(VietNamNet) - Phiên xử phúc thẩm đầu tiên về đòi bồi thường oan sai trong cả nước đã được tuyên: một bản án “dĩ hòa vi qúy”, các bên đều có lợi.
Đúng 9h sáng 30/3, TAND tỉnh Tiền Giang đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do oan sai theo Nghị quyết 388 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội giữa nguyên đơn là ông Bùi Văn Mãnh (trú tại Tân Phú, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) còn bị đơn chính là TAND tỉnh Tiền Giang.
Đây là phiên toà phúc thẩm đầu tiên trong cả nước xét xử vụ kiện thuộc trường hợp nói trên theo kiểu “ta xử ta”. Hội đồng xét xử đã chấp nhận 1 phần kháng cáo và bác 1 phần kháng cáo còn lại của cả nguyên đơn lẫn bị đơn.
Ngày 19/9/1987, ông Bùi Văn Mãnh bị công an tỉnh Tiền Giang khởi tố về tội "giết người, cướp tài sản". Đến ngày 1/12/1989, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm và tuyên phạt ông 16 năm tù về hai tội danh nói trên. Tuy nhiên, trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 10/12/1991, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên ông vô tội. Ngày 15/12/2003, công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định đình chỉ điều tra vì không có cơ sở xác định ông Mãnh thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày 9/11/2004, vụ kiện này được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Gò Công Tây. Ông Mãnh đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần là 1,26 tỷ đồng nhưng chỉ được toà tuyên chấp nhận hơn 146 triệu đồng. Sau khi xử sơ thẩm, cả ông Mãnh và TAND tỉnh Tiền Giang đều kháng cáo.
Ông Mãnh cho rằng việc TAND huyện Gò Công Tây chỉ chấp nhận 146 triệu đồng là quá thiệt thòi đến quyền lợi của ông nên ông kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Sau khi ông Mãnh kháng cáo, TAND tỉnh Tiền Giang cũng đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng: Bản án của TAND huyện Gò Công Tây tuyên buộc bồi thường cho ông Mãnh 146 triệu đồng là quá chung chung, chưa rõ ràng.
Bản án sơ thẩm buộc TAND tỉnh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay sau khi án có hiệu lực là chưa phù hợp với Nghị quyết 388 và Thông tư liên tịch 01 (hướng dẫn thi hành Nghị quyết 388); buộc phải đóng án phí 6 triệu đồng là chưa thoả đáng vì TAND tỉnh Tiền Giang là cơ quan xét xử không có nguồn thu, không lấy đâu ra kinh phí để đóng án phí nên xin TAND tỉnh miễn án phí; đề nghị TAND tỉnh chỉ rõ qui định của BLDS áp dụng trong trường hợp tuyên bồi thường cho ông Mãnh.
Tại phiên toà, ông Mãnh cho rằng án sơ thẩm chia việc bồi thường thiệt hại về tinh thần thành 2 giai đoạn: Từ khi khởi tố đến khi được tuyên vô tội và từ khi có kháng nghị giám đốc thẩm đến khi được đình chỉ mà bỏ qua giai đoạn từ lúc được tuyên vô tội đến khi bị kháng nghị với lý do trong khoản thời gian này ông không bị khủng hoảng về tinh thần (do được tuyên vô tội) là không thoả đáng.
Ngoài ra ông Mãnh còn kháng cáo yêu cầu cấp phúc phẩm xử buộc TAND tỉnh Tiền Giang phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất như thu nhập thực tế bị mất, cấp dưỡng nuôi con, tổn hại sức khoẻ... cho ông với số tiền như đơn khởi kiện.
Về phần mình, TAND tỉnh Tiền Giang uỷ quyền cho ông Trần Thanh Phương, cán bộ toà này làm đại diện vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đối vớI những yêu cầu của ông Mãnh, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Tiền Giang chỉ chấp nhận 1 yêu cầu kháng cáo. Theo đó, toà cho rằng cấp sơ thẩm xác định việc bồi thường tổn thất tinh thần thành 2 giai đoạn là không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Mãnh. Bởi lẽ, Nghị quyết 388 xác định thời điểm xét bồi thường là từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho đến khi có quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền xác định người đó không phạm tội.
Thời điểm này được xác định liên tục, không có sự ngắt quãng, do vậy cần tính thêm khoản thời gian nói trên là 1 năm 4 tháng 18 ngày, quy ra tiền là 6 triệu đồng (lấy tròn số). Đối với những phần kháng cáo khác, toà tuyên bác đơn vì không có chứng cứ để chứng minh hoặc không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết 388.
Đối với kháng cáo của TAND tỉnh Tiền Giang, Hội đồng xét xử nhận định rằng việc xin miễn án phí (6 triệu đồng) là không trái với qui định của pháp luật nên tuyên chấp nhận. Về việc bản án sơ thẩm buộc TAND tỉnh Tiền Giang phải bồi thường ngay sau khi án có hiệu lực là không đúng, kháng cáo của bị đơn là có cơ sở nên tuyên sửa lại là “TAND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm bồi thường ngay sau khi Bộ Tài chính cấp kinh phí”.
Đối với nội dung yêu cầu nêu điều khoản BLDS áp dụng trong vụ án này, Hội đồng xét xử cho rằng kháng cáo của TAND tỉnh Tiền Giang là không đúng vì vụ kiện này bị điều chỉnh bởi nghị quyết 388 và thông tư liên tịch 01 chứ không phải BLDS nên tuyên bác đơn.
So với bản án sơ thẩm của TAND huyện Gò Công Tây, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang tuy có sửa một phần theo hướng có lợi cho cả ông Mãnh và TAND tỉnh Tiền Giang nên xem ra bản án này có vẻ “dĩ hòa vi quý” cho cả đôi bên.
- Đức Trần - Tấn Thuấn