221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
791436
Hành trình lừa đảo của “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hành trình lừa đảo của “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi
,

(VietNamNet) - Lập công ty ma, chiếm đoạt hàng triệu USD... Bằng cách nào, một cá nhân như Nguyễn Đức Chi có thể thực hiện được hành vi lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng như vậy?

 

VietNamNet khởi đăng loạt bài “Hành trình lừa đảo của “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi”, nhằm cung cấp đến bạn đọc thông tin để thấy rõ hành vi lừa đảo đã từng gây rúng động trong dư luận.

 

Kỳ I: Lập công ty ma, vẽ chữ ký giả

 

(VietNamNet) – Với thủ đoạn lập công ty ma, làm con dấu giả Nguyễn Đức Chi đã chiếm đoạt trên 5,2 triệu USD và 45ha đất ở dự án Rusalka (ở Nha Trang)...

 

Với một số kiến thức, khả năng tạo mối quan hệ và sự liều lĩnh vốn có, Nguyễn Đức Chi đã thực hịên thành công hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây xôn xao dư luận.

 

Lập công ty ma

 

Vào ngày 01/11/2002 và 02/01/2003, với danh nghĩa Giám đốc kinh doanh Công ty Arabella, Nguyễn Đức Chi ký 2 hợp đồng mua bán gạo với ông Nguyễn Thọ Trí, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh (Cty XNK Trà Vinh).

 

Nguyễn Đức Chi.

Cả 2 hợp đồng trên được ký với điều kiện thanh toán theo giá FOB (viết tắt của “Free on board” - người bán chịu trách nhiệm cho đến khi hàng hoá đã được chất xong trên tàu) tại Cảng Sài Gòn, theo phương thức chuyển tiền bằng điện trả chậm trong thời gian 90 ngày, mà không cần mở L/C để đảm bảo thanh toán hợp đồng theo quy định.

 

Thực hịên hợp đồng, từ ngày 10 đến 27/01/2003, Cty XNK Trà Vinh giao 31.488 tấn gạo, trị giá trên 5,99 triệu USD. Nhưng sau đó (từ ngày 30/1 đến 16/6/2003), Nguyễn Đức Chi chỉ mới thanh toán cho Cty XNK Trà Vinh 713.100 USD qua 4 lần chuyển tiền.

 

Khi vụ việc việc bị phát giác, cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an (phía Nam) can thiệp, Nguyễn Đức Chi tiến hành gán nợ bằng căn nhà ở phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM có trị giá 700 ngàn USD. Và được Công ty Lâm Viên, thuộc Bộ Quốc phòng chuyển 43,5 tỷ đồng trả nợ thay cho Nguyễn Đức Chi theo thoả thụân giữa Công ty Lâm Viên với Nguyễn Đức Chi.

 

Nhưng trên thực tế, khi ký hợp đồng mua bán gạo với Cty XNK Trà Vinh, Nguyễn Đức Chi đã tạo nên “Công ty ma” Arabella. Công ty mà Nguyễn Đức Chi đứng tên là Giám đốc kinh doanh hoàn toàn không có thật, chưa hề có hoạt động kinh doanh tại Nga hoặc Mỹ như lời của Nguyễn Đức Chi đã nói với đối tác.

 

Trước đó, khi ký hợp đồng với Giám đốc Cty XNK Trà Vinh, Nguyễn Đức Chi từng nói về khả năng làm việc và khối tài sản của mình thông qua việc giới thiệu hoạt động của Nhà máy giầy của mình ở Tula, Trung tâm Cosmos và dự án Rusalka.

 

Với thủ đoạn đó, sau khi nhận 31.488 tấn gạo, Nguyễn Đức Chi không thanh toán và chiếm đoạt 5,281 triệu USD.

 

Chiếm đoạt 45ha đất dự án Rusalka

 

Liên quan đến vụ chiếm đoạt quyền sử dụng 45ha đất ở dự án Rusalka (Khánh Hoà), Nguyễn Đức Chi đã thực hiện nhiều hành vi gian dối để đạt được mục đích của mình.

 

Theo đó, ngày 23/12/1999, với danh nghĩa Đại dịên uỷ quyền của các nhà đầu tư thuộc Công ty Elaitrox, DHL Cargo và Luzhniky DHL, Nguyễn Đức Chi gởi hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin thành lập Công ty Rus – Invest – Tur (viết tắt là R.I.T), với số vốn pháp định góp vào xây dựng dự án là 4,5 triệu USD. Thời gian hoàn thành góp vốn trong vòng 12 tháng, kể từ khi Công ty R.I.T được cấp phép.

 

Một phần dự án khu nghỉ mát Rusalka đang bị bỏ hoang.

Trong hồ sơ xin cấp phép hoạt động cho Công ty R.IT, Nguyễn Đức Chi cam kết tổng số vốn đầu tư vào dự án Rusalka là 15 triệu USD. Trong đó, số vốn pháp định đã có 4,5 triệu USD, số vốn còn lại là 10,5 triệu USD sẽ do các nhà đầu tư vây từ các tập đoàn tài chính Quốc tế.

 

Đồng thời, Nguyễn Đức Chi cũng cam kết hoàn thành xây dựng dự án trên trong vòng 28 tháng, kể từ khi được cấp phép.

 

Tuy nhiên, để cũng cố lòng tin đối với cơ quan quyết định sự ra đời của Công ty R.I.T, trong hò sơ xin cấp phép đầu tư, Nguyễn Đức Chi không quên giới thiệu mình có 1 dự án đã tiến hành ở Việt Nam là Trung tâm giải trí Cosmos với 100% vốn nước ngoài, vốn đầu tư 5,1 triệu USD và Trung tâm giải trí đó đã hoạt động từ tháng 12/1998 tại Hà Nội.

 

Sự thật, từ năm 1999, Trung tâm giải trí Cosmos đã bị thua lỗ nặng, bản thân Chi không thanh toán được tiền thuê nhà với Công ty Địên tử Giảng Võ và đang bị công ty này kiện ra toà án Hà Nội.

 

Đặc biệt, qua xác minh, các chữ ký liên quan đến Công ty Elaitrox, DHL Cargo và Luzhniky DHL trong hồ sơ xin thành lập Công ty Rus – Invest – Tur, đều do Nguyễn Đức Chi tự ký. Và trên thực tế, những công ty này vẫn chưa hề đầu tư vào dự án Rusalka.

 

Lúc khám xét nơi cư ngụ của Nguyễn Đức Chi ở Nha Trang, lực lương cảnh sát đã phát hiện và thu giữ 3 con dấu của 3 công ty Elaitrox, DHL Cargo và Luzhniky DHL. Và Chi cũng thừa nhận, số dư trong 3 tài khoản của 3 công ty trên cũng không đúng, mà do chính Chi nhờ các Nhân hàng ở Nga thực hịên cho phù hợp với yêu cầu hồ sơ xin đầu tư.

 

Nhưng chính những hành vi lừa đảo trên đã qua mặt cơ quan chức năng, để sau đó, Nguyễn Đức Chi được cấp phép đầu tư vào dự án Rusalka.

 

Chính quyền địa phương có tiếp tay?

 

Sau khi được cấp phép đầu tư vào dự án Rusalka, Nguyễn Đức Chi bị khủng hoảng tài chính. Không có khả năng thực hiện góp đủ vốn pháp định như đã cam kết với Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Không có tiền xây dựng dự án.

 

Nhằm thoát khỏi khủng hoảng tài chính cá nhân, Nguyễn Đức Chi tiếp tục nghĩ ra những chiêu lừa, nhằm hợp thức hoá việc góp vón pháp định của 3 công ty TNHH Nga xin đầu tư vào dự án như đã nói ở trên.

 

Nguyễn Đức Chi (bìa trái) ngày bị bắt khẩn cấp (25/6/2005) tại Nha Trang. Ảnh: Lan Trang

Cuối năm 2003, Nguyễn Đức Chi thông đồng với Mehmetkin và Phạm Tiến Dũng (Tổng GĐ và Phó TGĐ Công ty R.I.T) ký biên nhận tiền với bà Phạm Thuý Ngân, làm hồ sơ giả để Phạm Tiến Dũng thay mặt bà Ngân ký hợp đồng góp vốn thay Công ty DHL Cargo và Luzhniky DHL với số tiền gần 1 triệu USD.

 

Để có tiền xây dựng được dự án, vào thời gian trên (cuối năm 2003), Nguyễn Đức Chi và Mehmetkin ký hợp đồng tín dụng trung hạn, ký hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất, ký hợp đồng bảo lãnh với Nhân hàng Thương mại cổ phần Quân đội.

 

Dựa vào đó, ngày 01/12/2003 và 13/01/2004, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội đã phát hành 2 chứng thư bảo lãnh để Công ty R.I.T xây dựng dự án Rusalka.

 

Ngoài ra, còn ký giả chữ ký của Onga, Xécgây trong nghị quyết của HĐQT Công ty R.I.T, đồng ý đưa bà Ngân lên làm Phó Chủ tịch HĐQT để nâng khống vốn đầu tư vào dự án.

 

Như vậy, ngay từ giai đoạn lập hồ sơ xin giấy phép đầu tư, Nguyễn Đức Chi đã không trung thực. Nếu, vụ việc không bị phát giác, thì số tiền thuê đất ngân sách sách Nhà nước không thu được rất lớn.

 

Đặc biệt nghiêm trọng, sau khi được cấp sổ đỏ, được quyền sử dụng 45ha đất trong dự án Rusalka, Chi đã sử dụng sổ đỏ để tiếp tục thực hịên hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tìm cách bán đất dự án.

 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều dấu hỏi đặt ra chung quanh việc: Trong quá trình triển khai dự án, do không có tiền để đầu tư nên dự án bị kéo dài quá thời gian cam kết (tháng 12/2003), nhưng UBND tỉnh Khánh Hoà và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã không kiểm tra kiểm soát tiến độ góp vốn của Nguyễn Đức Chi. Không tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Không ký hợp đồng thuê đất. Không thu tiền thuê đất mà cho miễn 7 năm(???)

 

Và tại sao, khi phát hiện Nguyễn Đức Chi vi phạm giấy phép đầu tư, nhưng cơ quan chức năng vẫn không thu hồi theo quy định, mà vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất thuê, đề Nguyễn Đức Chi tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo khác???

 

  • Phan Công – Hà Trường

Nguyễn Đức Chi không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án khu nghỉ mát Rusalka. Thế nhưng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn không thẩm định được khả năng tài chính của Nguyễn Đức Chi, vẫn tiếp tục báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc cấp phép cho Nguyễn Đức Chi.

 

Vậy, trách nhiệm của cán bộ và lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư ở đâu? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi kỳ II: Vai trò của Bộ KHĐT trong vụ Nguyễn Đức Chi

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,