221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1048635
Chống lạm phát: Chính phủ họp hàng ngày để ra quyết định
1
Article
null
Chống lạm phát: Chính phủ họp hàng ngày để ra quyết định
,

 -  Mở màn phiên chất vấn thí điểm lần đầu tiên tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cùng "chia lửa" trả lời những chất vấn dồn dập của đại biểu QH về lạm phát, tiền tệ.

Trước những truy vấn liên tiếp của ĐB về "điều hành vĩ mô rời rạc", "chính sách thuế nhấp nhổm", "đầu cơ"..., người đứng đầu Bộ Tài chính chia sẻ "Chúng tôi họp liên miên. Các bộ hội ý hàng ngày, hàng tuần, hội đồng tư vấn tiền tệ họp liên tục. Không chỉ các bộ ngành mà còn có thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... 8h tối qua mới kết thúc phiên họp thường kỳ Chính phủ kéo dài ba ngày nay".

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tôi chưa thấy mình sai

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh. Ảnh: N.L
Đại biểu QH Bình Định Hồ Quốc Dũng "phát pháo" bằng câu hỏi: "Tại kỳ họp cuối năm CP đã báo cáo chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng, nhưng thực tế là trên 12%. Lý do vì sao? Bộ trưởng toàn nêu các nguyên nhân khách quan dẫn tới  lạm phát mà không thấy nói gì đến nguyên nhân chủ quan do chỉ đạo điều hành?".

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời ngay: "Để lạm phát cao hơn tăng trưởng năm vừa qua, có nguyên nhân do dự báo đánh giá tình hình không sát thực tiễn nên đã đặt ra những giải pháp chưa kịp thời, chưa sát. Nhất là điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng rất cao. Dự kiến chỉ tăng 43% nhưng nay đã tăng lên hơn 53%".

Ông Ninh thừa nhận, "Chúng tôi xác định mục tiêu kiểm soát lạm phát thấp hơn mục tiêu tăng trường như Nghị quyết QH là đã không thành công. Chính phủ đang thảo luận nhiều phương án khác nhau để điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng".

Thừa nhận tăng giá có nguyên do từ việc nhà nước đã chủ động điều chỉnh giá thị trường nhưng người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định, Chính phủ không cho rằng do điều hành kém vì khó khăn hiện nay cũng là khó khăn toàn cầu. "Không biết có phải do mình bảo thủ  không nhưng tôi chưa nhìn thấy mình sai. Tất cả chính sách tiền tệ, tín dụng đều đã làm quyết liệt, buổi sáng Chính phủ làm việc thì buổi trưa ra quyết định ngay. Chính phủ họp hàng ngày để ra quyết định", ông Ninh chia sẻ.

"Biết là Chính phủ rất nỗ lực nhưng hình như làm chưa trúng nên lạm phát mới cao nhất khu vực?", Đại biểu Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) tiếp tục truy vấn.

Thừa nhận việc tăng lương, tăng giá xăng dầu và hàng loạt mặt hàng khác đã đẩy giá tiêu dùng lên cao nhưng người đứng đầu Bộ Tài chính tái khẳng định: "Các định hướng điều hành tương đối phù hợp, bắt đầu có tác động tốt đến nền kinh tế. Lạm phát không phải ngày một ngày hai mà phải đặt trong kế hoạch trung hạn, các chuyên gia kinh tế thế giới đã dự đoán,  2009 mới kiểm soát được lạm phát. Việt Nam sẽ còn khó hơn vì giá nhiều mặt hàng thấp hơn mặt bằng thế giới quá lâu".

Tiếp tục "nhấn" vào vai trò điều hành Chính phủ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt vấn đề: "Các hiện tượng cứu chứng khoán, đầu cơ bất động sản, xuất nhập khẩu... như vừa rồi thì có phải do quản lý vĩ mô?"

Bộ trưởng Ninh nói: "Việc lựa chọn mục tiêu tăng trưởng, lạm phát, chính sách tiền tệ đều có quan hệ mật thiết. Chọn tăng trưởng cao thì sẽ không kiểm soát được lạm phát. Nếu chọn lạm phát thấp đồng nghĩa với việc thắt chặt hơn nữa tiền tệ, và như vậy, con đường cho tăng trưởng cao sẽ khó khăn". 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận khuyết điểm về chính sách tiền tệ

Mô tả ảnh.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội). Ảnh: N.L
Có mặt tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu bổ sung thêm: "Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn nhất là phân tích dự báo sát hơn thì CPI đã không tăng cao đến như vậy. Năm 2007, chúng ta đã không dự tính trước được luồng vốn đầu tư gián tiếp lớn như vậy".

Ông Giàu cho biết, Thủ tướng cũng đã phê bình Ngân hàng NH rất nặng về điều này.

Ông cũng giải thích, nhậm chức Thống đốc từ giữa năm nhưng trước đó, NHNN đã xuất 40.000 tỷ mua ngoại tệ để tăng dự trữ nhằm đối phó với dòng vốn đổ vào. Từ lúc ông ngồi vào ghế thống đốc, NHNN lại xuất thêm 50.000 tỷ đồng mua ngoại tệ và phát hành tín phiếu NH. "Lần đầu tiên NH TƯ là con nợ của các NH thương mại với số tiền lên tới 90 nghìn tỷ đồng để can thiệp vào tổng phương tiện thanh toán", ông Giàu nói.

Người đứng đầu NHNN cho biết, hiện, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN phải kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm xung quanh mức 30%. "Khả năng kiểm soát để thực hiện  mục tiêu kiềm chế lạm phát là khả thi", ông Giàu khẳng định.

Đại biểu Thanh Hóa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn, hiện khoản 1, điều 476 Bộ Luật Dân sự quy định lãi suất trần bằng 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Nhưng hiện nay, đại đa số NHTM đều đang phạm luật. Bà Nga đặt vấn đề: "NHNN giám sát hoạt động Ngân hàng Thương mại như thế nào?".

Ông Giàu thừa nhận, NHNN đã lúng túng ngay từ khi ban hành mức trần lãi suất vì mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố thường ở mức thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Hiện, NHNN đã đề nghị tăng trần lãi suất lên 300%. Dự thảo sửa đổi điều này sẽ được hoàn thiện để trình tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XII.

90 phút đối thoại với hai thành viên Chính phủ đã chốt lại với 8 câu hỏi. Tuy nhiên, trong suốt phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần phải lưu ý với nhiều đại biểu "chỉ hỏi chứ không bình luận, nên tập trung vào câu hỏi, không dẫn giải vòng vo".

Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và Chánh án Tòa án Nhân dân Trương Hòa Bình sẽ tiếp tục đăng đàn.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Bộ trưởng nắm tình hình rất sát

Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính về lạm phát tương đối thẳng thắn, có tranh luận. Tất nhiên, nói nông - sâu thế nào để đại biểu bình luận, cái chính là thực hiện sau này thế nào. Diễn biến sôi động hàng giờ nhưng Bộ trưởng nắm tình hình rất sát. Bộ trưởng và Thống đốc đều nhìn nhận sự việc rõ ràng, thừa nhận đánh giá tình hình và dự báo chưa sát. Thống đốc thừa nhận thủ tướng phê bình việc điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần khiến tăng giá.

Lạm phát hiện đang thời sự, hệ trọng, liên quan tài chính, tiền tệ, ngân hàng liên quan điều hành của nhiều bộ ngành. Đã hội nhập là phải chịu tác động chung.... DN, nhân dân đang lo ngại, nhiều hiện tượng hốt hoảng. Họp liên tục, nhiều mà không hiệu quả thì phải xem lại... Nói gì thì nói, đến nay nhìn thấy không đạt mục tiêu tăng trưởng. Muốn kiềm chế lạm phát lại vẫn muốn tăng trưởng, xem ra rất khó.  Vì vậy, cái gì không hợp là sẽ điều chỉnh ngay.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Không có giải pháp nào là cố định"

Việt Nam đã từng tăng trưởng mạnh trong vài năm trở lại đây. Thời điểm hiện nay, Việt Nam đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, không phải chúng ta không có biện pháp khắc phục. Chính phủ đã đưa ra những giải pháp đang bám theo hướng điều chỉnh. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chính những giải pháp được đưa ra trong năm nay sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm sau.

Tiềm năng của nước ta còn rất lớn, nhiều lợi thế đang được khai thác với yêu cầu phát triển cao. Nhưng cũng cần phải điều chỉnh cơ cấu thật chuẩn và các giải pháp đưa ra phải theo dõi và điều chỉnh thường xuyên vì không có giải pháp nào là cố định.  

  • Lê Nhung

    Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,