(VietNamNet) - Bị oan và để được giải oan là cả đoạn trường, đôi khi họ chưa kịp nhìn thấy công lý thì đã "đoàn tụ" với ông bà. Thế nhưng, khi được giải oan rồi, đoạn trường yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cũng gian truân không kém...
"Trái bóng trách nhiệm" được đá qua đá lại rồi chỉ lui, chỉ tới và… tất cả cùng im lặng hoặc né tránh. Trong khi đó, thân phận của những người đã từng bị chính họ hoặc cơ quan của họ gây ra oan trái thì không được đoái hoài đến.
Cả gia đình 3 người nhà ông Nguyễn Trường Giang lặn lội từ Đồng Tháp Mười lên TP.HCM để đòi bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388. |
Im lặng để... giải thích
Đầu năm 2001, bà Đào Thị Cúc, trú tại huyện Ô Môn (nay là quận Ô Môn, TP Cần Thơ), phát hiện con gái Đào Hải N (14 tuổi - bị câm bẩm sinh) có dấu hiệu bất thường nên chở con đến Trung tâm y tế Ô Môn khám thì phát hiện N có thai hơn 4 tháng. Gạn hỏi, N ra dấu cho biết đã bị người hàng xóm là Trần Xuân Mộc hiếp dâm. Bà Cúc làm đơn tố giác gửi công an huyện Ô Môn yêu cầu làm rõ hành vi của ông Mộc.
Thế nhưng, cơ quan điều tra Cần Thơ lại khởi tố và bắt tạm giam ông Mai Than (là anh rể của bà Cúc) với lý do đã có hành vi hiếp dâm N (?!) Năm tháng sau, N sinh ra một bé gái. Cơ quan điều tra tiến hành giám định ADN, kết quả giám định đi ngược lại những gì cơ quan điều tra đã làm, đứa trẻ sinh ra không có gì liên quan đến ông Mai Than.
Tuy nhiên cơ quan điều tra Cần Thơ vẫn một mực cho rằng, dù đứa trẻ không phải là con ông Mai Than nhưng vẫn có cơ sở để xác định ông có hành vi hiếp dâm N, đó là lời khai một vài nhân chứng!? Sau đó, TAND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) đã tuyên phạt ông Mai Than 20 năm tù tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Vụ án bị kháng cáo và sau đó Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, sau đó xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại do chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, lời khai nhân chứng bất nhất, không đáng tin cậy.
Sau thời gian dài điều tra lại, Công an Cần Thơ vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố ông Mai Than với tội danh như trước đây và VKSND Cần Thơ ra bản cáo trạng với nội dung giống y nội dung của bản cáo trạng trước. Sau khi thụ lý lại vụ án, TAND TP Cần Thơ 4 lần ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng VKS, CQĐT vẫn không đáp ứng những vấn đề tòa yêu cầu.
Ngày 29/7/2005, TAND TP Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử và tuyên ông Mai Than không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Sau đó, ngày 24/10/2005, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM cũng đã y án sơ thẩm tuyên bố ông Mai Than không phạm tội “hiếp dâm trẻ em”.
Từ ngày được tuyên vô tội, ông Mai Than gửi đơn đến VKSND TP Cần Thơ và Công an Cần Thơ yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị khởi tố, truy tố oan theo Nghị quyết 388. Thế nhưng từ đó đến nay, cả hai cơ quan này đều không có một lời phúc đáp và cứ hành xử theo kiểu "im lặng là... vàng"!!!
Không chỉ im lặng né trách nhiệm, "trái bóng trách nhiệm" giải quyết oan sai còn bị các cơ quan tố tụng "đá qua, đá lại" hòng phủi tay chối bỏ trách nhiệm. Cách đây 22 năm (1984), ông Đặng Tấn Hinh (lúc đó là đội trưởng đội khai thác lâm sản số 2, thuộc Ty lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai) bị Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai bắt giam với lý do “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”.
Sau hơn 3 tháng bị tạm giam, ông được Giám đốc công an tỉnh ký quyết định tạm tha, rồi bỏ quên luôn vụ việc cho đến cuối năm 2005. Trong suốt thời gian đó, ông chờ hoài không thấy công an giải quyết, đi đến các cơ quan chức năng để hỏi thì được trả lời… đang giải quyết. Mãi đến giữa năm 2005, khi Ban dân nguyện của Quốc hội vào cuộc, Công an tỉnh Đồng Nai mới lục lại hồ sơ để xem lại vụ việc của ông Hinh.
Nhưng rồi, để đối phó và né bồi thường cho người bị oan, Công an tỉnh Đồng Nai lại ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hinh với lý do “Do chuyển biến tình hình, hành vi của ông Hinh không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Không đồng ý với quyết định này, ông làm đơn khiếu nại đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 7 tỷ đồng gửi Công an tỉnh Đồng Nai. Công an tỉnh chỉ ông qua VKS tỉnh để được giải quyết. Ông sang Viện thì được nơi này trả lời rằng trách nhiệm của công an vì việc bắt ông tạm giam là do công an làm, theo nghị quyết 388 không phải trách nhiệm của Viện. Chạy tới chạy lui, mãi đến bây giờ cái đơn đòi bồi thường của ông vẫn nằm im, chưa được ai giải quyết.
Né trách nhiệm
Năm 1996, Đào Trần Thành, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thành bị cơ quan điều tra công an TP.HCM khởi tố bắt giam do nghi ngờ có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân”. Sau 4 năm bị khởi tố bắt giam, vụ án mới được đưa ra xét xử và tuyên phạt ông Thành 5 năm tù về tội danh này, mặc dù trong suốt quá trình từ khởi tố đến xét xử ông một mực kêu oan.
Sau khi thụ án xong, ông Thành trở về và tiếp tục gửi đơn kêu oan đến VKSND Tối cao, TAND Tối cao. Ngày 24/12/2002, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xử Giám đốc thẩm, xác định không đủ cơ sở kết tội ông Thành “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như bản án của các cấp tòa đã tuyên. Vụ án sau đó được đưa về điều tra xét xử lại.
Sau 5 năm, với rất nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn không chứng minh được hành vi của ông Thành có tội. Cuối cùng ngày 7/8/2006, Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do “do chuyển biến tình hình, hành vi của bị can Thành không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Với nội dung của quyết định này thì theo Nghị quyết 388, cơ quan công an không phải bồi thường. Nhưng ngặt nỗi, cái án 5 năm tù kia ông Thành đã chấp hành xong và Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xác định không có cơ sở buộc tội thì lập luận cho rằng “do chuyển biến tình hình…” của Công an TP.HCM có thuyết phục?
Cũng cùng hoàn cảnh như thế, nhưng trường hợp của bà Phan Thị Kim Dung (huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) còn “oái ăm” hơn. Nghi ngờ bà Dung chứa mại dâm, tối ngày 28/3/2003, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt khẩn cấp bà Dung về hai tội “Chứa mại dâm” và “Trốn thuế”.
Bà Phan Thị Kim Dung trước cơ ngơi của mình là khách sạn Hoàng Dung. |
Thế nhưng trong suốt thời gian dài sau đó, VKSND tỉnh Bình Dương không thể ra cáo trạng truy tố bà Dung vì không đủ chứng cứ. Ngày 23/5/2006, VKSND tỉnh Bình Dương lại thay tòa tuyên án bằng quyết định đình chỉ điều tra với lý do “thời gian tạm giam đã đủ giáo dục cải tạo…”! Bà Dung đã phản ứng quyết liệt cái lý do đình chỉ này "không giống ai" của VKS Bình Dương và gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương nhờ can thiệp. Thế nhưng, vụ việc đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì!
Với những kiểu đình chỉ này, không hiểu những người trực tiếp (hoặc gián tiếp) gây oan cho người dân nghĩ gì khi họ đặt bút ký những dòng chữ như thế? Phải chăng vì sợ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan nên né mà không nghĩ đến thân phận của những người đã từng bị chính họ hoặc cơ quan của họ gây ra oan trái.
-
Gia Khang
Ý kiến của bạn?