(VietNamNet)
- Trần Quang cho mình chỉ là "cò con" trong hơn 1,2 triệu USD rút từ dự án Block 140 chỗ, với số tiền mình đút túi... hơn 171.000 USD.Chiều 6/10, HĐXX tiềp tục thẩm vấn các bị cáo Trần Quang, Cao Duy Chính, Nguyễn Quang Thường về dự án Block 140 chỗ ở khu mỏ Bạch Hổ. Trước tòa, bị cáo Trần Quang thang thở mình chỉ là "cò con" trong vụ chia chác hơn 1,2 triệu USD kiếm được từ dự án Block 140 chỗ.
Quang khai số tiền hơn 1,2 triệu USD tuy thỏa thuận chia 3 Quang - Thường - Hà nhưng thực tế thì Quang chỉ được rất ít. Hai bị cáo Thường và Hà đã lấy gần 1 triệu USD, trong đó Hà 430.00 USD và 100.000 USD cho con rể là Trầng Quang Ngọc còn Thường 430.000 USD. Số còn lại Quang chi Cao Duy Chính 20.000 USD, chi cho Trần Ngọc Giao 70.000 USD, Quang chỉ được hưởng hơn 171.000 USD.
Theo Quang, việc đưa tiền cho Chính là do chỗ tình nghĩa và Chính cũng có công chuẩn bị hồ sơ, thủ tục bỏ thầu dự án Block 140 chỗ. Việc chia tiền cho Quang là do tự bị cáo chia không có bàn bạc hay thỏa thuận gì. Còn việc đưa tiền cho Trần Ngọc Giao là do Giao vòi và số tiền này Trần Ngọc Giao đã mở sổ tiết kiệm để cho con gái đi du học nước ngoài.
Đến lượt Cao Duy chính ra trước vành móng ngựa trả lời thẩm vấn. Trong số các bị cáo, Cao Duy chính có vẻ là người có nhận thức sâu, những câu trả lời của Chính khá rành rẽ, ngắn gọn và đầy thông minh. Chính khai khá rành rẽ về vai trò của mình trong liên doanh Vietsovpetro, là tổ trưởng tổ thi công dự án Block 140 chỗ. Trước khi trúng thầu chính, Chính là người trực tiếp làm việc với phía đối tác Corall để xây dựng dự án, tính giá bỏ thầu.
Chính khai khi xây dựng giá bỏ thầu có 2 phương án được đặt ra, phương án 1 là giá 15,5 triệu USD còn phương án 2 là trên 20 triệu USD. Theo mặt bằng chung của thế giới thì giá thấp nhất là 110.000 USD/đầu người là 15,5 triệu USD. Còn giá cao nhất là 130.000/đầu người thì giá bỏ thầu phải hơn 20 triệu USD. Tuy nhiên, qua tính toán thì Chính và phía Viện Corall đã chọn phương án an toàn lấy giá trung bình giữa là 120.000 USD nên giá bỏ thầu là 17,2 triệu USD. Bởi lẽ nếu chọn giá bỏ thầu thấp rủi ro và lỗ sẽ rất lớn và như vậy chính bị cáo là người phải đưa đầu ra đỡ. Còn chọn giá cao thì khả năng thắng thầu sẽ rất thấp.
Việc sau này giá bỏ thầu được giảm 3% còn 16,9 triệu USD bị cáo Chính nói không biết, việc bàn bạc chia chác sớ tiền hơn 1,2 triệu USD thế nào bị cáo cũng không rõ. Số tiền 20.000 USD mà Chính nhận từ Trần Quang theo Chính đó là tiền InterPet thưởng cho bị cáo. Số tiền này bị cáo nhận tại nhà Trần Quang và bị cáo chỉ nghĩ đó là do InterPet có lãi nhiều trong việc cung ứng trang thiết bị (thầu phụ) cho dự án Block 140 chỗ nên Quang biếu cho bị cáo.
Về số tiền 150 triệu đồng, bị cáo Quang khai đưa cho Chính đó là tiền Chính vay của Quang chứ không có chuyện chung - chi. Số tiền này Chính khai là vay cho bà chị dâu ở Hải Phòng và được chuyển qua tài khoản ngân hàng.
Bị cáo là người có học hành đàng hoàng, có nhận thức tốt nhưng tại sao tiền vay lại đem đi nộp lại, HĐXX chất vấn? Chính giải thích là do lúc bị bắt Chính nghĩ vay thì phải trả nên đã trả cho Trần Quang để khắc phục hậu quả. Còn việc tại sao nộp cho cơ quan điều tra là bị cáo nghĩ nộp vào đấy rồi cơ quan điều tra sẽ cân đối lại!
Cuối buổi chiều, HĐXX quay trở lại thẩm vấn bị cáo Nguyễn Quang Thường thêm 1 số vấn đề về việc đấu thầu và thi công dự án Block 140 chỗ. Tại sao sau khi trúng thầu lại thay đổi hợp đồng nguyên tắc kí với đối tác Corall, Thường khai là do hợp đồng nguyên tác quy định phía Corall chỉ thực hiện 10% giá trị công trình nhưng lại được chia đến 40% lợi nhuận là không công bằng nên thỏa thuận lại.
Sau khi thỏa thuận lại, 2 bên thống nhất phương thức phân chia phần công việc lời ăn lỗ chị nên mới có việc bị cáo cùng Dương Quang Hà và Trần Quang bàn tìm cách lấy 40% lãi của phía Corall để chia nhau.
Ngày 7/10, phiên tòa tiếp tục thẩm vấn các bị cáo còn lại và sau đó chuyển sang dự án sửa chữa Ballast ở mỏ Đại Hùng.
- Gia Khang