muốn vào ngành, vào rồi thì 3 - 4 năm cũng xin ra, vì lương sau 5 năm chỉ hơn 1 triệu đồng. Trong khi các công ty luật trả 5 - 7 triệu, công ty nước ngoài còn trả cao hơn. Đã có những cán bộ cấp vụ có bằng thạc sỹ, tiến sỹ xin ra". 

Theo ông Chánh án, điều cần thiết là ngành phải có trường đại học riêng và phải cải cách chế độ tiền lương. Tuy nhiên, giải pháp tăng lương mà ông Bình đề xuất bị Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng chất vấn: "Nâng lương đến bao nhiêu thì thu hút được sinh viên vào ngành tư pháp? Không thể tăng đến mức tương đương với doanh nghiệp nước ngoài được. Mà không được như vậy thì họ vẫn ra đi thôi".

Ông Trương Hòa Bình bèn đưa ra phương án khác, tác động đến lý tưởng của thanh niên: "Hãy làm phim đề cao hình ảnh công tố viên, thẩm phán, những người công minh, chính trực như Bao Công, bởi ngoài lương ra, thanh niên còn đề cao danh dự, trách nhiệm". 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chánh án TANDTC sau lần trả lời chất vấn "đầu tiên" trước UBTVQH " chủ động hơn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức" ngành mình. 

Kết luận phiên chất vấn mà ông đánh giá là "tốt", "tương đối trực diện", Chủ tịch QH lưu ý hai Bộ trưởng và Chánh án TANDTC "báo cáo với QH làm được những gì, để QH theo dõi, giám sát", bởi "chất vấn ở đây không phải để cho vui". 

Ông Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các đại biểu cũng như thành viên Chính phủ "rút kinh nghiệm" trong phiên chất vấn tới có thể sẽ diễn ra ngay tháng 4: "Cần nêu vấn đề sắc sảo hơn, trả lời sắc nét hơn, tránh vòng vo". 

"Nếu Chính phủ không thực hiện như trả lời chất vấn thì phiên họp sau, UBTVQH lại hỏi, nếu vẫn chưa tốt thì sẽ đưa ra chất vấn tiếp ở kỳ họp QH", ông Trọng nói.

  • Vân Anh 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,