221
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
1223734
Bị tin nhắn lừa tiền: kêu với "người bịt tai"
0
Article
null
Bị tin nhắn lừa tiền: kêu với 'người bịt tai'
,

- Lợi dụng dịch vụ hỗ trợ nạp tiền vào tài khoản game qua SMS, một số game thủ dụ người sử dụng di động nạp tiền vào tài khoản của mình. Các nạn nhân được "cứu" ở mức... nhận khiếu nại, cho cảnh báo.

Đáp lại tin nhắn lừa: 15.000 đồng ra đi

Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2009, thuê bao 01255050226 đã liên tục gửi tin nhắn tới hàng loạt các thuê bao khác trong mạng VinaPhone với nội dung: “Chúc mừng bạn đã nhận được một chiếc điện thoại Ipod từ chương trình Quay số ngẫu nhiên của VinaPhone. Soạn tin CD ipod03 và gửi 3 lần đến 6769 để biết thêm chi tiết".

Tin nhắn lừa giả chương trình trúng thưởng của VinaPhone. Ảnh bạn đọc cung cấp

Trước đó, tháng 2/2009, trên trang chủ Hotstep cũng có cảnh báo về tin nhắn lừa đảo nạp tiền vào đầu số 6x69 có nội dung: "Ki niem 15 nam thanh lap VinaPhone tang 100.000VND cho tat ca cac thue bao. Soan Tin: XU c70016 va gui 3 lan lien tiep den 6769 de xem huong dan nhan tien".

Đây chỉ là hai trong vô số các tin lừa xuất phát từ game thủ. Nếu làm theo hướng dẫn, người dùng đã tự trừ tài khoản của mình 15.000 đồng để nạp vào tài khoản lừa đảo kia.

15.000 đồng đối với một người chỉ là một số tiền nhỏ nhưng nếu hàng trăm, hàng ngàn người mắc lừa thì số tiền kẻ lừa đảo thu được không nhỏ.

Theo ghi nhận của báo chí, đầu năm 2007, hai game thủ ở Vinh đã giả mạo tin nhắn của chương trình Vì người nghèo, lừa được hơn 1.000 nạn nhân với số tiền lên tới hơn 15 triệu đồng.

Cuối năm 2007, trong vòng hơn một tháng với thủ đoạn lừa nhắn tin trúng thưởng, một game thủ ở Thái Nguyên đã lừa được 395 thuê bao di động với tổng số tiền lừa là 7 triệu đồng.

Thế nhưng dường như dư luận, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý vẫn đang dồn sự quan tâm vào tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo hay tin nhắn lừa của tổng đài mà chưa thực sự quan tâm tới vấn nạn tin nhắn lừa xuất phát từ cá nhân để tư lợi kiểu này.

Khoá thuê bao, tài khoản ảo: Hung thủ thực vẫn nhởn nhơ

Mỗi nạn nhân của tin nhắn lừa thường chỉ mất vài ba chục ngàn, thế nên họ cũng chỉ có thể kêu cứu tới các nhà cung cấp dịch vụ hoặc thấy một chủ đề nào đó nói về trường hợp tương tự thì lên tiếng rằng tôi cũng bị lừa hoặc giả họ gửi phản ánh tới báo chí, nhờ báo chí lên tiếng kêu gọi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Kêu tới nhà mạng, nhà mạng ghi nhận phản ánh, yêu cầu khách hàng cung cấp bằng chứng bằng cách chụp ảnh màn hình tin nhắn lừa hoặc đem điện thoại có lưu tin nhắn lừa trực tiếp tới điểm giao dịch của nhà mạng. Sau đó, hẹn sẽ trả lời lại sau.

Khi nhận được một tin nhắn lừa, người dùng cũng cần lên tiếng để cảnh báo cho người khác. Ảnh minh họa: Ngô Xuân Phú

Nhưng nhà mạng có thể làm gì? Theo đại diện VinaPhone, đối với trường hợp cá nhân gửi tin nhắn lừa đảo, nếu có đủ bằng chứng, nhà mạng chỉ có thể cảnh cáo và ngừng cung cấp dịch vụ do thuê bao đó đã vi phạm pháp luật. Trong trường hợp của thuê bao 01255050226, VinaPhone đang phối hợp với VinaGame (cung cấp trò chơi chinh đồ và cú pháp nạp tiền CD) để phối hợp giải quyết.

Kêu với nhà cung cấp dịch vụ game online, nhà cung cấp yêu cầu mang trực tiếp điện thoại chứa tin nhắn lừa đến văn phòng công ty, sau khi có bằng chứng về việc có thuê bao bị lừa nhắn tin nạp tiền cho tài khoản đó (do nhà mạng cung cấp) thì mới có thể xử lý khoá tài khoản game.

Khoá thuê bao, khoá tài khoản game ảo thì kẻ lừa đảo thật vẫn nhởn nhơ, có thể chuyển sang thuê bao khác, tài khoản khác đi lừa tiếp.

Số tiền mất ít ỏi, mà bằng chứng (tin nhắn) thì đôi khi đã bị xoá mất nên các nạn nhân chỉ còn biết kêu trời, than mình dại và cảnh báo người khác chứ cũng chẳng biết khiếu kiện đường nào.

Người dùng "tự bơi"

Tìm ra được cách thức vạch mặt thủ phạm thực đằng sau các tin nhắn lừa, có chế tài mạnh để xử lý mới mong ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật này. Nhưng trên thực tế, nhà mạng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online mới chỉ dừng ở mức tiếp nhận khiếu nại và đưa ra cảnh báo người dùng.

Từ năm 2006 tới nay, chỉ có một vài vụ việc game thủ lừa đảo qua tin nhắn được các nhà cung cấp dịch vụ mời công an vào cuộc khi vụ việc đã trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín doanh nghiệp còn đa số các vụ việc lừa tiền qua tin nhắn khác đều chìm vào trong quên lãng. 

Công văn số 2967/BTTTT-TTra quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị có liên quan về việc tăng cường ngăn chặn tin nhắn lừa đảo. Tuy nhiên, cho đến nay, người dùng vẫn đang phải "tự bơi".

Tăng cường ngăn chặn hack Online game và nhắn tin lừa đảo

(Trích công văn số 2967/BTTTT-TTra của Bộ Thông tin và Truyền thông)

Các doanh nghiệp game online

- Theo dõi, tổng hợp thông tin các số điện thoại bị nhắn tin lừa đảo, địa chỉ IP, tên tài khoản và địa chỉ của những người truy nhập cơ sở dữ liệu, hệ thống thiết bị của mình kịp thời báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông và thông báo thông tin cho doanh nghiệp thông tin di động và doanh nghiệp Internet;

- Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thông tin di động, doanh nghiệp Internet (ISP) xác minh thông tin cá nhân của chủ thuê bao di động nhắn tin lừa đảo, đối tượng nhắn tin lừa đảo từ mạng Internet.

Các doanh nghiệp di động

- Chủ động rà soát, xác định thông tin thuê bao thực hiện hành vi vi phạm, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý, trường hợp không xác định được chính xác chủ thuê bao thì ngừng cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao này;

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật;

- Phối hợp với các doanh nghiệp Online Game xác định các thuê bao di động nhắn tin lừa đảo trên mạng;

- Thông báo cho các chủ thuê bao di động về các hiện tượng lừa đảo trên mạng di động, khuyến cáo để khách hàng không bị đối tượng xấu lừa đảo.

  •  Huyền My

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi!
Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc
hoặc (04)3772-2729.    
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,