221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1005824
Đại biểu đề xuất cải tiến quy trình làm luật
1
Article
null
Đại biểu đề xuất cải tiến quy trình làm luật
,

(VietNamNet) - Thảo luận ở tổ sáng nay (16/11) về dự kiến xây dựng chương trình luật và pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII, nhiều đại biểu đồng nhất với quan điểm: Chất lượng xây dựng luật mới là quan trọng. Muốn luật đi vào cuộc sống, điều cốt lõi là phải thay đổi quy trình xây dựng.

>>Kê đơn thuốc nhưng không đúng bệnh
>> Bỏ tư tưởng làm luật theo thành tích

a
Thảo luận ở tổ đại biểu QH Hà Nội sáng 16/11. Ảnh: VA
Cần có chiến lược dài hơi

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Phạm Thị Loan nêu đề nghị mà bà cho là "hơi khó thực hiện nhưng nếu không làm thì các luật sẽ mãi mãi manh mún". Đó là, QH phải phối hợp với Chính phủ có chiến lược lâu dài về xây dựng luật.

"Cần rà soát tất cả các luật đã có, xác định luật cần ban hành và có kế hoạch ưu tiên thứ tự ra đời, không phải chỉ cho QH khóa này mà cần nhìn xa trông rộng hơn nữa", bà Loan nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội đề xuất: Không nên chờ 2 kỳ họp hàng năm mới in ấn, phát cho đại biểu các dự thảo luật. "Ban soạn thảo, các ủy ban thẩm định có thể họp thường xuyên, in gửi văn bản cho các đại biểu. Các đoàn sẽ họp thảo luận trước, đến kỳ họp chỉ tổng hợp ý kiến rồi thảo luận, thông qua, sẽ rất nhanh và kỹ".

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn thì lưu ý chất lượng làm việc của ban soạn thảo 2 dự luật mới được QH thảo luận vừa qua. "Tôi nghĩ bộ phận xây dựng luật chưa chuẩn bị chu đáo, bộ phận thẩm tra chắc là cũng nể nang nên cứ đưa ra thảo luận, mất rất nhiều thời gian".

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Tiến Dĩnh thẳng thắn: "Có rất nhiều luật hiện mâu thuẫn nhau, như Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Điều đó thể hiện quy trình làm luật còn khép kín, bộ nào soạn thì chỉ biết luật của mình, cơ quan phản biện cũng không rà đến các luật khác".

Đây cũng là ý kiến của TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM. Thảo luận ở tổ đại biểu TP. Hồ Chí Minh, ông Lịch kiến nghị: "Mỗi kỳ họp nên bàn thảo những dự án luật tương đồng với nhau để đại biểu thấy được tính hệ thống". 

Ông dẫn chứng, ngay như tại kỳ họp này, buổi sáng đang thảo luận Luật Chữ thập đỏ, buổi chiều đã lại chuyển ngay sang Luật Năng lượng nguyên tử. Sáng hôm sau lại "chạy" sang tranh luận về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. "Thật không hiểu nổi", TS Du Lịch than.

Với quan điểm phải chọn lựa ưu tiên, chủ động lên kế hoạch cho chương trình làm luật từng kỳ họp, ông Lịch nhấn mạnh, cần rà soát lại ngay những dự luật đang xung đột lẫn nhau. Việc ban hành những luật mới phải được hoạch định theo tư tưởng hoàn thiện thể chế kinh tế, phải ban hành ngay những dự luật mà nếu thiếu nó thì những luật trong hiện tại sẽ thiếu đồng bộ.

Nhiều luật cần được ban hành ngay năm 2008

Mỗi đại biểu đều đề xuất cần xem xét, thảo luận và ban hành ngay trong năm 2008 những luật được cho là cấp thiết.

Đại biểu Lịch kiến nghị, ngay trong năm 2008 phải xem xét sửa pháp lệnh về nhà đất và ban hành Luật về thuế bất động sản để phù hợp với tình trạng sốt đất vừa qua. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói, cần sửa đổi ngay Luật Khiếu nại, tố cáo. "Chúng ta cần sửa theo quy trình rút gọn, sửa, bổ sung vài điều thôi, như nghĩa vụ, trách nhiệm, xử lý nếu tố cáo sai sự thật. Bởi hiện tình tình khiếu kiện tố cáo đang bức xúc chưa từng thấy, nhưng có đến gần 60% là tố cáo sai".

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, trưởng đoàn Luật sư TP.HCM cũng đồng quan điểm này: Cần đưa hai luật từ chương trình chuẩn  bị dự khuyết vào chương trình chính thức là Luật Tố tụng hành chính và Luật Khiếu nại, tố cáo. "Còn Luật công vụ, Luật Thủ tục hành chính, Luật Đa dạng sinh học chưa ra cũng không chết ai", ông Trừng gay gắt.

Cho rằng "phải coi thời đại này đang có nhu cầu gì để ban hành", ông Trừng quyết liệt kiến nghị, ngay lập tức nên thêm vào chương trình 4 dự luật: Luật tôn giáo, chống phá giá, Luật trợ cấp hàng nhập khẩu và Luật về tự vệ nhập khẩu hàng hóa vào VN.

Đoàn đại biểu QH Hà Nội thống nhất, sẽ đề nghị với QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật QH khóa này Luật Thủ đô, được nâng lên từ Pháp lệnh Thủ đô, nhằm luật hóa những cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

  • Lê Nhung - Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,