221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
792980
PMU 18: Chưa chứng minh được ai nhận tiền chạy án
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
PMU 18: Chưa chứng minh được ai nhận tiền chạy án
,

(VietNamNet) - "Trong bữa cơm tại khách sạn Melia không có chuyện chạy án" - tướng Quắc khẳng định trong cuộc họp báo chiều nay. PMU18 sẽ được báo cáo trước Quốc hội và có hay không chuyện "đấu đá" trong nội bộ TCCS là những câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo TCCS.

Soạn: AM 770797 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc.

"Từng có người khuyên Bùi Tiến Dũng nếu bị CQĐT triệu tập thì cứ đàng hoàng mà tới. Chứng cứ như vậy thì CQĐT không bắt được đâu", Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) - Bộ Công an) "bật mí" như vậy tại cuộc họp báo do Tổng cục cảnh sát (TCCS) tổ chức chiều 5/5 tại Hà Nội.

Buổi họp báo do do TCCS tổ chức có mặt Trung tướng Trần Văn Thảo (Tổng cục trưởng TCCS), Thiếu tướng Lê Thành (Phó Tổng cục trưởng TCCS), Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh (Phó tổng cục trưởng TCCS, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ CA), Đại tá Nguyễn Hòa Bình (Phó Tổng cục trưởng TCCS), Đại tá Vũ Hùng Vương (Cục trưởng Cục C17), Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (Cục trưởng Cục C14)...

Nội dung của buổi họp báo nhằm thông báo kết quả điều tra ban đầu vụ án PMU18, và thông tin về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong cả nước 4 tháng đầu năm 2006.

Bùi Tiến Dũng dùng gần 60.000 USD và 50 triệu đồng chạy án

Ngay sau khi Bùi Quang Hưng bị bắt, rất nhiều đối tượng đã tìm cách chạy. "Có 2 loại đối tượng trong vụ án này với 2 cách chạy khác nhau. Loại đối tượng ngoài xã hội thì "cao chạy xa bay", mất hút dấu tích. "Còn tồn lại loại đối tượng dũng cảm ở lại tìm cách chạy án, toàn là mấy ông cán bộ Nhà nước", tướng Quắc cho biết.

Đến nay, trong vụ án "Đưa, nhận, môi giới hối lộ" (gọi tắt là "chạy án"), C14 đã khởi tố 6 bị can gồm: Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng, Tôn Anh Dũng, Nguyễn Mậu Thôn, Lương Mạnh Hoa, Nguyễn Mậu Thôn. Tuy nhiên, hiện nay CQĐT chưa có tài liệu về những người đã nhận tiền chạy án của các đối tượng này.

Cụ thể, đến nay, CQĐT đã xác minh đủ tài liệu ban đầu chứng minh Bùi Tiến Dũng đã tung 59.500 USD và 50 triệu đồng để chạy án. Số tiền được tung làm 3 mũi: Nguyễn Mậu Thôn (500 triệu đồng), Nguyễn Đình Toản (9.500 USD và 50 triệu), Tôn Anh Dũng (30.000 USD). Ngoài ra, có lời khai ông Đỗ Huy Kim (C15) đã nhận 20.000 USD tiền chạy án, nhưng ông Kim hiện vẫn phủ nhận việc này.

Thiếu tướng Lê Thành (Phó Tổng cục trưởng TCCS) cho rằng, trong vấn đề "chạy án" cần phải làm hết sức cẩn thận, trên quan điểm "không bỏ loạt tội phạm nhưng cũng không để oan người ngay". Ông Thành cho rằng: "Cũng không loại trừ việc các đối tượng khai để bôi lem cán bộ. Đi với ma thì có ngày ma dúi cho vài chỗ cũng nên".

Không chỉ "khen" các đối tượng chạy án "dũng cảm", tướng Quắc cho hay: CQĐT có dấu hiệu ban đầu các đối tượng chạy án. "Tất nhiên, bọn tội phạm chỉ chạy những người có quyền chỉ đạo, ra ý kiến chỉ đạo Ban chuyên án. Chúng chỉ chạy những người có chức, có quyền", ông Quắc nói.

Bữa cơm Melia không có chuyện chạy án

Việc "bữa cơm tại khách sạn Melia" gồm 5 người tham gia: Ông Đoàn Mạnh Giao, ông Nguyễn Văn Lâm, ông Cao Ngọc Oánh, ông Trần Hiếu Vinh, bị can Tôn Anh Dũng, bị nghi ngờ liên quan đến việc "chạy án", tướng Phạm Xuân Quắc hoàn toàn phủ nhận.

Ông Quắc khẳng định bữa cơm đó hoàn toàn không có chuyện chạy án, khi trả lời câu hỏi lý do ông ký quyết định khẳng định ông Đoàn Mạnh Giao không liên quan đến chuyện chạy án trong vụ PMU18, trong khi bữa cơm đó có tới... 5 người.

Tướng Quắc giải thích thêm về lý do ký quyết định này: "Đồng chí Đoàn Mạnh Giao là đại biểu đi dự Đại hội X. Trung ương yêu cầu CQĐT phải trả lời. Hiện không có tài liệu nào liên quan đến đồng chí ấy, nên tôi trả lời như vậy". Việc không kết luận các ông Nguyễn Văn Lâm, ông Cao Ngọc Oánh, ông Trần Hiếu Vinh, được tướng Quắc giải thích là "không phải đại biểu đi dự Đại hội".

Tướng Quắc cũng cho biết, việc khởi tố các đối tượng tội "Môi giới hối lộ" vì Bùi Tiến Dũng không trực tiếp đưa tiền cho mục tiêu mà y muốn "chạy". Tuy nhiên, hiện nay, tất cả số cán bộ mà Bùi Tiến Dũng khai chưa có bất kỳ ai công nhận có nhận tiền của Bùi Tiến Dũng. Việc này CQĐT đang tiếp tục làm rõ, "nếu có tài liệu chứng minh thì việc xử lý sẽ không có vùng cấm", ông Quắc nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Thành cũng cho biết, khi đối tượng muốn chạy tội, thì phải nhắm vào những người có quyền ở CQĐT. Khi giải trình trước Đảng ủy cơ quan Bộ Công an, tướng Oánh thừa nhận có mối quan hệ với Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế"), nhưng đó là mối quan hệ trên tình đồng hương, không có chuyện tiền bạc. Đến nay, chưa có bất kỳ chứng cứ nào kết luận ông Cao Ngọc Oánh có liên quan trong việc Tôn Anh Dũng "chạy án".

Khi được hỏi thời gian ước tính sẽ có kết luận về trường hợp Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Tướng Lê Thành dí dỏm: "Không ai có thể làm được việc là biết trước chính xác người phụ nữ mang thai sẽ sinh lúc nào. Việc này đang được xác minh làm rõ, không được hấp tấp, vội vàng".

Đang tiếp tục xác minh nhiều vấn đề

Không chỉ có bữa cơm tại Melia bị nghi ngờ liên quan đến việc chạy án, còn 1 bữa cơm khác được Nguyễn Mậu Thôn đứng ra tổ chức tại nhà hàng Phố Núi (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) hiện tại cũng đang bị nghi ngờ. Tại bữa cơm này, có mặt ông Nguyễn Văn Tùng (em ruột ông Nguyễn Văn Lâm, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương), ông Nguyễn Văn Hồng (Vụ trưởng Vụ 1A, VKSNDTC).

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cho biết, hiện nay CQĐT đang tiếp tục điều tra, làm rõ những người liên quan. Tuy nhiên, tướng Quắc thừa nhận: Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh việc ông Nguyễn Văn Hồng bị nghi ngờ nhận 40.000 USD tiền "chạy án".

Liên quan đến trường hợp Lai Thành Hữu (tên thật là Ngô Tiến Dũng, biệt danh Dũng "kiều", Dũng "Hà Nội") vừa bị bắt, trả lời về việc một cán bộ Cục A37 từng gửi công văn bảo lãnh cho đối tượng này, tướng Quắc cho hay hiện đang được xác minh. Chưa hết, trước thông tin báo giới đặt ra: Cán bộ này từng 3 lần có công văn gửi A18 về việc gia hạn visa cho Dũng "kiều"?, tướng Quắc cũng cho hay C14 đang tiếp tục xác minh việc này.

Có "đấu đá" trong nội bộ TCCS?

"Chắc chắn là không có chuyện đó", Thiếu tướng Lê Thành khẳng định khi trả lời báo giới về thông tin này. Ông Thành cho hay là chưa được nghe thông tin "nội bộ TCCS có đấu đá, mâu thuẫn". Ông Thành cũng "nhờ" báo chí nếu có nghe thông tin như vậy thì rất mong báo chí "giải đáp giùm", bởi "TCCS không có chuyện mất đoàn kết để tự làm yếu mình".

Liên quan đến chuyện chạy án, tướng Quắc cho biết thêm: "Ai cũng có thể là đối tượng mà bọn đối tượng muốn nhắm vào, nếu người đó có quyền". Giải thích về những thông tin nghi vấn về việc còn ai trong Ban chuyên án bị "rút", tướng Quắc cho hay "Ban chuyên án chỉ gồm những cán bộ cấp phòng. Còn anh em điều tra viên thì ai biết việc của người ấy".

Tuy nhiên, ông Quắc cũng thừa nhận: "Có vài cán bộ mà các đối tượng muốn nhắm vào".

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, tướng Quắc cho rằng "người được các đối tượng "chọn" để chạy án thì phải là người đã có quá trình quan hệ lâu dài". Song, Cục trưởng C14 cho hay: "CQĐT cũng rất mong khi điều tra làm rõ, càng ít cán bộ dính vào việc chạy án là điều tốt đẹp nhất".

Trở lại với vụ án "Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc" của Bùi Quang Hưng, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cho hay: Đến nay việc điều tra đã gần hoàn thành. Có thể, vụ án liên quan đến Bùi Quang Hưng sẽ được tách ra để xét xử trước.

Còn tướng Thành thì cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất trong những vụ án tham nhũng như vụ PMU18 là xác minh được số tiền mà các bị can đã "ăn bẩn" để thu hồi lại tài sản thất thoát cho Nhà nước. Hiện nay, CQĐT đang tập trung làm rõ những nội dung này.

PMU18 sẽ được báo cáo trước Quốc hội

Trước thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Công an báo cáo vụ PMU18 tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Thiếu tướng Lê Thành trả lời: "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội hỏi tới, chúng tôi có trách nhiệm phải trả lời".

Ông Thành cũng cho hay, không chỉ các đối tượng cho mượn xe, mà tất cả những cá nhân, đơn vị nào đã "mượn" xe của PMU18 sắp tới sẽ phải trả lời những câu hỏi của CQĐT mục đích gì. Chính nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến từng thừa nhận: "Đã cho mượn như PMU18 thì không thể nói là "vô tư" được".

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cho biết, trong số 34 chiếc xe PMU18 đem cho "mượn", có chiếc cho mượn từ năm... 1995. Hiện, CQĐT đang tiến hành giám định chất lượng những chiếc xe đã thu hồi, thì tạm tính mức thiệt hại tài sản Nhà nước "sơ sơ" đã tới.... 10 tỷ đồng.

Chưa hết, tướng Quắc cho hay: "Không chỉ cho mượn, nhiều chiếc xe còn được Bùi Tiến Dũng đem cho luôn".

Không chỉ sử dụng tài sản Nhà nước như của "chùa", Bùi Tiến Dũng còn đánh bạc với tổng số tiền tới 2,6 triệu USD. Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc thông báo: "C14 sẽ chỉ điều tra việc thi công đường 18. Việc điều tra các dự án còn lại của PMU18, C14 sẽ chuyển toàn bộ tài liệu sang C15".

Được biết, chỉ mới "đụng" vào 1 gói thầu tại dự án đường 18, CQĐT đã phát hiện số tiền sai phạm đã tới 9% giá trị gói thầu, tương đương 19 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện CQĐT đã có tài liệu chứng minh Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng lập hóa đơn khống để rút tiền Nhà nước trong việc thuê các địa điểm "ma" lập văn phòng Ban quản lý dự án khi thi công các dự án khác nhau.

Trả lời VietNamNet về lập trường của CQĐT trong vụ PMU18, Thiếu tướng Lê Thành khẳng định: "Không có chuyện CQĐT "chựng" lại trong quá trình điều tra vụ PMU18". Ông Thành cũng cho hay: Bộ Công an sẽ thiết lập "kênh liên lạc" với báo chí trong để thông tin quá trình việc điều tra các vụ án thời gian tới, nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trên mặt trận chống tham nhũng vốn rất khó khăn.

Cũng trong buổi họp báo chiều nay, TCCS đã thông báo kết quả điều tra nhiều vụ án khác: Vụ ma túy Thanh Nhàn, vụ mua bán trái phép vũ khí quân dụng của Trần Hữu Thủy, Nguyễn Văn Tiến, vụ Trịnh Nguyên Thủy và đồng bọn mua bán ma túy...

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới...

  • Hà Trường - Phan Công  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,