(VietNamNet) – Tướng Oánh có nhận và nhận bao nhiêu tiền?. Trong khi lời đáp còn ở phía trước, ông chấp nhận mọi câu chất vấn của chúng tôi liên quan đến cách hành xử và tính trung thực của ông. Không chỉ phân trần mà còn là những giải trình đáng suy ngẫm. Xin giới thiệu để rộng đường dư luận...
>> Xem videoclip tại đây
>> Giải trình của Tướng Oánh bị nghi chưa trung thực
>> Ông Cao Ngọc Oánh: "Tôi mong sự việc sớm rõ ràng"
Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh tại buổi trả lời phỏng vấn độc quyền VietNamNet chiều 11/4. |
Chiều hôm nay (11/4), Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh đã trả lời thẳng thắn trước những vấn đề "khó chịu" mà VietNamNet đặt ra:
"Tôi nói vì danh dự của hôm nay và cho ngày mai"
- Thưa Thiếu tướng, vụ tiêu cực PMU18 đã phanh phui đến "mảng tối" rất "nhạy cảm": Chạy án. Có những thông tin hiện nay cho rằng Thiếu tướng là một mục tiêu mà bọn tội phạm nhắm đến thông qua Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế"). Ông có bình luận gì trước chuyện này?
Luật Tố tụng hình sự quy định hết sức chặt chẽ bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án. Quy trình này được thực hiện ở người thuộc các cơ quan khác nhau. Trong một vụ án mà muốn "chạy" cho đến cùng thì phải chạy tất cả các cơ quan tố tụng, chạy từ anh điều tra đến anh xét xử.
Nếu như chạy được khâu nào đó thì khâu sau sẽ phát hiện (chạy công an thì viện sẽ phát hiện, chạy viện thì toà sẽ phát hiện, chạy toà thì công an sẽ phát hiện mà chạy công an thì quay lại viện sẽ phát hiện...).
Chạy "thủng" tất cả các khâu trong vụ án là điều rất hiếm trong thực tiễn, vì thế nên vấn đề chạy án là rất khó chứ không đơn giản.
"Một người tiến hành tố tụng nào dù bình thường chứ không phải chờ đến Thủ trưởng cơ quan điều tra cũng hiểu ngay được ý đồ của đối tượng cho nên phải tự đề kháng", tướng Oánh nói. |
Còn trong vụ án PMU18 này thì thực tình công tác trinh sát được đặt ra là đã rất rõ ràng. Sau khi bắt Hưng thì báo chí đã lên tiếng là "con bạc triệu đô" ngay và chính vì điều đó cũng là một hạn chế cho việc chạy án và cũng là một cảnh tỉnh quan trọng cho những người tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra vụ án này.
Xin nhắc lại, đây là thời điểm Bùi Tiến Dũng tổ chức chạy án theo kết quả điều tra hiện nay phản ánh. Nhưng cũng là thời điểm mà các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng đã nhận thức được tính chất tội phạm và phải phát sinh ý thức tự bảo vệ mình ngay.
Vì vậy trong thực tiễn vụ án này là rõ ràng đã có đối tượng tổ chức chạy. Nhưng, đến được không, chạy trót lọt không lại là vấn đề phải thông qua kết quả điều tra.
- Ông nói như vậy, nhưng rõ ràng việc Bùi Tiến Dũng tổ chức 4 đường dây chạy án là có thật?
Đến nay, quan sát lại toàn bộ quá trình điều tra, chưa có một quyết định nào sai lệch kể cả chỉ đạo cũng như trong tổ chức thực hiện, từ bắt đến phê chuẩn khám xét, lệnh giam v.v...
Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã làm đúng chức trách của mình. Đến nay, các đối tượng bị bắt đã nhận tội chạy án và chạy đến nhiều người tiến hành tố tụng nhưng không thực hiện được hành vi hối lộ này. Đây là mấu chốt của vấn đề.
Đó là những căn cứ cơ bản để chúng ta nhận xét khách quan rằng Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bị chạy án đã không bị mua chuộc để làm lệch bản chất vụ án có lợi cho bị can. Điều đó đến nay có thể khẳng định được: đã có ai “ra cái gì” đâu, đã ai “làm cái gì” đâu.
Đến ngày 20/3, vụ án vẫn do tôi chỉ đạo. Tôi theo dõi hồ sơ vẫn đầy đủ thì không thể nói quá trình đó người ta đã chạy được án và bản thân tôi có dính đến chuyện chạy án.
"Cần phải khách quan để nhìn nhận mối quan hệ thuần tuý với các quan hệ tội phạm và hoạt động điều tra phải rất khách quan cầu thị để một mặt không để lọt tội phạm, mặt khác cũng không được làm oan người vô tội đó là mục tiêu cao cả của hoạt động điều tra và với các vụ án nói chung cũng như vụ án PMU18 nói riêng", ông Oánh nói. |
- Nhưng với vai trò là một Thủ trưởng cơ quan điều tra, có thể ông là một đối tượng là mục tiêu mà tội phạm muốn "bắn thủng"?
Có hiện tượng mấy ngày nay cũng làm nhức nhối dư luận, đặc biết đối với tôi là khá nhức nhối. Cá nhân tôi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao trách nhiệm "đứng mũi chịu sào" trên mặt trận chống các loại tội phạm ma tuý, hình sự, kinh tế, tệ nạn xã hội...
Không lẽ gì trong vụ án này, hôm trước báo đã nói rằng tôi là "khắc tinh chống tham nhũng", hôm sau lại bảo tôi là người liên quan đến vụ án. Bản chất con người không dễ gì thay đổi một sớm một chiều
Vì tôi là một thủ trưởng điều tra người có vai trò tố tụng cao ở trong hoạt động điều tra thì là mục tiêu của đối tượng điều tra là điều dễ nhìn thấy nhưng vấn đề mục tiêu đó có bị đánh thủng hay không là vấn đề rất khó khăn chứ không phải đơn giản.
Tôi có thể khẳng định: Tôi không thể đánh thủng. Tôi nói điều này trên tư cách danh dự cá nhân tôi, cả hôm nay và cho cả ngày mai.
Cáu gắt chứ không mạt sát (?!)
- Quá trình điều tra vụ án này có thể nói rất đau xót. Đã có những cán bộ chiến sĩ trong ngành liên quan, và bây giờ lại có thông tin ông có "dính dáng". Trong khi đó, quá trình điều tra vụ án được biết là rất căng thẳng?
Nếu nói dính dáng đến công an là nói đến dính dáng đến khâu nào? việc gì? phải làm cho rõ. Còn nó (tội phạm - NV) tấn công đầu tiên là tấn công vào công an, vì công an là cơ quan triển khai hoạt động tố tụng đầu tiên.
Cho nên nếu nói là đau lòng thì phải xem xét cụ thể đã có ai, cụ thể là cá nhân nào, gục ngã trước "viên đạn bọc đường" hay chưa.
- Ông giải thích thế nào về nội dung cuộc điệm đàm mà theo thông tin hiện nay cho thấy là khá căng thẳng, nếu không dùng chữ "mạt sát", giữa Thủ trưởng cơ quan điều tra Cao Ngọc Oánh với một Trưởng phòng của C14 đang trực tiếp điều tra vụ án?
Báo chí cũng đã biết sau bắt Dũng (Bùi Tiến Dũng - NV) được khoảng 3 ngày là Thủ tướng triệu tập một cuộc họp có cả Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng... của Bộ Công an để báo cáo Thủ tướng về việc bắt Bùi Tiến Dũng. Lý do là vì Bùi Tiến Dũng có liên quan đến các dự án ODA, mà vấn đề ODA là vấn đề nhạy cảm trong hoạt động đầu tư đối với nền kinh tế nước nhà.
Tôi nhận thức điều đó mà đưa hết trách nhiệm để làm chứ không có động cơ riêng tư gì trong vụ án này.
Trước đó, tôi đã nhắc bắt Bùi Tiến Dũng thì cần phải thực hiện đúng cơ chế thông tin, cơ chế báo cáo, mà đặc biệt tôi là Thủ trưởng cơ quan điều tra. Nhưng hôm đó anh em phát hiện được tình tiết khẩn cấp nên anh em đã bắt đúng khoảng độ 3 - 4 giờ chiều ngày 20/1/2006.
Khi anh em bắt Dũng thì tôi đang ở tại Hà Nội. Vậy thì phải báo cáo cho tôi dù khẩn cấp hoặc không khẩn cấp. Đó là cơ chế trách nhiệm báo cáo. Những đối tượng như thế này (Bùi Tiến Dũng - NV) nếu bắt, về cơ chế cấp uỷ đã quy định là phải báo cáo cho Thường vụ Đảng uỷ, cho lãnh đạo Tổng cục cảnh sát.
Dù Cơ quan điều tra có quyền, hoặc tôi ra lệnh, thì tôi cũng phải báo cáo cho Thường vụ trước để nghe toàn diện, sau đó mới tiến hành bắt.
Nhưng ở đây anh em bắt mà không có báo cáo nào cho nên tôi phật ý là như vậy. Nên tôi điện nhắc nhở về cơ chế, về trách nhiệm báo cáo. Đó là trách nhiệm của tôi. Anh em làm đúng thì điều đó rất đáng hoan nghênh. Nhưng nói đến tố tụng là nói đến trách nhiệm cá nhân. Nếu anh em làm sai thì không những anh em phải chịu trách nhiệm, mà cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhà nước.
Có thể tôi cáu gắt một chút nhưng không phải là mạt sát như báo chí nói (?!).
Ông Oánh còn nhắn tin cho Dũng "Huế", chứ không chỉ gọi
- Một mấu chốt khá quan trọng trong vụ án này là bị can Tôn Anh Dũng (Dũng "Huế"), ông đã có lời giải thích với báo chí về mối quan hệ giữa ông và Dũng "Huế". Nhưng vấn đề đặt ra: đã bao giờ Dũng "Huế" nhờ ông, bằng quan hệ của cá nhân ông, gây ảnh hưởng trong việc làm ăn của Dũng "Huế" với các công ty khác?
Tôi có thể khẳng định: Chưa bao giờ. Dũng "Huế" ở Huế chứ không phải ở Hà Nội, nhà ở Huế, doanh nghiệp cũng ở Huế... Nhưng Dũng cũng còn là một thành viên của Tổng công ty Sông Đà, trụ sở ngay ở trước nhà tôi. Cho nên Dũng Huế mỗi lần ra Hà Nội là ghé chơi với tinh thần là anh em cùng quê với nhau.
Thực chất là Dũng "Huế" là người gốc Huế nhưng sinh ra và trưởng thành tại quê tôi. Tôi và Dũng biết nhau cũng vài năm nay, vì cơ quan Dũng gần nhà tôi, nên Dũng cũng hay lui tới mỗi khi ra Hà Nội. Nhưng tôi khẳng định: Dũng "Huế" chưa bao giờ nhờ tôi việc làm ăn gì cả.
- Vậy, ông có thể khẳng định: Có hay không trong vụ PMU18, Dũng có lần nào đến gặp ông trực tiếp hoặc gọi điện thoại hỏi thông tin về diễn biến của vụ án hay mức độ phức tạp của vụ án không?
Không có chuyện điện thoại để hỏi. Cũng có lần Dũng "Huế" có sự quan tâm nhưng dè dặt là: Chuyện PMU18 có qúa phức tạp không anh? Tôi bảo "cậu có trách nhiệm gì mà hỏi ba việc này?". Thế là xong. Khi trả lời tôi còn trợn mắt lên nữa, nên Dũng cũng không dám nói gì thêm.
- Vậy tại sao lại có sự khác nhau trong nội dung hai bản tường trình về bữa cơm tại khách sạn Melia của Thiếu tướng và ông Đoàn Mạnh Giao. Sau đấy thì có cuộc đối chất hôm vừa rồi. Ông có thể giải thích lý do ?
Nói đối chất là không đúng. Chúng tôi đến đó để trao đổi, báo cáo với Uỷ ban kiểm tra Trung ương về bữa cơm hôm đó và mối quan hệ diễn ra bữa cơm. Bữa cơm diễn ra giữa tháng 1/2006.
Thực tình tôi với anh Giao (ông Đoàn Mạnh Giao - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - NV) và anh Tùng Lâm (ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - NV) biết nhau độ khoảng 4 - 5 năm nay. Nhưng đấy là bữa cơm đầu tiên được ngồi ăn cơm với nhau.
Thực tình, Tôn Anh Dũng có mời tôi rằng "Anh Giao, anh Lâm mời anh ra ăn cơm ở đây" (ở Melia). Tôi đã nói là bận lắm, chưa chắc đi được. Sau đó Dũng lại điện cho tôi, tôi bảo "ừ, thì anh ra một chút rồi anh lại về làm việc".
Nhưng mà …trước sau thì cũng là bữa cơm. Trong một bữa cơm có người đi trước, người đi sau, người đi gần hơn đến trước, người đi xa hơn đến sau.
Thật tình, dù thụ động nhưng khi nói đến các anh tôi cũng có một sự cả nể. Bởi, dù làm ở vị trí công tác như thế nào, nhưng cũng cần có những sinh hoạt thân thiện qua một bữa cơm.
- Tại thời điểm bữa cơm giữa tháng 1 đấy, thì trước đó được biết là quá trình trinh sát của vụ án này diễn ra đã khá lâu. Ông đã nhận được một nội dung thông báo hay tình tiết thông tin gì đấy trong hồ sơ vụ án là vụ án này có liên quan đến Tôn Anh Dũng không?
Trong vụ án này chưa bao giờ xuất hiện Tôn Anh Dũng, cho đến ngày 13/3/06 tôi được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu giải trình việc tôi bị tố cáo: "Tôi chạy án". Lúc đó tôi mới nghĩ đến vai trò của Tôn Anh Dũng.
Ngày 16/3 tôi đã làm ngay một báo cáo để gửi cho cơ quan chỉ đạo và Ban Chuyên án là nếu có một tài liệu gì liên quan đến Tôn Anh Dũng thì hãy tổ chức điều tra ngay, có đối sách ngay để xem xét và xử lý sớm.
Tôn Anh Dũng- tôi nghi là vì quá trình có xin dự án ở đâu đó ở bên PMU18 và trong số liên quan đến PMU18 đó thì cũng chỉ có cậu này mới có thể dám chạy đến tôi, chứ không có ai dám đến. Cũng ngay trong giải trình này tôi cũng nói rõ trước đó khoảng 4, 5 ngày có một bữa cơm.
Các tài liệu này là do tôi chủ động nêu ra để ban chuyên án cùng làm, chứ tôi không dấu diếm. Chi tiết bữa cơm cũng bắt đầu bằng báo cáo của tôi.
- Vậy sau khi Tôn Anh Dũng qua Thái Lan, ông có tìm cách nào đấy liên lạc với Dũng "Huế" không?
Dũng có gọi điện về một, hai lần.Tôi biết Tôn Anh Dũng đã cầm tiền của bọn này chỉ sau khi Tôn Anh Dũng báo tin về thừa nhận chính Dũng đã cầm số tiền đó (30.000 USD - NV). Còn trước đó quan hệ của tôi và Tôn Anh Dũng diễn ra bình thường, trừ khi tôi nhận được yêu cầu viết đơn giải trình thì tôi có nghi ngờ đến cậu.
Còn việc điện thoại thì tôi chỉ điện để tôi nói với thằng nhỏ bị ung thư phổi (con trai Dũng "Huế" bị bệnh đang điều trị ở Thái Lan - NV). Không chỉ gọi, tôi có nhắn một tin là "cháu cố gắng điều trị thật tốt, vui vẻ lên để sớm về học với các bạn, các bạn ở Huế đang chờ cháu đấy".
Tin nhắn cũng vì tình cảm giữa mình với trẻ thơ, chứ không phải nhắn tin để nói gì đến chuyện tính toán chạy án cả là vì không nhận thức nổi là thằng Dũng nó cầm cái gì.
Việc liên lạc giữa tôi với Dũng chỉ là tình cảm thuần tuý. Vậy nên xin đừng có gắn các cuộc điện thoại 1-2 lần để coi đó là thông tin để đối phó với CQĐT. Đừng có gắn như thế, gắn như thế là rất oan.
- Vậy ông có tin được không, về thông tin Dũng từ Thái Lan gọi điện cho gia đình đưa 6 tỷ gửi vào ngân hàng, nhưng Dũng lại giải thích với các cơ quan báo chí bằng một bức email rằng: "vì nhà tôi nghèo quá cần tiền cho con chữa bệnh". Trong khi đó, số tiền chạy án Dũng cầm chỉ tương đương với 480 triệu?
Nếu Dũng nói điều đó thì Dũng không thành thật, vì Dũng làm kinh tế đã khá lâu. Trước hết phải xác định 6 tỷ đó là của ai. Rồi khai thác Dũng phải khai ra: tiền của nó hay tiền của công trình v.v... Phải xem từ tài khoản, từ tiền mặt là như thế nào? Phải hỏi nó là tại sao có tiền, để nó phải giải trình chuyện này... Chứ tôi không biết được kinh tế của cậu này
- Trong ngày hôm nay (11/4), các báo vừa đưa tin là trong quá trình Dũng ở Thái Lan, còn ông ở Việt Nam, lại có đến 5 cuộc điện thoại trao đổi giữa ông và Dũng. Lại có thêm một chi tiết rất đáng nghi ngờ là khi Dũng về đến Nội Bài, Dũng đập tan máy điện thoại của mình và vứt lại trên máy bay. Ông bình luận sao về những chi tiết đó?
Việc đó là hành động chủ quan của Dũng. Tôi cũng không đoán ra. Bây giờ phải hỏi thật tốt để cậu này phải trình bày một cách khách quan. Ngay cả khi nó bị bắt tôi cũng chỉ biết là nó bị bắt thế thôi. Tôi không quan tâm, vì công việc của tôi thực sự rất bận.
Vẫn "vô tư và lạc quan" trước những nghi ngờ !?
- Ông có biết Bùi Tiến Dũng không?
Bùi Tiến Dũng tôi biết, khoảng 3 năm nay nhưng gặp gỡ vài ba lần. Có lần thì ngẫu nhiên chứ không biết nhà, không biết số điện thoại, không bao giờ liên lạc bằng điện thoại
- Vậy ông có bao giờ tự ngồi phân tích là tại sao nhiều luồng thông tin bây giờ đang hướng sự nghi ngờ ông là một đầu mối, mấu chốt trong vụ chạy án này không?
Một là, hình như vai trò của tôi to quá trong hoạt động điều tra vì là Thủ trưởng mà (cười)
Thứ hai, là rõ ràng đang nhằm vào tôi là theo ý đồ của Bùi Tiến Dũng.
Ba là, phải xem lại cung cách làm. Tôi cũng là đối tượng chạy, Viện kiểm sát cũng đối tượng chạy, anh em điều tra khác cũng là đối tượng chạy... Nhưng hình như tôi là "người quan trọng" nên được báo chí quan tâm hơn thôi. Thực lòng tôi chỉ làm đúng pháp luật và chỉ làm đúng công việc được phân công.
- Bị nghi ngờ đến vậy, thế cảm giác của ông hiện nay thế nào?
Vô tư và lạc quan. Tất cả cứ để cho anh em điều tra làm một cách khách quan, đầy đủ trách nhiệm để kết luận sớm vấn đề. Đương nhiên báo chí nói như thế,có thể làm cho nhân dân, đồng đội của tôi, bạn bè của tôi hiểu nhầm thì người ta sẽ oán trách tôi.
Nhưng xin nhân dân, đồng đội, đồng chí của tôi và anh em của tôi hãy tin thêm một lần nữa: tôi không để xảy ra điều gì tai tiếng làm tổn hại đến thanh danh cá nhân, tổn hại đến thanh danh lực lượng công an nhân dân và tổn hại đến uy tín của Đảng ta trong cơ chế thị trường này.
-Nếu như ông là một người khác, được giao cho điều tra vụ chạy án này, thì khoảng bao lâu có thể có kết luận được là có cán bộ bị "đâm thủng" hay không?
Hiện đã có đầy đủ các yếu tố để khai thác triệt để các đối tượng, và các đối tượng cũng đã bị bắt giữ rồi. Cho nên sử dụng các hoạt động nghiệp vụ và khả năng xét hỏi sẽ điều tra ra ngay. Chỉ cần khoảng 20- 25 ngày, chậm là 1 tháng, có thể có căn cứ để đưa ra những kết luận cơ bản. Nếu muốn làm "tinh" thì cần thêm chút thời gian.
Có tiền thì mới chạy được án, mà chạy thì ai cầm, ai cầm thì đến ai, mà đến ai thì tiền đó bây giờ nằm ở đâu? Lý giải hết mình có thể có đủ các cơ sở dữ liệu
- Nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa có kết luận ông có bị "đâm thủng" hay không. Ông có biết nguyên nhân vì sao không?
(Cười). Điều đó rất tế nhị (?). Nhưng tôi cũng không có căn cứ. Với tư cách người điều tra khi đã không có căn cứ tôi không phát biểu.
- Xin cám ơn ông vì cuộc trao đổi hôm nay.
• Phạm Tuấn - Trường Giang - Phan Công (thực hiện)