– Với hành động dũng cảm quên mình bắt cướp, 2 thanh niên được cơ quan chức năng địa phương đề nghị nhà nước công nhận chế độ liệt sĩ, thương binh và hơn ai hết họ chính là những người dân điển hình, đã dấy lên mạnh mẽ “thế trận an ninh nhân dân”.
Xả thân để bắt cướp
Ngày 14/1, Công an tỉnh Long An đã phối hợp cùng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an phía
Công an tỉnh Long An đã hoàn tất hồ sơ đề nghị nhà nước xem xét công nhận chế độ thương binh, liệt sĩ đối với hai thanh niên Trần Ngọc Lương và Nguyễn Thanh Trọng. Ảnh: Đàm Đệ |
Tại buổi họp báo, nhiều lãnh đạo công an tỉnh Long An đã nhắc lại vụ án xảy ra cách đây đúng 1 năm với niềm thương tiếc khôn nguôi về sự xả thân của 2 thanh niên dũng cảm mà không ít người dân đã cảm phục. Đây là một vụ án giết người, cướp tài sản táo tợn và để sau đó người thanh niên Trần Ngọc Lương đã nằm xuống, còn anh Nguyễn Thanh Trọng cũng mang thương tích vĩnh viễn 71%.
Lúc đó là khoảng 22 giờ đêm 12/1/2009, chị Nguyễn Thị Bé Hai (SN 1979, ngụ ấp Long Thành, xã Long Trạch, huyện Cần Đước) điều khiển xe gắn máy, hiệu Airblade từ Q.7, TP.HCM về nhà tại xã Long Trạch. Khi vừa đến cổng nhà thì chị Bé Hai bất ngờ bị 2 thanh niên đi trên 1 xe gắn máy, ép sát đầu xe, dùng chân đạp ngã xuống đường, dùng hung khí tấn công nhằm cướp xe tẩu thoát.
Nghe tiếng nạn nhân truy hô, anh Lương và Trọng đang đi xe gắn máy ngang qua gần đó đã phát hiện, lao vào khống chế tội phạm. Do trời tối, lại trong điều kiện “tay không bắt cướp” nên cả hai anh bị 2 tên cướp dùng dao chống trả. Dù bị đâm hàng chục nhát, máu nhuộm đầy áo nhưng cả hai anh vẫn cương quyết ôm chặt những tên cướp hung dữ.
Cùng lúc đó, em Phạm Minh Dương (SN 1992, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, học sinh lớp 11C2 trường cấp II – III Rạch Kiến, huyện Cần Đước) và anh Đặng Thanh Hải (SN 1974, chồng chị Bé Hai) nghe tiếng kêu cứu cũng ra ứng cứu. Tuy nhiên 2 người dân này cũng bị 2 tên cướp hung hãn đâm trọng thương, sau đó chúng cướp xe gắn máy của anh Lương và tẩu thoát về hướng TP.HCM.
Nguyễn Thanh Trọng bên "huân chương dũng cảm" do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng và nhiều giấy khen, bằng khen của các cơ quan ban ngành khác về hành động dũng cảm bắt cướp. Ảnh: Đàm Đệ |
4 nạn nhân bị thương được người dân đưa đi cấp cứu. Anh Lương vì bị thương quá nặng nên đã tử vong vào sáng ngày 13/1/2009. Sau khi điều trị, 3 người dân còn lại cũng đã phải mang những vết thương suốt đời, trong đó Trọng thương tích 71%, anh Hải 6% và em Dương 1%.
3 ngày sau khi xảy ra vụ việc, 2 tên cướp hung hãn và cũng là hai anh em ruột gồm: Nguyễn Văn Tự (SN 1986) và Nguyễn Văn Mèo (tự Tuấn, SN 1979, ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã sa lưới pháp luật. Tháng 9/2009 vụ án được đưa ra xét xử, Tự nhận mức án chung thân và Mèo nhận mức án 20 năm tù về tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”; đồng thời 2 bị cáo này phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân số tiền 80 triệu đồng.
Xứng đáng công nhận thương binh, liệt sĩ
Đến nay đã tròn 1 năm xảy ra vụ việc, cũng là ngày giỗ đầu của anh Trần Ngọc Lương. Tuy nhiên xã hội và người dân vẫn không quên hành động dũng cảm của anh và những người dân nói trên.
Kịp thời khen thưởng, động viên quần chúng dũng cảm bắt cướp sẽ dấy lên mạnh mẽ "thế trận an ninh toàn dân". Ảnh: Đàm Đệ |
Điều đáng nói, cả anh Lương và anh Trọng đều là những trụ cột chính trong gia đình nghèo. Họ đều là những thanh niên gương mẫu tại địa phương, trong đó anh Lương đã có đơn xin vào lực lượng dân phòng địa phương, đã gửi lên công an xã để xem xét, gần 10 ngày trước khi vụ án xảy ra.
Theo Đại tá Lê Văn Hữu – Giám đốc Công an tỉnh Long An: Trong 1 năm qua, các đoàn thể tổ chức đã luôn thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình các anh. Đặc biệt, ngày 17/9/2009 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã truy tặng và trao tặng “Huân chương dũng cảm” cho anh Lương và anh Trọng.
Đại tá Hữu còn cho biết thêm, hiện Công an tỉnh cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị các cơ quan có chức năng của nhà nước xem xét công nhận anh Trần Ngọc Lương là liệt sỹ, anh Nguyễn Thanh Trọng là thương binh.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng, Bộ Công an cho rằng, trong tổng số các vụ án mà lực lượng công an khám phá được có đến 60% là công sức của nhân nhân, cho nên vai trò của người dân trong thế trận an ninh toàn dân là cực kỳ quan trọng.
Cũng theo Thiếu tướng Dũng, vừa qua Bộ Công an cũng đã có quyết định tăng cường tại mỗi tỉnh có một Phó Giám đốc công an chuyên trách về Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Đàm Đệ