,
221
4581
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng
chuyenthammy
/10namvietmy/chuyenthammy/
676414
Có một con đường chung cho quan hệ Việt - Mỹ (tiếp)
1
Article
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
,

Có một con đường chung cho quan hệ Việt - Mỹ (tiếp)

Cập nhật lúc 18:20, Thứ Năm, 30/06/2005 (GMT+7)
,

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Việt Nam còn tiếp xúc với một lực lượng hùng hậu các doanh nhân, các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Mỹ, cũng là của thế giới.
Có một con đường chung cho quan hệ Việt - Mỹ (kỳ 1)

Soạn: AM 458613 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn và cởi mở nhiều vấn đề.

Ngay khi máy bay vừa hạ cánh xuống Seattle, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thẳng cơ sở sản xuất máy bay khổng lồ Boeing nơi đã và sẽ tiếp tục bán cho Hàng không Việt Nam những chiếc máy bay hiện đại hàng đầu.

Rồi cũng ngày đó, Ông tiếp riêng các tập đoàn GAP, Nike, Tổng giám đốc Boeing và nhiều đoàn khách của các tập đoàn lớn đi chung với các nhà lãnh đạo địa phương đến chào tại nơi ở hay tham dự buổi chiêu đãi tổ chức vào cuốí ngày đầu tiên của hành trình.

Và ngay trước cuộc chiêu đãi, Thủ tướng đã chứng kiến một lễ ký kết đầu tiên giữa tỉnh Quảng Nam với một nhà đầu tư Mỹ trong dự án xây dựng một khách sạn 5 sao ở một tỉnh đang có những chuyển động đầu tư mạnh mẽ cùng với khu kinh tế mở Chu Lai đầy triển vọng.

Mức đầu tư chỉ hơn 25 triệu USD nhưng tôi được chứng kiến tính năng động của ông chủ tịch tỉnh chớp thời cơ dàn cảnh ngay tại chỗ bàn ký kết để Thủ tướng  và nhiều quan chức trong chính phủ chứng kiến và trở thành một sự kiện có ý nghĩa  “mở hàng” cho chuyến đi...

Ngày thứ hai của hành trình, Thủ tướng và Đoàn dành toàn bộ  buổi sáng để đến thăm một đối tác mà chỉ nhắc đến cái tên của công ty: Microsoft và ông chủ của nó: Bill Gates cũng đủ gây sự hấp dẫn như gặp một huyền thoại kinh tế và công nghệ của thế kỷ trước và độnglực phát triển của thế kỷ này.

Cuộc tiếp cận với một tập đoàn kinh tế biểu trưng cho chiều hướng phát triển của nền kinh tế tri thức cho thấy quan điểm của Việt Nam trong việc lựa chọn con đường phát triển cho mình để đi tiếp chặng đường 20 năm Đổi mới.

Bài phát biểu ngắn của Bill, việc ký kết những dự án đầu tiên liên quan đến hai lĩnh vực giáo dục và hỗ trợ doanh nghiệp, cùng lời đáp của Thủ tướng Phan Văn Khải càng khẳng định chiều hướng ấy.

Thành phố Seattle vốn tự hào với 2 tên tuổi lớn: Boeing là công ty đã gây dựng nên thành phố của thế kỷ trước và Microsoft là biểu trưng cho đỉnh cao công nghệ của thế kỷ này đã ghi nhận sự cam kết đối với công cuộc phát triển của Việt Nam. Vài năm nữa những chiếc Boeing 787 thuộc thế hệ mới nhất sẽ được giao cho Việt Nam và Bill Gates đã nở nụ cười rất tươi khi nghe lời mời sang thăm Việt Nam...  

Thời gian eo hẹp và nhiệt tình của các đối tác khiến nhiều bữa ăn sáng, ăn trưa hay chiều tối đều trở thành thời điểm để góp phần “xúc tiến đầu tư”. Thủ tướng ăn sáng với Nhóm lãnh đạo Phòng Doanh nghiệp APEC (20/6), với ông Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank) (22/6) rồi ăn sáng với Lãnh đạo thị trường chứng khoán New York và Công ty AIG (23/6), trước khi được mời làm người “rung chuông phiên giao dịch” tại một sàn giao dịch lớn nhất thế giới nơi mỗi ngày có hàng trăm tỷ đô la được “lướt” qua đây...  

Ngày 21/6, ngay sau khi tham dự vào sự kiện lịch sử diễn ra tại Nhà Trắng, Thủ tướng đã đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ, gặp riêng Bộ trưởng Guitierrez. Thủ tướng cũng chứng kiến tại đây, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trao giấy phép cho Tập đoàn Bảo hiểm ACE và New Life, và ký kết 3 hợp đồng lớn của  Vietnam Airline với Boeing; của Petro Vietnam với đại diện các tập đoàn dàu khí lớn như Fluor, Unocal, USTDA; giữa Cokyvina với Motorola trên lĩnh vực viễn thông.

Cũng trong ngày hôm đó cùng với việc tiếp riêng các bộ trưởng các bộ Giao thông Vận tải, Y tế, Quốc phòng và Phó ngoại trưởng Hoa kỳ, Thủ tướng còn tiếp Đại diện Thương mại, khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp, dự lễ ra mắt của Hội đồng tư vấn cao cấp Mỹ - Việt về khả năng cạnh tranh ở Việt Nam và kết thúc ngày hôm đó là cuộc chiêu đãi lớn do các giới và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tổ chức.

Những ngày hôm sau, Thủ tướng tiếp tập đoàn dàu khí lớn đăt bản doanh tại vùng Texas quê hương của Tồng thống Bush là Conoco Philips, các tập đoàn Năng lượng AES, IBM, Citi Group, General Electrics, dự chiêu đãi do Hiệp hội Doanh nghiệp châu A và cộng đồng doanh nghiệp New York tổ chức.

Hai ngày cuối cùng ở Boston thuộc bang Massachusettes, các hoạt động của Đoàn tập trung ở hai trung tâm giáo dục đào tạo và công nghệ bậc nhất của Hoa kỳ cũng là bậc nhất thế giới. Đó là Đại học Havard và  Viện Công nghệ Masachussettets (MIT). Thủ tướng đã tiếp xúc với những nhà lãnh đạo chủ chốt và nhận được sự tiếp đón tận tình của hai chủ nhà đầy uy tín.

Quan điểm giáo dục của Hoa kỳ nói chung mà Havard và MIT là hai biểu trưng sáng chói là gắn rất chặt “học với hành”. Havard nổi tiếng vì chất lượng các giáo sư và những người được đào tạo tại đây không chỉ là bằng cấp mà bằng hiệu quả đưa tri thức và năng lực quản lý vào đời sống thực tiễn. Còn MIT là một viện nghiên cứu hàng đầu nhiều công nghệ mũi nhọn nhưng lại gắn rất chặt với công tác đào tạo chất lượng cao.

Thực tiễn cho thấy ở Mỹ, trừ lĩnh vực quốc phòng, phần lớn các phát minh khoa học và công nghệ mang lại hiệu qủa làm tăng trưởng nền kinh tế và phát triển xã hội lại không thuộc về các viện nghiên cứu của nhà nước... nó thuộc về các đại học và các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng của tư nhân.

Những kinh nghiệm ấy được các đối tác Hoa kỳ chia sẻ trong những cuộc bàn thảo về những đề tài thiết thực như buổi thuyết trình của chuyên gia nổi tiếng Michael Porter “làm thế nào để tăng cường khả năng cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hiện nay”, hoặc cuộc gặp gỡ bàn tròn cùng với Đại học Havard bàn về “xây dựng Trường đại học tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam”.

Thủ tướng và tất cả thành viên của Đoàn đều tham dự những cuộc trao đổi bổ ích này và một số dự án đã được ký kết mà đối tác phía Việt Nam là các bộ Giáo dục-Đào tạo, Khoa học Công nghệ và Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI). Trong khi đó các thành viên của đoàn doanh nghiệp không chỉ bận rộn với việc tìm hiểu các đối tác và khả năng hợp tác tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp mà còn đến Đại học Havard, nơi đào tạo các nhà quản lý kinh tế hàng đầu thế giới, để nghe thuyết trình về “kinh tế thế giới và thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp”...

Trong chuyến đi này, nhiều lễ ký kết các hợp đồng kinh tế được tổ chức trọng thể như của các “đại gia” hàng không, viễn thông hay dàu khí... nhưng hiệu quả không chỉ thể hiện ở đó. Tôi gặp cặp vợ chồng doanh nhân trẻ ở tỉnh Ninh Bình đang thực hiện nhiều dự án xây dựng nhưng rất quan tâm đến những dự án liên quan đến văn hoá và tín ngưỡng. Doanh nghiệp của họ đang đầu tư vào du lịch khu hang động ở Hoa Lư và xây dựng một ngôi chùa rất lớn. Tôi nói với anh rằng khi nào những công trình văn hoá và tín ngưỡng này hoàn thành, thu hút các khách du lịch Hoa Kỳ đến thăm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần để thế giới hiểu hơn về thực trạng tôn giáo ở nước ta.

Tôi hỏi anh sang đây có “làm ăn” được gì không? Anh cho biết đã tranh thủ “shopping” được mấy cái máy đào xúc đặc chủng, trước đây nhập máy móc về chủ yếu qua các đại lý khu vực, lần này sang tận tổ không chỉ mua rẻ hơn, chất lượng thật hơn mà còn biết đến nhiều thông tin cần thiết và đặt mối quan hệ cho cuộc làm ăn lâu dài của mình...

Tôi gặp người đứng đầu một ngành đang làm ăn phát đạt là đóng tàu thuỷ. Chuyến đi của Đoàn đại biểu Quốc hội thăm 4 nước thuộc Liên minh châu Âu cách đây ba tháng, tôi đã chứng kiến anh ký những hợp đồng tri giá nhiều trăm triệu USD ở Cardift (xứ Wales của Vương quốc Anh). Tôi hỏi lần này có “làm ăn được gì không”, anh cười và nói về ấn tượng khi đến thị trường chứng khoán New York và đã kịp đạt được những cam kết quan trọng về tài chính để thực hiện những dự án lâu dài, anh còn nói rằng, người Mỹ thiết thực, họ không thích phô trương ồn ào, họ quan tâm đến những con số hạch toán cuối cùng...

Tôi cũng gặp  chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đang xây dựng và khai thác ở đảo Tuần Châu, đã có dự án liên doanh với đối tác Mỹ trị giá cả tỷ USD và đang xây dựng một sân golf đẳng cấp thượng thặng bên bờ Vịnh Hạ Long. Có lần anh nói với tôi nửa đùa nửa thật rằng công trình này phấn đấu có thể sử dụng một phần vào dịp Hội nghị thượng đỉnh APEC - 2006, nếu mời được tổng thống Bush, một người rất mê golf đến khai trương thì thật là “hên”.

Gặp anh lúc này, tôi nói rằng bây giờ thì ông Bush đã nhận lời sang thăm Việt Nam rồi, liệu dự án có thực hiện được hay không, tôi vừa đến Tuần Châu thấy còn ngổn ngang lắm? Chỉ thấy anh cười một cách bí hiểm , nụ cười của một người đã từng làm được cái mà khi khởi sự không ai có thể tin là làm đựơc và trả lời ngắn gọn rằng các chuyên viên Mỹ đã lấy mẫu đất mang về phân tích để chọn loại cỏ thích hợp rồi...

Những hoạt động cuối cùng ở Boston cũng là của chuyến thăm nước Mỹ được đánh dấu bằng những tiếp xúc với IDG, mẫu hình  một tập đoàn kinh tế hiện đại quan tâm đến việc đầu tư vào trí tuệ và đầu tư “mạo hiểm”, tức là luôn tìm cái mới và không theo những vết mòn của kinh nghiệm. Người sáng lập và đứng đầu tập đoàn này là Pat McGovern.Ông đã đầu tư 100 triệu USD thành lập một Công ty đầu tư mạo hiểm với một số dự án về truyền thông và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ có ý tưởng táo bạo. 

IDG đã đón tiếp Thủ tướng một cách nồng nhiệt bằng không chỉ bằng những cuộc tham quan và thuyết trình để giới thiệu công nghệ cao của mình mà tiêu biểu nhất là về Viện Nghiên cứu về Não bộ con người, một lĩnh vực rất mới vừa góp phần vào một mục tiêu xã hội là tăng cường hiểu biết vì hoà bình vừa đi vào những công nghệ rất cao để có thể ứng dụng mô phỏng những tính năng tuyệt với của não người vào công nghệ và kinh tế...  mà còn bằng những tình cảm và sự cam kết với Việt Nam.

Một cuộc dạ tiệc lớn được  IDG tổ chức với sự có mặt của các nhà lãnh đạo bang Masachuseets, thành phố Boston nhiều chính khách nổi tiếng trong đó có các thương nghị sĩ   Ted Kennedy (anh ruột cố tổng thống JFK ) và Mc Govern người đã từng tranh cử tổng thống với Nixon năm 1972. Cũng như ở những bang và thành phố Đoàn đã đến, các nhà lãnh đạo địa phương đều có những bài diễn văn nồng nhiệt hoàn toàn phù hợp với những gì diễn ra trong cuộc gặp mặt thượng đỉnh. Nhưng những bài diễn văn của các chính khách lớn đều được chú ý đặc biệt.

TNS Ted Kennedy tuy vẫn nhắc đến những vấn đề về tôn giáo , nhân quyền như những lời khuyến nghị Việt Nam nên quan tâm cùng với quá trình phát triển kinh tế , nhưng ông cũng khẳng định những thành tựu của Việt nam đã đạt được và hoan nghênh bước phát triển đáng kể của quan hệ giữa hai nhà nước. Và chính sự có mặt của ông đã thể hiện quan điểm đó. Ông cũng nói rằng cả ba anh em nhà ông (trong đó có Robert Kennedy) đã từng đến thăm Việt Nam (tất nhiên là  thời trước 1975) và  cả ba đều có chung nhận xét rằng Việt Nam là một dân tộc trẻ trung, năng động, có nền văn hoá sâu sắc xứng đáng và có đầy đủ khả năng để phát triển thành một quốc gia tiên tiến.

Còn TNS Mc Govern thì có một bài phát biểu nồng nhiệt  khi nhắc lại cuộc bầu cử năm 1972, ông đưa ra cương lĩnh tranh cử là “làm cho nhân dân Mỹ hiểu được sự thật” và rút ngay quân Mỹ khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông tâm sự rằng  đã từng là một phi công trong thế chiến II, ông biết đến việc Hồ Chí Minh đã thiết lập mối quan hệ đồng minh với Mỹ và tổ chức cứu phi công Mỹ, do vậy cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sai lầm. Việc phát triển quan hệ với Việt Nam mà chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải là một sự kiện lịch sử và phản ánh một xu thế đúng đắn.

Và chính TNS Mc Govern đã nhắc đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tại Boston cách đây ngót một thế kỷ và phát hiện sự sáng tạo của nhà cách mạng Việt Nam khi nhận thức về câu mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập Hoa kỳ 1776 mở rộng ý niệm về “quyền của mọi người” (all man) với “quyền của mọi dân tộc”(all people) khi dịch và trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam 1945 . Còn Pat Mc Govern thì nhiêù lần hô hào “Việt Nam là một nền kinh tế thị trường rất giàu tiềm năng . Không phải là Trung Quôc mà lúc này, chính Việt Nam là mảnh đất để các nhà đầu tư Hoa Kỳ tìm đến”.                                                        

Còn Thủ tướng Phan Văn Khải luôn khẳng định, 20 năm Đổi mới chính là quá trình xác lập nền kinh tế thị trường thực sự ở Việt Nam, mục tiêu phấn đấu vaò WTO chính là để  tiếp tục khẳng định điều đó.Vấn đề còn lại là trình độ và tiềm lực để Việt Nam và sự hợp tác với Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác trên thế giới cũng để thúc đẩy quá trình đó.

...Quan sát tất cả những gì diễn ra trong chuyến đi của Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện qua những phát biểu của các nhà chính khách hay các nhà doanh nghiệp (kể cả những “tài phiệt” theo cách nói cũ) không thấy ai nhắc đến những ý niệm về ý thức hệ đã từng chia căt thế giới thành nhiều cực, cũng thấy ít ai nói đến những con đường đã phân ly nhân loại theo những lý tưởng đối lập nhau, thấp thoáng nghe những tiếng hô “đả đảo cộng sản” của mấy người muốn níu kéo sự thù hận trong quá khứ, dù được đã được tăng âm hết cỡ vẫn trở nên lạc lõng và lọt thỏm vào một thế giới  đang quan tâm đến một con đường lớn để phát triển và hội nhập.

Đó chính là con đường của nền kinh tế thị trường mà nhân loại đã gây dựng trên tiến trình phát triển. Nhìn lại lịch sử, đã có tấy nhiều công ty lớn của Hoa kỳ dưới nhiều hình thức đã có mặt ở Việt Nam trước khi bình thường hoá về ngoại giao nhiều năm, họ đến theo tiéng gọi và tính năng động của thị trường. Vấn đề còn lại là làm sao để con đường ấy hướng tới một mục tiêu cao cả vì nhân loại.

Cái mục tiêu ấy, suy cho cùng, nó đã được nêu lên trong một đoạn văn ngắn mở đầu cho Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 1776 và được nhắc lại trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam 1945: "...Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy ở trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả dân tộc trên thế giới đều bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền độc lập và quyền tự do...". 

Boston 25/6/2005
Dương Trung Quốc

,

Tin khác

Tin khác của 'Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng'

,
,