,
221
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
681114
Bàn tròn trực tuyến với Đại sứ Mỹ tại VN
1
Article
null
,

Bàn tròn trực tuyến với Đại sứ Mỹ tại VN

Cập nhật lúc 15:58, Thứ Tư, 13/07/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, chiều 13/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Michael Marine đã có cuộc bàn tròn trực tuyến với độc giả VietNamNet cùng người dẫn chương trình - Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn. 

 

Soạn: AM 481695 gửi đến 996 để nhận ảnh này
 

Kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một dịp đặc biệt với sự kiện lịch sử: Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải (từ ngày 19-25/6/2005) đã đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới thông qua việc phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng lợi.

 

Trong tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khuyến khích tiếp xúc nhiều hơn nữa giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp, các cộng đồng thương mại và khoa học, quân sự và công dân của hai nước, đồng thời khuyên khích trao đổi văn hoá và giáo dục hơn nữa...

Trước khi trở thành Đại sứ tại Việt Nam, ông Michael W. Marine là phó Đại sứ tại Trung Quốc. Ông đã từng làm việc tại các đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya), Moscow (Nga) và Bohn (CHLB Đức). Ông M.Marine sinh trưởng tại Vermont và tốt nghiệp Đại học Carlifornia ở Santa Barbar.

Tổng thống Bush bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cả hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp nâng cao những điều kiện thuận lợi để tăng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Dưói đây là nội dung cuộc bàn tròn

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhân kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, và nhân Quốc khánh Hoa Kỳ, xin gửi tới nhân dân Mỹ những lời chúc tốt đẹp và chúc cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những bước phát triển mới, tốt đẹp hơn, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Câu hỏi thứ nhất tôi muốn dành cho ông Michael Marine: Trước khi nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Việt Nam, ông hình dung như thế nào về đất nước chúng tôi? Và bây giờ, sau một thời gian làm việc tại đây, ông nghĩ như thế nào về VN?

Soạn: AM 482535 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đại sứ Michael Marine: Tôi đã có vinh dự được tới Việt Nam, trước khi nhận nhiệm vụ Đại sứ, lần đầu tiên vào năm 1988, khi tôi đang làm việc tại văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ trách quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tất nhiên khi ấy, quan hệ giữa hai nước khá hạn chế, nhất là trong vấn đề nhân quyền. Ấn tượng về đất nước Việt Nam của tôi, khi đó là một nước Việt Nam chưa phát triển lắm, có thể nói thẳng thắn là một Việt Nam đang cố gắng để vươn lên ở cuối thập kỷ 80.

Khi chuẩn bị đến đây, nhận nhiệm vụ đại sứ ở Việt Nam, tôi đã biết rằng đất nước các bạn có nhiều thay đổi. Nhưng tôi vẫn vô cùng ngạc nhiên trước tốc độ phát triển của Việt Nam khi trở lại.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đến bây giờ, ông có hài lòng với những gì đã đạt được trong cương vị của mình hay không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nói đã "đủ", thì không phải "tham vọng" lắm. Chúng ta vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Tôi đã tới đây 10 tháng và đó là 10 tháng thú vị, cả về cá nhân và công việc. Quan hệ giữa hai nước đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực rất tích cực trong thời gian qua. Do đó, phải nói rằng tôi rất hài lòng.

Tôi cho rằng việc tôi có mặt ở đây ngày hôm nay là minh chứng cho sự mở rộng ấy. Tôi muốn cảm ơn VietNamNet đã tạo cơ hội để tôi được dịp tiếp cận với người dân Việt Nam. Tôi không chắc những người tiền nhiệm của mình đã có cơ hội như vậy.

Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ông. Vậy ông sẽ làm gì để hai nước hiểu nhau hơn, quan hệ tốt đẹp hơn trong thời gian tới?

Đại sứ Michael Marine: Không phải một mà có rất nhiều việc phải làm. Nhưng điều quan trọng đầu tiên là phải tạo thêm sự giao lưu giữa người dân hai nước chúng ta. Chúng ta cần tìm thêm nhiều cách để khuyến khích công dân Việt Nam cũng như quan chức Việt Nam tới Mỹ. Bản thân tôi cũng sẽ tìm cách để khuyến khích nhiều người dân Mỹ cũng như quan chức Mỹ tới Việt Nam. Nếu thiếu những sự giao tiếp mang tính cá nhân ấy, trước thực tế hai nước hiện nay, chúng ta không thể có sự hiểu biết chung mang tính toàn cầu, yếu tố mà tôi nghĩ là rất cần thiết.

Kể từ khi tôi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, tôi đã khuyến khích các nhân viên làm việc tại Đại sứ quán ở Hà nội cũng như Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM nên ra khỏi văn phòng để gặp gỡ người dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam, giải thích cho họ hiểu về nước Mỹ. Và chúng tôi cần tiếp tục làm việc này.

Bản thân tôi đã đi tới 19 địa danh thuộc các tỉnh, thành Việt Nam từ khi tôi tới đây. Tôi dự định trong thời gian tới, ít nhất mỗi tháng tôi sẽ tới thêm một tỉnh nữa.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Về mặt chính quyền, TT Bush đã có những thông điệp rất rõ ràng để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh hơn. Và ông là một Đại sứ đang tiếp nối sứ mệnh đó. Nhưng ở Hoa Kỳ còn có quyền lực rất mạnh là Quốc hội với Thượng viện và Hạ viện. Theo ông phải làm thế nào để Thượng viện và Hạ viên Hoa Kỳ tiếp tục hiểu biết và ủng hộ Việt Nam hơn?

Đại sứ Michael Marine: Một lần nữa, câu trả lời là giao lưu. Các quan chức trong Đại sứ quán Việt nam tại Washington cần phải dành thời gian tới thăm các Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ ấy cùng nhân viên của họ để đảm bảo rằng họ hiểu quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề.

Tôi biết, rất nhiều người trong Quốc hội có quan điểm tích cực, ủng hộ Tổng thống Bush trong quan hệ với Việt Nam. Đúng là cũng có những người còn quan điểm tiêu cực, nhưng họ cũng không phản đối mối quan hệ với Việt Nam. Họ chỉ muốn tập trung vào một số vấn đề mà chúng tôi quan tâm như nhân quyền và tự do tôn giáo. Và điều đó không có nghĩa là họ muốn tránh xa mối quan hệ này.

Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông cùng các thành viên trong đoàn đã dành cả 1 ngày tới thăm Đồi Capitol, tiếp xúc với các thành viên Quốc hội Mỹ. Tôi nghĩ đó là một sự cởi mở tuyệt vời của các nhà lãnh đạo Việt Nam đối với một bộ phận rất quan trọng trong bộ máy chính quyền Mỹ nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Với cương vị của ngài, ngài sẽ mong muốn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng hôm qua (12/7) tại phòng Bầu Dục (Oval room), Thủ tướng Singapore và Tổng thống Bush đã có buổi làm việc cũng rất thân mật, hiệu quả để khẳng định quan hệ Mỹ và Singapore là quan hệ song phương mạnh mẽ. Chúng tôi nghĩ rằng, Singapore là một đối tác chiến lược của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Làm thế nào mà Singapore lại trở thành một đối tác chiến lược như vậy?

Soạn: AM 482539 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đại sứ
Michael Marine: Mối quan hệ giữa Mỹ và Singapore đã có từ lâu. Với Việt Nam, đừng quên rằng hai nước chúng ta vừa kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ và trong quá khứ chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh. Hoàn cảnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Singapore và giữa Hoa Kỳ với Việt Nam không giống nhau. Ví dụ, giữa Hoa Kỳ và Singapore có mối quan hệ quân sự rất mật thiết. Mối quan hệ với Singapore đã trưởng thành và thời gian sẽ trả lời khi nào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ trưởng thành.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ngài đã sống và làm việc tại Trung Quốc với cương vị Phó Đại sứ, vậy kinh nghiệm đó có giúp ngài trong quá trình làm việc tại Việt Nam hay không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ rằng tất cả những kinh nghiệm của tôi về ngoại giao - tôi đã hoạt động 30 năm trong ngành này - đều có ích ở Việt Nam. Đặc biệt, có sự tương đồng giữa con đường cải cách kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi và con đường phát triển của Trung Quốc trong vòng 20 năm qua.

Nhưng sau khi sống một thời gian ở Việt Nam, tôi hiểu tình hình ở đất nước các bạn nhiều hơn, và nhận thấy Việt Nam và có nhiều điểm khác biệt với Trung Quốc. Đó cũng là điều đương nhiên.

Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Phạm Duy Linh, Thanh Xuân, Hà Nội hỏi: Đại sứ nghĩ thế nào về quan điểm sau: "Nước Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam là do lo ngại sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quân sự... của Trung Quốc và muốn tạo một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á chứ không phải hoàn toàn thiện chí với Việt Nam"?

Đại sứ Michael Marine: Tôi không đồng ý với lời nhận xét này. Tôi nghĩ Mỹ muốn quan hệ với Việt Nam chính vì sự quan trọng của VN. Tất nhiên một nước Trung Quốc đang nổi lên là điều không nước nào có thể phớt lờ. Nhưng nếu Trung Quốc không tồn tại thì Mỹ vẫn muốn xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ, cùng chung lợi ích với VN.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn Đình Hiệp ở Báo Hà Nội Mới có chuyển đến chúng tôi câu hỏi: Là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đúng vào thời điểm quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ có nhiều bước ngoặt, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ này? - Trong thời gian tới Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực nào ở Việt Nam? - Ông đánh giá gì về việc Việt Nam có thể kết thúc đàm phán song phương với Mỹ về gia nhập WTO? - Xin ông cho biết thuận lợi và khó khăn trong thời gian ông làm việc tai Việt Nam?

Đại sứ Michael Marine: Ba vấn đề lồng trong một câu hỏi. Tôi nghĩ rằng trong câu thứ nhất, điều tôi trông đợi là tiếp tục mở rộng quan hệ, tiếp tục tăng cường hợp tác. Có nhiều động lực thúc đẩy rất lớn, gần đây nhất là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải. Và cả hai phía chúng ta cần phải lợi dụng động lực ấy.

Hai vấn đề sau trong câu hỏi của bạn, theo tôi có quan hệ với nhau. Tôi tin chắc rằng Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng gia nhập WTO, đang tạo cơ sở cho việc thu hút thêm vốn đầu tư từ Mỹ và các nước khác vào vì các bạn đã có nhiều tiến bộ trong môi trường đầu tư và pháp lý.

Tôi cũng biết, các công ty Mỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất điện, năng lượng của Việt Nam. Đó là những lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ và nước ngoài.

Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc VN sớm gia nhập WTO và hiện nay đang hoàn tất quá trình đàm phán song phương. Tôi rất lạc quan là chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách. Một khi gia nhập WTO, VN sẽ có cơ hội nhận được nhiều đầu tư từ nước ngoài, cụ thể là từ Mỹ.

Bạn Trịnh Tố Hạnh (Úc) hỏi: Chúc mừng Ngài nhân dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của Thủ tướng VN Phan Văn Khải tới Mỹ, Tổng thống Bush sau cuộc hội đàm đã trả lời phỏng vấn phóng viên, nhấn mạnh hơn một lần vấn đề chính là: hai lãnh đạo sẽ thảo luận vấn đề "nhân quyền". Là một người Việt Nam, tôi không hiểu tại sao nhân quyền có thể được coi là vấn đề chính cho hai nhà lãnh đạo thảo luận. Tôi nghĩ còn nhiều vấn đề quan trọng hơn mà Tổng thống Bush cần quan tâm. Về phần tôi, hiện nay tôi đang sống rất vui vẻ ở Việt Nam.

Đại sứ Michael Marine: Tôi rất vui vì bạn đang sống vui vẻ. Tôi đã có mặt trong buổi gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bush. Họ đã thảo luận về nhiều vấn đề. Nhân quyền là phần quan trọng trong cuộc hội đàm dài này nhưng rõ ràng đó không phải là vấn đề nổi bật hàng đầu.

Mỹ muốn phát triển quan hệ với Việt Nam trong càng nhiều lĩnh vực càng tốt, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, buôn bán. Và Tổng thống Bush đã nói rõ rằng việc hai nước giải quyết vấn đề nhân quyền như thế nào sẽ có tác động tới sự phát triển của quan hệ song phương.

Thực tế là những vấn đề này rất quan trọng đối với người dân Mỹ, với Tổng thống Bush cũng như nhiều nhân vật quan trọng khác ở Mỹ. Việc hai bên xử lý các vấn đề như thế nào có tầm quan trọng với tổng thể mối quan hệ hai nước.

Soạn: AM 482541 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bạn Nguyến Phương Anh: Kính thưa Ngài Michael Marine! Nước Mỹ là siêu cường kinh tế số 1 của thế giới với rất nhiều tập đoàn hàng đầu về vốn và kỹ thuật công nghệ cao. Đất nước chúng tôi đang rất cần sự tham gia của các đại công ty Mỹ trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Với vai trò là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông có thể làm gì để giúp Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư nói trên?

Đại sứ Michael Marine: Vai trò chủ chốt của tôi là một kênh cung cấp thông tin về điều kiện Việt Nam cho các công ty và nhà đầu tư Mỹ. Hai tháng trước, tôi cùng với những đại sứ Mỹ ở các nước trong khu vực đã đi một vòng đến 6 thành phố ở Mỹ trong 10 ngày, gặp các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp, các trường đại học cũng như những người dân Mỹ bình thường, để nói chuyện với họ về tình hình ở Đông Nam Á.

Nhưng, vai trò của tôi là khá nhỏ nếu so với vai trò của các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như lãnh đạo các tỉnh của Việt Nam. Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước khác trong khu vực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào nơi họ cảm thấy an toàn, được bảo đảm. Điều quan trọng là tạo thể chế pháp quyền, minh bạch trong lập pháp, với những bước đi đúng đắn chống lại nạn tham nhũng và lạm phát tạo ra môi trường trong lành thu hút các nhà đầu tư.

Bạn Nguyễn Đỗ Linh Chi: Sau những bước đi quan trọng nhằm bình thường hoá toàn diện các quan hệ kinh tế-xã hội giữa hai nước kể từ 10 năm trở lại đây, chính phủ Mỹ hiện đã có kế hoạch gì trong tương lai gần nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tại thị trường mỗi nước? Có những chính sách cụ thể nào nhằm hỗ trợ, giới thiệu về nền kinh tế Mỹ cho các DN Việt Nam có cơ hội đầu tư tại thị trường này? Theo ông, lợi thế so sánh giữa Việt Nam và Mỹ có những điểm nào nổi bật nhằm có thể tạo ra lợi nhuận tối đa trong quan hệ kinh tế quốc tế giữa 2 nước?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhấn mạnh là vai trò của chính phủ VN trong việc cung cấp thông tin và thu hút các nhà đầu tư của Mỹ đến đây. Còn vai trò của tôi cũng như Chính phủ Mỹ là bảo vệ các nhà đầu tư, các DN Mỹ nên chúng tôi phải cung cấp các thông tin chính xác về thị trường VN. Chính phủ Mỹ rất ủng hộ việc VN thúc đẩy nhanh chóng cải cách kinh tế, gia nhập WTO sớm. Như vậy sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Thật khó khi bạn hỏi tôi so sánh nền kinh tế của VN và Mỹ. VN là một nước đang phát triển, GDP chỉ là 50 tỷ đôla/năm, GDP mỗi đầu người là 550 đôla/năm. Nhưng Mỹ thì vượt trội gấp nhiều lần, nhưng 2 nước vẫn có thể là những đối tác thương mại, hợp tác mang tính xây dựng. Chúng ta sẽ làm điều đó thông qua hiệp định thương mại song phương. Và quan hệ 2 nước chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển.

Trần Nhương, Hội nhà văn Việt Nam: Với vai trò của một đại sứ, ông có thể khuyến khích để nhà văn 2 nước gặp nhau trao đổi văn hóa. Có phải người Mỹ không "quan tâm" đến văn học VN vì họ sợ bị ảnh hưởng bởi văn hóa "đỏ"?

Đại sứ Michael Marine: Nhận xét này là không đúng. Vì những cách biệt về ngôn ngữ, rất ít người Mỹ biết viết và đọc tiếng Việt, nên họ không thể tiếp cận văn học VN. Nhưng hiện nay nhiều tác phẩm văn chương đang được dịch sang tiếng Anh. Sứ quán Mỹ có những chương trình để các nghệ sỹ, các nhà văn, các nhà kinh tế... hai nước gặp nhau thảo luận vấn đề, thảo luận quan điểm để thúc đẩy sự hiểu biết nhau hơn.

Sắp tới, một nhà văn rất có uy tín, nổi tiếng của VN sẽ sang Mỹ dự chương trình sáng tác của ĐH IOWA, một chương trình sáng tác rất nổi tiếng về văn chương của Mỹ. Ông sẽ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các bạn bè Mỹ trong thời gian ở đó.

Để kỷ niệm 10 năm quan hệ hai nước, đại sứ quán Mỹ đang phối hợp với Bộ Văn hóa - thông tin VN để đưa các nhóm nghệ sỹ hai nước sang thăm và gặp gỡ nhau, biểu diễn - tổ chức triển lãm - hội thảo. Đó sẽ là những cuộc giao lưu hữu ích cho cả hai bên.

Bạn Nguyễn Hải Triều: Tôi được biết Chính phủ Mỹ kiện các DN VN bán phá giá nông sản trên thị trường Mỹ, và Mỹ thắng kiện. Ông có thấy vô lý không? VN là một nước nghèo hơn Mỹ, Chính phủ VN không có tiền để trợ giá cho nông dân? Tại sao họ không nghĩ rằng, nông sản VN rẻ vì chúng tôi có lực lượng lao động rẻ. 

Đại sứ Michael Marine: Đây là một câu hỏi thú vị. Khi VN tham gia thị trường thế giới, các bạn sẽ phải học  cách xử lý với quy định của các nước về thương mại, trong đó có các quy định của Mỹ.

Cụ thể về trường hợp kiện nông dân VN phá giá, không phải chính phủ Mỹ kiện mà là các cá nhân kiện những người nuôi tôm, nuôi cá da trơn của VN. Họ nghĩ mức giá sản phẩm của VN trên thị trường Mỹ là không công bằng, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Với luật pháp Mỹ, họ có quyền đặt ra câu hỏi, có quyền đi kiện. Khi họ kiện thì Bộ thương mại Mỹ điều tra, so sánh giá của VN và giá cùng mặt hàng ở các nước khác, đưa đến phán quyết bất lợi cho VN. Nhưng điều quan trọng là ngành nuôi cá da trơn và tôm VN đã biết đìều chỉnh và lại tiếp tục xuất khẩu với số lượng ngày càng tăng. 

- TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vì tôn trọng ý kiến cá nhân của độc giả VietNamNet trên toàn thế giới, tôi xin chuyển tới ngài câu hỏi của độc giả Hung Nguyen (hoanghuynh205@yahoo.com) từ San Diego. Tôi xin nhấn mạnh rằng đây không phải là ý kiến của VietNamNet.

Thưa Ngài Marine, như Ngài đã biết, Việt Nam vẫn đang bị coi là một nước có vấn đề về nhân quyền. Như vậy, Ngài, với tư cách là đại diện cho chính phủ Mỹ - nước luôn thúc đẩy tự do ngôn luận và dân chủ trên thế giới, sẽ làm gì để các lãnh đạo VN hiểu rằng họ đang vi phạm nghiêm trọng những quyền cơ bản của người dân - quyền được sống như con người. Cảm ơn và xin chúc Ngài cùng gia đình những lời tốt đẹp nhất.

Soạn: AM 482543 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đại sứ Michael Marine: Theo tôi được biết, VN đã được đưa vào một danh sách của những nước đáng quan tâm về tôn giáo, chứ không phải là nước đáng quan tâm về nhân quyền (không có khái niệm này). Về phía Chính phủ Mỹ và bản thân tôi, chúng tôi làm việc chặt chẽ với VN. Chúng tôi giải thích về tầm quan trọng của nhân quyền cũng như lợi ích của tôn trọng người dân thực hiện quyền về tôn giáo của họ.

Quan điểm chính thức của phía VN, những người bị bắt là những người vi phạm pháp luật. Còn chúng tôi tiếp tục đưa những trường hợp cụ thể mà chúng tôi cảm thấy bị bắt vì những lý do tôn giáo và nhân quyền. Và đã có nhiều người được thả tự do với lệnh đặc xá. Hy vọng trong tương lai sẽ có những người tiếp tục được như vậy.

Và chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này, hy vọng sẽ đạt được tiến triển trong việc hiểu biết lẫn nhau. Nhưng so với những gì tôi đã chứng kiến từ lần đầu đến VN năm 1988, điều quan trọng là điều kiện sống cũng như mức độ tự do của người dân VN bây giờ đã được cải thiện nhiều so với năm 1988.

Về vấn đề tự do tôn giáo, chúng tôi rất hài lòng khi chính phủ VN đã tiến hành những chính sách mới, trong đó có sắc lệnh của Thủ tướng về tự do tín ngưỡng và luật mới về tôn giáo. Chính sách này đã tạo nền móng cho việc mở rộng cơ hội để mọi công dân VN theo đuổi tín ngưỡng của họ.

Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến thêm nhiều tiến triển và hy vọng VN sẽ sớm được rút khỏi danh sách những nước "đáng quan tâm" về mặt tôn giáo.

Nguyễn Đức Tính, 15 Trần Khánh Dư Hà Nội: Ông nghĩ gì về vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ về chất độc Da Cam được sử dụng trong cuộc chiến tranh VN? Theo ông, vụ kiện sẽ diễn biến thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Một trong những điểm mạnh của Mỹ là chúng tôi có hệ thống pháp quyền cho phép người dân tìm kiếm những câu trả lời khi họ bức xúc về vấn đề gì đó với toà án. Vị trí của tôi không thích hợp để bình luận về tính chất của một vụ kiện vẫn đang chờ phúc thẩm.

Song toàn bộ vấn đề vụ kiện Da cam cũng như biện pháp cần làm, theo tôi là điều quan trọng. Nó cần được giải quyết mang tính xây dựng từ cả hai bên. Có những người cho rằng chất độc Da cam là nguyên nhân gây ra mọi trường hợp quái thai ở VN, đó là điều không đúng. Điều chúng ta cần làm là tránh xa tuyên truyền và hợp tác mang tính xây dựng hơn trong lĩnh vực khoa học để tạo ra sự hiểu biết tốt hơn về tác động của chất dioxin.

Một điều quan trọng là cả Chính phủ và người dân Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ mọi nỗ lực nhân đạo để giúp đỡ những người tàn tật ở VN. Trong 15 năm qua, riêng chính phủ Mỹ đã cung cấp 35 triệu USD để giúp những người tàn tật ở VN.

Dong Ngoc Quoc Thai: Tại sao cả phòng Lãnh sự Mỹ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM thường xuyên từ chối cấp visa cho những người muốn thăm Mỹ. Như người thân của tôi, họ có đủ tiêu chuẩn, và họ yêu VN hơn bất cứ nơi nào trên thế giới nên chắc chắn sẽ trở về?

Đại sứ Michael Marine: Tôi không thể trả lời một câu hỏi mang tính cụ thể như vậy được. Nhưng tôi nghĩ, điều bạn nên làm là viết thư cho bộ phận lãnh sự để trình bày trường hợp của bạn và những thay đổi gần đây về quy chế.

Nhưng nói chung, bộ phận lãnh sự Mỹ ở Hà nội và TP.HCM có nhiệm vụ tạo điều kiện cho các chuyến đi hợp pháp tới Mỹ chứ không phải từ chối người ta.

Chính sách visa của Mỹ rất phức tạp và tất cả những người xin visa đều phải chứng minh tính hợp pháp theo điều luật này. Hiện có khoảng 65% số người đến nộp visa không di dân được chấp nhận.

Một độc giả: Chúng ta đều nhất trí rằng còn nhiều vấn đề tranh chấp trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Các tuyên bố chính thức đưa ra đều nêu rõ, những vấn đề ấy phải được giải quyết thông qua đối thoại hoà bình, dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thế lực chống đối ở trong và ngoài VN đang tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của VN bằng nhiều cách. Xin ngài cho chúng tôi biết liệu chính phủ Mỹ có ủng hộ hay giúp đỡ những thế lực này bằng tài chính hay biện pháp ngoại giao hay không? Nếu có, xin ngài cho biết lý do?

Đại sứ Michael Marine: Câu trả lời là Không. Rất đơn giản, Mỹ hoàn toàn ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của VN. Mọi nỗ lực của những cá nhân muốn thay đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN đều không được chính phủ Mỹ ủng hộ dưới bất kì hình thức nào.

Tuy nhiên, người dân ở Mỹ có quyền tự do ngôn luận, có quyền nói ra điều họ nghĩ kể cả việc phản đối chính sách, thậm chí chính thể của VN. Đôi khi, rất khó để các quan chức và người dân VN hiểu điều này.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi rất cảm ơn bạn đọc vì rất nhiều câu hỏi cho bàn tròn. Thời gian không đủ, nên chúng tôi sẽ chuyển các câu hỏi tới ngài đại sứ. Còn bây giờ, xin hỏi ông đôi chút về cuộc sống riêng tư của gia đình ông ở Hà Nội? Ông và vợ con ông ăn các món ăn VN, sinh hoạt ở Việt Nam, có thấy thoải mái không?

Đại sứ Michael Marine: Một trong những tính cách cần thiết của người làm ngoại giao là sự linh hoạt, dễ thích nghi với môi trường mới. Tôi không có nhiều đòi hỏi. Nhưng phải thú nhận, tôi rất yêu và hạnh phúc với cuộc sống ở Hà Nội. Tôi yêu các món ăn VN, có lẽ yêu hơi nhiều quá.

Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy rất sớm, đi tập thể dục vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã biết những người tập cùng thời gian với tôi. Đó là một cảm giác thú vị. Vợ tôi cũng ở VN với tôi, và bà ấy thấy cuộc sống ở đây rất tuyệt vời. Bà ấy đặc biệt mê du lịch dọc Việt Nam, nhìn thấy những "gương mặt" khác nhau của VN.

Hai con gái của tôi đã tốt nghiệp đại học, chúng có cuộc sống độc lập, nhưng năm sau chúng sẽ sang thăm VN.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông có nói ông thích ăn phở Việt Nam. Vậy ông thường ăn phở ở đâu?

Đại sứ Michael Marine: Tôi có người đầu bếp nấu phở rất ngon, nên tôi ăn phở tại nhà.

Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn: Không còn nghi ngờ gì nữa, nước Mỹ bây giờ là đất nước hùng mạnh trên thế giới. Vậy đâu là điểm mạnh mạnh nhất, và đâu là điểm yếu nhất của nước Mỹ? Đại sứ có thể lý giải rõ về vấn đề này không?

Đại sứ Michael Marine: Ồ, một câu hỏi rất thú vị. Tôi nghĩ điểm mạnh nhất của nước Mỹ là cơ chế dân chủ. Chính điều này làm cho các thành phần trong xã hội có thấy cách thức riêng của họ được ủng hộ, được khích lệ. Họ được hoàn toàn tự do sáng tạo, được sử dụng toàn bộ năng lượng và khả năng. Chính điều này đã khiến kinh tế Mỹ phát triển rất mạnh.

Còn điểm yếu nhất của nước Mỹ là chúng tôi đã có cơ hội tự phát triển quá nhanh trên quy mô lớn, trong một thời gian khá dài. Vì thế, chúng tôi không nhìn ra bên ngoài, người dân không học ngoại ngữ, không tìm hiểu nhiều đến các vùng đất khác. Tất nhiên, đang có sự thay đổi. Và chúng tôi phải tập trung "suy nghĩ" điều này.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2006, Tổng thống Bush sẽ sang thăm Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ có bàn tròn trực tuyến với Tổng thống Bush và ông tại VietNamNet. Ông có nghĩ, chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển hơn nữa không?

Đại sứ Michael Marine: Đó là một ý tưởng rất hay. Chúng tôi cũng đang làm rất nhiều việc để chuyến thăm của Tổng thống Bush thành công, hiệu quả và thú vị. Chuyến thăm và làm việc đó là để thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa. Cả VN và Hoa Kỳ sẽ cùng phải nỗ lực.

Soạn: AM 482545 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn: Xin cám ơn các bạn đọc đã quan tâm đến buổi trò chuyện. Một lần nữa, chúng tôi cám ơn Đại sứ đã tham gia bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay. Chúc ông hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình tại Việt Nam và giúp cho mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp.

Đại sứ Michael Marine: Tôi cũng xin cảm ơn. Tôi rất thích những câu hỏi thú vị và mà bạn đọc VietNamNet gửi đến, những câu hỏi khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi mong có cơ hội quay lại gặp các bạn.

TBT Nguyễn Anh Tuấn: Rất cám ơn ông. Một lần nữa nhân dịp Quốc khánh Hoa Kỳ và cũng là kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, xin chúc cho nhân dân Mỹ, đất nước Mỹ ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, yên bình. Chúc cho quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt đẹp. Như tổng thống Mỹ thường nói khi kết thúc những bài diễn văn của mình "God bless America".

Ý kiến của quý vị về Bàn tròn:

  • VietNamNet
,

Tin khác

,
,