221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
182674
Ông Nguyễn Cao Kỳ được về thăm quê Sơn Tây
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Ông Nguyễn Cao Kỳ được về thăm quê Sơn Tây
,

(VietNamNet) - Việc ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ đang cư trú tại California (Hoa Kỳ) được Nhà nước ta cho phép về thăm quê hương  Sơn Tây đang là chuyện thời sự của người dân Sơn Tây (tỉnh Hà Tây).

Nhà số 51 Ngô Quyền, Sơn Tây.

Có người hỏi: “Sao lại cho cái con người đã từng tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại dân tộc, gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho nhân dân Việt Nam, mặc dù cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa, về thăm quê được?”. Nhưng nhiều người lại bảo:Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo, tạo điều kiện cho ông Kỳ về thăm quê hương. Đó cũng là đạo lý cao đẹp của người Việt Nam chúng ta”.

Có 2... Nguyễn Cao Kỳ

Chiều ngày 7/1/2003, tức 16 tháng chạp âm lịch, chỉ còn 14 ngày nữa là đến tết 2004, chúng tôi có mặt tại thị xã Sơn Tây. Cả một con phố Ngô Quyền dài, nơi ông Nguyễn Cao Kỳ sinh ra và lớn lên, đang râm ran bàn tán chuyện ông được về thăm quê. “Các chú hỏi con cháu nhà ông Nguyễn Cao Kỳ nào? Ở đây có tới 2 ông Nguyễn Cao Kỳ” - Một bà cụ ở đầu phố Ngô  Quyền (mà sau đó chúng tôi được biết là Kiều Thị Lợi, 83 tuổi) vặn lại khi chúng tôi hỏi thăm cụ về con cháu của ông Nguyễn Cao Kỳ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên cụ Lợi cười, giải thích: “Chuyện là thế này: Ông Nguyễn Cao Hoạch và ông Nguyễn Cao Hiếu là 2 anh em con chú con bác. Ông Nguyễn Cao Hoạch (dân Sơn Tây gọi là ông phủ Hoạch) sinh được 2 người con, con cả là Nguyễn Cao Đăng, con thứ 2 là Nguyễn Cao Kỳ (tức Tùng). Chúng tôi hay gọi là Kỳ Tùng, hay Kỳ “anh”. Còn ông Nguyễn Cao Hiếu (hay còn gọi là cụ giáo Hiếu) sinh được 3 người con: 2 cô con gái đầu và cậu con trai thứ 3 là Nguyễn Cao Kỳ, tức Kỳ “em”. Kỳ “em” chính là cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Nguyễn Cao Kỳ. Kỳ “anh” sau đó vào Sài Gòn sinh sống bằng nghề bán xăng dầu”.

Ông Hoạch.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết sau những thăng trầm của lịch sử dòng họ Nguyễn Cao đã ly tán, phiêu bạt khắp nơi. Hiện nay ở Sơn Tây chỉ còn lại một người cháu gọi ông Nguyễn Cao Kỳ , cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ bằng chú. Đó là chị Nguyễn Thị Tý (tức Tâm), 44 tuổi ở  phố Ngô Quyền. Chị Tý (hiện có 2 con: một trai đang học lớp 10, con gái học lớp 8) là con gái ông Nguyễn Cao Đăng. Cuộc sống của gia đình chị Tý rất khó khăn. Hàng ngày chị bán rau ở chợ Sơn Tây, còn chồng chị làm nghề sửa chữa xe đạp ở Hà Nội. Khi chúng tôi tới nhà chị thì trời đã tối mịt. Chị cũng vừa đi chợ về. Chị cho biết, sáng 7/1 ra chợ chị được một số người quen cho biết rằng báo chí đăng tin ông Nguyễn Cao Kỳ được Nhà nước ta cho về thăm quê. “Đây thực sự là tin đột ngột đối với gia đình chúng tôi. Ban đầu tôi không dám tin vì nghĩ rằng dẫu sao thì chú ấy cũng đã từng là Phó Tổng Thống Chính quyền nguỵ, từng tham chiến chống lại cách mạng”.

Nguyễn Cao Kỳ qua ký ức của người Sơn Tây

Ông Bạn.

Chị Tý kể rằng, chị không hề biết “mặt mũi của ông Nguyễn Cao Kỳ ra sao cả”. Trong các năm từ 1974 đến 1977 gia đình chị nhận được chừng chục lá thư của ông Nguyễn Cao Kỳ. Sau đó thì không có liên lạc gì với ông Kỳ nữa. “Lúc đó mẹ tôi còn sống. Bà rất giận ông Kỳ vì ông Kỳ đã làm rất nhiều điều tồi tệ: chống lại cách mạng, gieo rắc nhiều đau khổ cho nhân dân. Nhận đựơc thư bà kiên quyết không chịu đọc. Thậm chí còn đem đốt hết, mặc dù trong thư ông cũng chỉ hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ tôi. Thư không có địa chỉ nên chúng tôi cũng không hồi âm” - chị Tý kể. Ông Nguyễn Văn Bạn, 78 tuổi (ở 98 Phùng Hưng, thị xã Sơn Tây), người học cùng lớp với ông Nguyễn Cao Kỳ “anh”, từng biết rất rõ ông Nguyễn Cao Kỳ “em” kể: “Ông Nguyễn Cao Kỳ “em” sinh năm 1930, là con trai của ông giáo Hiếu. Ông Hiếu rất cưng chiều ông Kỳ. Ông Kỳ học giỏi, nhưng rất ngỗ ngược. Trẻ con cùng trang lứa ai cũng “ngán” cậu “quý tử” này. Ông Kỳ học ở Sơn Tây đến hết lớp 4 thì được ông Hiếu cho về Hà Nội vào học Trường Bưởi (Trường PTTH Chu Văn An hiện nay). Năm 1952 Nguyễn Cao Kỳ bị Pháp bắt đi lính và được đưa vào huấn luyện tại Trường sỹ quan trừ bị khoá I ở Nam Định. Sau đó Nguyễn Cao Kỳ được chọn sang Pháp đào tạo tại trường không quân Narrakech. Sau khi kết thúc thúc trường này Nguyễn Cao Kỳ bắt đầu con đường binh nghiệp và chính trị đầy sóng gió và bi kịch của mình”.

Ngõ vào nhà chị Tý.

Còn ông Lý Đức Phương, 57 tuổi, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch phường Ngô Quyền giai đoạn 1979-1989 kể: “Tôi lớn lên thì ông Nguyễn Cao Kỳ đã rời khỏi Sơn Tây rồi. Sau này chúng tôi biết rằng ông Nguyễn Cao Kỳ đã làm đến chức Phó Thủ tướng, rồi Phó Tổng thống nguỵ, từng nổi danh với cái tên “ông tướng râu kẽm” chống lại cách mạng, chống lại nhân dân rất quyết liệt. Là người cùng quê chúng tôi đã từng rất căm giận ông ấy. Nhưng nay cuộc chiến tranh đã lùi xa. Hơn nữa những năm gần đây ông Kỳ đã có những thái độ khác trước: năm 1992 ông ấy đã từng lên tiếng đòi chính quyền Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam. Ông ấy lại liên tục xin được về quê và tết năm nay đã được Nhà nước cho phép về thăm quê. Chúng tôi hiểu và chia sẻ những tâm tư, trăn trở của ông ấy”.

Vâng, tất cả những người Sơn Tây mà chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện đều không quên những gì mà ông Nguyễn Cao Kỳ đã làm, nhưng tất cả đều sẵn sàng tha thứ để đón nhận ông...

  • Lê Tuấn Vũ

Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Phạm Thế Duyệt: ''Đó là đạo lý của người Việt Nam''

Ngay sau khi ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng, cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ hiện đang sinh sống tại Mỹ được Nhà nước ta đồng ý cho về thăm quê Sơn Tây (tỉnh Hà Tây) vào dịp tết Giáp Thân, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ VN về vấn đề này.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN Phạm Thế Duyệt

- Chủ tịch Phạm Thế Duyệt nói: Chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, xoá dần dị biệt, mở rộng tương đồng, đoàn kết rộng rãi những người Việt Nam yêu nước, thương nòi cùng góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp hơn. Đồng thời chúng ta cũng không định kiến đối với những người đã từng một thời lầm lỗi, từng có thời chống phá lại công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng nay họ đã có những suy nghĩ và hành động muốn góp phần xây dựng quê hương, đất nước thì chúng ta đều tạo điều kiện để họ có cơ hội được làm điều đó.

- Nhưng thưa Chủ tịch, ông Nguyễn Cao Kỳ từng là Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn?

- Ông Nguyễn Cao Kỳ nay tuổi đã cao, sức đã yếu lại nhớ về quê hương. Ông ấy có ý nguyện được về thăm lại nơi đã sinh ra và lớn lên, đã xin phép và được các cơ quan chức năng của Nhà nước ta cho phép. Đây là sự thể hiện tính nhân đạo của chúng ta, của những người cộng sản Việt Nam, chứ không phải chúng ta muốn “lấy lòng” ai cả. Đó cũng là cách để chúng ta thể hiện rằng chúng ta không có thành kiến với bất cứ một ai, nếu người đó có thiện chí. Đó cũng là đạo lý của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Đạo lý này đã được thể hiện xuyên suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc ta: từ các thời Đinh, Lý, Trần, Lê...

- Nhưng có ý kiến cho rằng đây là chính sách có phần “ưu tiên” cho ông Nguyễn Cao Kỳ?

- Đây không phải là chính sách “ưu tiên” cho riêng cá nhân ông Nguyễn Cao Kỳ mà bất cứ ai có thiện chí muốn tìm hiểu tình hình Việt Nam, mong muốn được đóng góp trí tuệ, sức lực cho đất nước chúng ta đều tạo điều kiện tốt nhất có thể được cho họ và ai cũng có cơ hội như nhau.

- Xin cám ơn Chủ tịch!

  • Lê Nam (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,