(VietNamNet) – Hôm nay (4/5), phiên tòa xét xử vụ án sai phạm trong thiết kế, thi công hầm chui Văn Thánh 2 thuộc dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục với phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS và các luật sư để tìm ra nguyên nhân thật sự của sự cố lún hầm chui Văn Thánh 2. Hầu hết các bị cáo không thừa nhận trách nhiệm của mình mà đổ lỗi cho nhau và cho cả nạn...kẹt xe(!?)
Lún là do đốt cháy giai đoạn
Bị cáo Lê Thanh Liêm, nguyên kỹ sư cầu đường Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – Bộ GTVT là tác giả của bản đồ án thiết kế hầm chui Văn Thánh 2 luôn cho rằng mình bị oan. Liêm nhất mực không thừa nhận thiết kế của mình là sai. Bị cáo Liêm cho rằng với đồ án thiết kế của mình, nếu các bên đầu tư, thi công và giám sát làm đúng, đủ thì sẽ không xảy ra sự cố lún như vừa qua.
Dẫn chứng cho lời khai của mình, bị cáo Liêm cho rằng, trong hồ sơ thiết kế, bị cáo thiết kế hầm chui trên cơ sở nền đường đã được gia tải – bấc thấm đảm bảo độ an toàn. Thế nhưng do các bên chủ đầu tư, thi công và tư vấn giám sát đã đốt cháy giai đoạn, không xử lý nền đường theo đúng thiết kế (thời gian gia tải chờ lún là 8 tháng) nên dẫn đến việc thi công vừa xong thì lún.
Về thực tế, Liêm dẫn chứng hầm chui Thị Nghè 2 gần đó cũng được thiết kế y hệt hầm chui Văn Thánh 2 nhưng do làm đúng yêu cầu thiết kế bấc thấm – gia tải chờ lún 9 tháng nên sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng 4 năm nay không hề hấn gì.
Khi được hỏi trách nhiệm trong vụ án này đến đâu, Liêm trả lời rằng, người thiết kế chỉ chịu trách nhiệm chất lượng thiết kế. “Ở đây, chất lượng thiết kế đảm bảo thì bị cáo thấy rằng mình không có trách nhiệm gì đối với sự cố này cả”, Liêm khẳng định.
Bị cáo Liêm còn cho rằng, do các bên thi công, giám sát bỏ qua hoàn toàn biện pháp gia tải nên việc lún là đương nhiên. Việc lún này sẽ còn tiếp tục và còn kéo dài, thời gian bao lâu thì chưa biết được.
Chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát không hiểu thiết kế
Khác với bị cáo Liêm, bị cáo Trần Đại Minh, nguyên trưởng phòng thiết kế Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – Bộ GTVT là chủ nhiệm đồ án thừa nhận phía thiết kế có một phần lỗi dẫn đến sự cố lún hầm chui Văn Thánh 2.
Lý giải trách nhiệm của mình, Minh cho rằng: Thứ nhất do nhận thức bị cáo không lường trước được việc thiết kế hầm chui Văn Thánh 2 bằng các biện pháp kỹ thuật (đóng cừ tràm) đối với công trình này có thể dẫn đến sự cố; Thứ hai, trong đồ án thiết kế không ghi rõ nội dung “chỉ được thi công phần hầm chui sau khi gia tải nền đường (tức nền đã ổn định, không còn khả năng lún)” vì nghĩ rằng các bên liên quan (thi công, giám sát và chủ đầu tư) đọc bản vẽ là phải hiểu điều này. Bị cáo Minh cho rằng đây là những thiếu sót của mình và xin nhận trách nhiệm.
2 bị cáo Dương Quang Vinh, nguyên Đội trưởng đội thi công số 3 thuộc công ty 621 và Trần Thanh Hương (tư vấn giám sát) cho rằng do hồ sơ thiết kế không ghi rõ phần thi công hầm chui sau khi gia tải nền đường nên các bị cáo cứ nghĩ là hai công trình (hầm chui và nền đường) thi công cùng một lúc(?!) Nếu thiết kế ghi rõ “thi công hầm chui sau khi đã gia tải nền đường thì bị cáo không làm cùng lúc hai công trình “ – bị cáo Vinh giải thích.
Lún là do… kẹt xe!?
Bị cáo Trần Thanh Hương, nhân viên Phân viện khoa học công nghệ giao thông vận tải phí
Hương cũng chính là người đã viết ra những lời cảnh báo với hồ sơ thiết kế của Lê Thanh Liêm rằng, cần có biện pháp chống lún khác mới đảm bảo độ an toàn khi khai thác công trình. Vậy mà chính Hương lại là người cho phép bên thi công đốt cháy giai đoạn quan trọng nhất (gia tải nền đường) dẫn đến sự cố lún hầm, đường.
Khi được hỏi điều gì đã tác động làm cho bị cáo thay đổi hoàn toàn tư tưởng như vậy? Bị cáo Hương trả lời do áp lực kẹt xe tại vòng xoay ngã tư Hàng Xanh rất lớn, cần phải làm gấp đường Lê Thánh Tôn nối dài để giải tỏa nạn kẹt xe (UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu), vì vậy bị cáo cho thi công đốt cháy giai đoạn.
Về trách nhiệm của tư vấn giám sát, bị cáo Hương cho rằng không riêng gì bị cáo mà các bị cáo khác cũng không thường xuyên có mặt tại công trường. Lý giải việc không thường xuyên giám sát nhưng lại ký vào các biên bản nghiệm thu: đã đối chiếu thực tế, đúng thiết kế, đồng ý cho thi công giai đoạn tiếp theo”, Hương cho biết có nghe đơn vị thi công báo cáo chuyển vật tư vào, còn vật tư đó thi công ra sao bị cáo không nắm được.
Bị cáo Đỗ Văn Hùng, nguyên nhân viên Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cũng lý giải, do muốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, giải tỏa kẹt xe nên bị cáo đã chấp nhận cho đơn vị thi công đốt cháy giai đoạn.
Ngày mai (5/5), phiên tòa tiếp tục.
- Gia Khang