- Đúng 8h sáng 16/3, ông Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả được áp giải đến tòa trên chiếc xe công vụ bóng loáng. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ mặc áo sơ mi sọc trắng, gọn gàng nhìn ông Sĩ không khác nhiều so với phiên tòa sơ thẩm. VKS đề nghị tăng mức án đối với hai bị cáo từ 5- 7 năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hai ông Sĩ - Quả và cái lý "ba không"
Khoảng 8h30, phiên tòa bắt đầu được mở do ông Nguyễn Công Hùng, thẩm phán TAND Tối cao tại TP.HCM làm chủ tọa.
Ngay sau phần thẩm tra lý lịch, hai bị cáo cùng xin chủ tọa phiên tòa được phép ngồi để hầu tòa, đề nghị trên được chấp nhận. Suốt phiên tòa, ông Sĩ và ông Quả đều không phải đứng lên trả lời, chiếc micro được lần lượt chuyền qua tay các bị cáo.
Tham gia phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự có đại diện Ban quản lý (BQL) dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM. Phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại tòa là đại diện Công ty quản lý và kinh doanh nhà TP.HCM.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ bước đi trong sự vây quanh của những người thân. |
Sau khi nghe chủ tọa phiên tòa tóm tắt lại nội dung vụ án, phần trình bày nội dung kháng cáo, ông Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Hai bị cáo cùng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo được hưởng án treo. Bên cạnh đó, đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa giữ nguyên quan điểm kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với ông Sĩ và ông Quả.
Trong phần trả lời thẩm vấn, hai bị cáo đồng loạt thừa nhận có hành vi sai phạm trong việc tự ý cho phía Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (viết tắt là PCI) thuê lại một phần căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3 (TP.HCM) để lấy tiền thu chi nội bộ. Tuy nhiên, trước tòa, cả “sếp” và “lính” đều khẳng định do “không nắm được tình hình”, không nắm được công văn chỉ đạo, không biết hành vi trên là vi phạm pháp luật.
Cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Quả cho biết đầu năm 2001, do muốn nâng cao đời sống công nhân viên trong BQL nên đã tự ý cho PCI thuê nhà để có tiền bồi dưỡng thêm cho nhân viên, đã báo cáo vụ việc lên cấp trên. Bị cáo Quả nhấn mạnh thêm “tôi hoàn toàn không biết là phạm pháp, chỉ khi công an bắt và đưa ra tôi mới biết mình sai”. Bên cạnh đó, do bản thân là nhà khoa học chưa có kinh nghiệm quản lý nên quá trình quản lý dự án lớn trên đã xảy ra sai phạm.
Suốt phiên tòa hai bị cáo được ngồi để trả lời thẩm vấn của HĐXX. |
Về phần “sếp” Sĩ, người này cho rằng việc cho PCI thuê nhà là chủ trương của “cấp phó”, bị cáo chỉ có sai phạm là khi phát hiện vụ việc đã không kiên quyết mà chỉ nhắc nhở rồi “bỏ quên” vụ việc tiếp diễn đến cuối năm 2002.
Theo bị cáo Sĩ, việc cho PCI thuê 3 phòng của căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu là sự hi sinh của anh em trong BQL dự án, anh em đã chịu ngồi chật chội hơn để cho PCI thuê lại, điều đó không thiệt hại đến ngân sách. Ngoài ra, theo bị cáo trong 80.000 USD (tương đương 1,2 tỷ đồng) PCI trả cho BQL dự án thì chỉ có 600 triệu đồng là tiền thuê nhà, 600 triệu còn lại là tiền PCI bồi dưỡng cho BQL dự án vì đã hỗ trợ tích cực PCI trong việc cung cấp các thông tin để PCI đẩy nhanh tiến độ.(?)
Ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa bác bỏ quan điểm trên và chỉ rõ căn nhà trên được giao làm trụ sở cho BQL làm việc. Hành vi cho thuê ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc đồng thời tự ý cho thuê lại là hoàn toàn sai. Bên cạnh đó, thành viên trong HĐXX cũng “vặn” lại bị cáo Sĩ về số tiền 600 triệu được coi là tiền bồi dưỡng trên.
Kết thúc phần xét hỏi, mở đầu phần tranh luận, vị đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa bảo lưu quan điểm kháng nghị. Theo VKS mức án mà cấp sơ thẩm tuyên chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo và đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tăng hình phạt, tuyên phạt Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả cùng mức án từ 5 đến 7 năm tù.
-
Mai Phượng