– Phiên tòa phúc thẩm vụ án “hiệu trưởng mua dâm” đã bị hoãn lại đến ngày 27/1.
Phiên tòa xử phúc thẩm vụ án “mua dâm nhiều lần trẻ vị thành niên” với bị cáo Sầm Đức Xương và “môi giới mại dâm” là Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy do TAND tỉnh Hà Giang mở sáng ngày 20/1/2010 đã bị thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa, ông Cao Xuân Hùng, ra quyết định hoãn tới ngày 27/01/2010.
3 bị cáo được công an tư pháp dẫn giải tới phiên tòa phúc thẩm vào khoảng 8h30 sáng 20/1.
Chủ tọa phiên tòa đưa ra lý do để hoãn xử: 3 nạn nhân của vụ án đều có đơn kháng cáo nhưng lại vắng mặt.
Trong giấy thông báo phiên tòa xét xử phúc thẩm, các luật sư bào chữa được TAND tỉnh Hà Giang mời tới phiên tòa vào hồi 7h30 sáng 20/01/2010.
8h30, các bị cáo Sầm Đức Xương, Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thúy được áp giải tới phiên tòa.
Khoảng gần 9h sáng, phiên tòa bắt đầu làm việc sau khi thư ký phiên tòa làm các thủ tục tiếp nhận giấy triệu tập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo hộ các nạn nhân đến tham dự phiên tòa.
Phiên tòa phúc thẩm vẫn tiếp tục được xử kín, với lý do: để bảo vệ quyền lợi, danh dự và nhân phẩm cho các nạn nhân chưa đủ tuổi thành niên và giữ thuần phong mỹ tục.
Khi các luật sư lên tiếng về trình tự ban đầu của một phiên tòa thì thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa, ông Cao Xuân Hùng, đưa ra lý do "vắng mặt 3 nạn nhân" nên hoãn xử.
Luật sư Triển (Văn phòng luật sư Vì Dân, đoàn luật sư Hà Nội) người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy
Quyết định đơn phương của vị thẩm phán tòa hình sự tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đưa ra khiến luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân – Đoàn Luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thúy) và luật sư Nguyễn Văn Tú (Đoàn luật sư Bắc Giang) người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Thị Hằng “nhảy dựng” tại tòa, vì cả hai luật này cho rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) đã vi phạm luật tố tụng.
Hai luật sư này đưa ra 3 điểm như sau:
Thứ nhất, TAND tỉnh Hà Giang không triệu tập các nhân chứng, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa để làm sáng tỏ những nội dung có kháng cáo là không đúng luật tố tụng.
Thứ hai, tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa không làm đúng pháp luật về trình tự ban đầu của phiên tòa: chưa tuyên bố nội dung phiên tòa, chưa công bố HĐXX. Điều này khiến những người có mặt tại tòa (kể cả luật sư) đều không hiểu phiên tòa đó là phiên tòa gì, HĐXX nhân danh ai để xét xử?
Thứ ba, khi có ý kiến của Viện Kiểm sát và luật sư, HĐXX phải vào phòng nghị án để làm việc sau đó chủ tọa phiên tòa công bố quyết định của HĐXX về việc có hoãn phiên tòa hay không. Chủ tọa phiên tòa đơn phương tuyên bố hoãn phiên tòa là không đúng luật tố tụng.
Ngay sau khi chủ tọa phiên tòa tuyên bố hoãn xử vì vắng mặt 3 nạn nhân, luật sư Trần Đình Triển và luật sư Nguyễn Văn Tú đã làm việc với ông Nông Đức Toàn – Chánh án TAND tỉnh Hà Giang kiến nghị thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và thư ký phiên tòa với 2 lý do: “Việc làm của thẩm phán và thư ký đã thể hiện sự thiếu vô tư khách quan trong việc xét xử; đồng thời thể hiện sự non kém hoặc cố tình vi phạm pháp luật tố tụng hình sự.”
Ông Nông Đức Toàn, Chánh án TAND tỉnh Hà Giang.
Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Ông Nông Đức Toàn ghi nhận toàn bộ kiến nghị của 2 luật sư chúng tôi và cam kết sẽ họp lãnh đạo xem xét!”. .
Ông Nông Đức Toàn, Chánh án TAND tỉnh Hà Giang:
Muốn biết lý do thì phải hỏi chủ tọa phiên tòa! Thưa ông, vì sao phiên tòa hôm nay bị hoãn lại đến 27/1? - Đây là quyết định của HĐXX, về luật, HĐXX và thẩm phán, chủ tọa phiên tòa làm việc độc lập. Chúng tôi không có quyền tham gia vào quyết định của HĐXX. Nếu muốn biết lý do thì phải gặp thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Trong phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cũng đã vi phạm luật tố tụng. Cụ thể, ngày 03/11 (trước khi mở phiên tòa xét xử), bị cáo Sầm Đức Xương đã có đơn mời luật sư bào chữa (có chữ ký của Trưởng trại tạm giam) gửi TAND, VKSND huyện Vị Xuyên, cơ quan công an và TAND tỉnh Hà Giang. Thế nhưng tòa án huyện Vị Xuyên đã bác quyền này của bị cáo Sầm Đức Xương. Lý do tại sao thưa ông? - Cái này tôi không được biết. Thưa ông, đây là một vụ án nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, do đó, cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều được xử kín, chỉ có những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan mới được tham dự. Vì tính chất như thế, với vai trò là người đứng đầu ngành tòa án của Hà Giang, ông có được cấp dưới báo cáo về diễn biến của vụ việc? - Tôi cũng nghe nói… Giả sử, trong trường hợp HĐXX, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa vi phạm luật tố tụng, ông sẽ xử lý cán bộ của mình như thế nào? - Cái đó đã có luật pháp quy định. Xin cảm ơn ông! |