221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1005478
Kê đơn thuốc nhưng không đúng bệnh
1
Article
null
Luật ban hành VB quy phạm pháp luật sửa đổi:
Kê đơn thuốc nhưng không đúng bệnh
,

(VietNamNet) - Cho rằng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi trình ra Quốc hội lần này "chuẩn bị còn cập rập", nhiều đại biểu Quốc hội sáng nay (15/11) đã kiến nghị rằng chỉ cần thực hiện nghiêm túc luật hiện hành cũng đã rất hiệu quả.

Uỷ viên ban thẩm tra: Có được đọc kỹ đâu mà cho ý kiến?

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: "Phải nghiên cứu để tiếp tục cải tiến hoạt động lập pháp của Quốc hội".

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Tây, Vụ trưởng Vụ pháp luật Văn phòng Quốc hội) phản ứng khá gay gắt. Ông Quyền bức xúc giãi bày rằng, rất nhiều nội dung trong dự thảo này là phi nguyên lý và phi thực tiễn, bất khả thi.

"Như thế khác nào kê đơn thuốc nhưng không đúng bệnh", ông Quyền nói.

Ngay trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ có 12/10 vấn đề thì 5 vấn đề băn khoăn và cân nhắc, 3 vấn đề không đồng ý và 3 vấn đề có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Quyền dẫn chứng.

Chia sẻ với bức xúc của đại biểu Quyền cũng như nhiều đại biểu trước đó, ông Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật) thẳng thắn: "Ở trong chăn nên tôi biết chăn có rận".

Do chuẩn bị quá cập rập, nên ông Nhơn cho biết, cho đến sau khai mạc phiên họp, Ủy ban Pháp luật mới ngồi lại để thẩm tra dự án luật. "Lâu nay, cứ nhận xét là trong Ủy ban có ý kiến này, khác. Nhưng điều đó cũng hiển nhiên vì như tôi là ủy viên trong Ủy ban Pháp luật mà chưa lần nào được nghiên cứu tài liệu một cách chủ động", ông Nhơn bức xúc.

Lý do vì tài liệu chỉ được gửi tới ngay trước mỗi kỳ họp: "Thế là vừa đàn vừa hát. Có được đọc kỹ đâu mà cho ý kiến. Vậy là khâu thẩm định một dự án Luật để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã có vấn đề", ông Nhơn kết luận.

Trong khi đó, lý do của sự "cập rập" dẫn đến chậm trễ từ phía Chính phủ chỉ là các cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại một số lỗi ngữ pháp, một số thể lệ hình thức văn bản và bổ sung nội dung Chính phủ tập trung đầu mối thống nhất các dự án chương trình xây dựng luật.

"Thẩm định và thẩm tra là hai khâu lớn nhất. Chính phủ mà chuẩn bị chưa chu đáo thì đưa ra thẩm tra sao có chất lượng", ông Nhơn đặt vấn đề. "Không biết Ban soạn thảo nói riêng hay cả Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với ý đồ đạn đã lên nòng phải bóp cò hay sao?".

Quốc hội sẽ lệ thuộc vào Chính phủ trong làm luật?

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): "Nguyên nhân do các cơ quan trình dự án, thẩm tra, lập và quyết định chương trình chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật".

"Phi thực tiễn" nhất là quy định trong điều 23 về việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân thay vì gửi chương trình sáng kiến lập pháp đến thường vụ Quốc hội như lâu nay sẽ phải gửi đến Chính phủ, "nhưng Chính phủ không thể là đầu mối để tập hợp tất cả các dự án chương trình xây dựng luật", đại biểu Quyền khẳng định.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật) giải thích rõ hơn, rằng quy định như vậy là hạn chế quyền sáng kiến lập pháp của các cá nhân, tổ chức. "Mục tiêu của luật này phải là khắc phục được các lỗi cơ bản của thời gian qua, như nguyên nhân từ phía cơ quan soạn thảo, quy trình thẩm tra dự án... Trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chồng chéo văn bản như hiện nay, không phải do Chính phủ chưa làm đầu mối", bà Nga chia sẻ.

Còn đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cũng cho rằng, quy định như vậy thì Quốc hội sẽ lệ thuộc vào Chính phủ trong lập pháp, cũng như không phát huy được trách nhiệm giám sát.

"Lấn" quá giờ phát biểu, bà Nga đưa ra con số 90% dự án do Chính phủ trình, 10% do các chủ thể khác trình. "Trong số các dự án chưa hoàn thành có nhiều dự án do Chính phủ làm chậm".

Ông Quyền khẳng định, chỉ cần thực hiện được những điều khoản như trong luật hiện hành cũng đã đạt hiệu quả. "Luật hiện hành khá chi tiết, chặt chẽ, đồng bộ. Nhưng do chúng ta không chịu thực hiện đúng. Đừng đổ lỗi cho luật", ông Quyền đề đạt. "90% tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật chưa thống nhất chưa có chất lượng là do công tác tổ chức thực hiện", ông thống kê.

Nhắc lại nhiều lần cụm từ "xin lỗi Bộ trưởng Bộ Tư pháp", đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn khẳng định: "Bộ Tư pháp, cơ quan giữ cửa Pháp luật cho chính phủ hiện chưa đúng tầm".

Ông Nhơn cũng nhất trí với phân tích của đại biểu Quyền rằng, tất cả những chồng chéo lâu nay chủ yếu do cơ chế điều hành chứ không phải do chưa tập trung đầu mối. "Vấn đề lớn là cơ chế điều hành và thiết lập mệnh lệnh hành chính của cơ quan hành pháp trong việc soạn thảo".

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,