(VietNamNet)
- Bị kết án oan rồi đòi bồi thường thiệt hại không thành, vợ chồng 1 doanh nghiệp điển hình làm ăn giỏi ở Kiên Giang định nhảy sông tự vẫn.
Mức yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Bạch - bà Na |
1. Thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần: 2. Thiệt hại vể vật chất: - Thu nhập thực tế bị mất : 7,384 tỷ đồng |
Những ngày qua ở xứ biển Rạch Giá - Kiên Giang, từ chợ, quán cafe đến góc hè phố đâu đâu người ta cũng đem chuyện vợ chồng ông bà Hai Bạch ra bàn luận. Người ta trầm trồ về khoản tiền đòi bồi thường quá lớn, sau đó quay sang nghi ngờ:Liệu có cơ quan nhà nước nào chịu đứng ra bồi thường, số tiền ấy lấy ở đâu, những người gây ra oan sai có bị xử lý…? Hàng loạt các vấn đề xoay quanh chuyện vợ chồng ông Hai Bạch bị oan được người dân xứ biển bàn luận khá sôi nổi.
Trên đoạn đường từ bến xe Rạch Giá đến nhà vợ chồng ông Hai Bạch, anh Nguyễn Văn Thành, tài xế xe ôm cho chúng tôi biết, cách đây chừng 10 năm trước, ở cái xứ biển này ông Hai Bạch là người nổi tiếng đi tiên phong đánh bắt xa bờ. Ngày ấy, nhà Hai Bạch có thể nói là giàu có nhất nhì ở đất Kiên Giang này. Còn bây giờ thì… anh Thành thở dài, lắc đầu ngao ngán “hai vợ chồng chỉ còn biết bám vào con cái”.
Tai bay vạ gió
Vợ chồng ông Cao Văn Bạch và bà Tôn Thị Na ở phường Vĩnh Thạnh, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là chủ DN tư nhân Tuấn Sang với chuyên ngành đánh bắt hải sản xa bờ. Từ hai bàn tay trắng phải đi làm thuê cho người khác dần dà vợ chồng Hai Bạch cũng tích cóp mua được chiếc ghe câu tôm, câu mực tự làm thuê cho mình. Rồi sau đó là 2 chiếc tàu trọng tải từ 30 - 40 tấn. Nhờ có tài đánh bắt gia truyền cộng một chút “mát tay” nên thu nhập hàng tháng từ hai tàu cá, sau khi trừ đi các chi phí cũng còn từ 90 đến 100 triệu đồng.
Thấy làm ăn được, năm 1995, vợ chồng ông Bạch - bà Na quyết định dồn hết toàn lực, huy động vốn anh em, bà con, vay Ngân hàng Công thương tỉnh Kiên Giang mở rộng qui mô kinh doanh đầu tư đóng mới thêm 2 tàu có tải trọng 60 tấn với trị giá 2,9 tỷ đồng. Với 4 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, ông Bạch - bà Na trở thành điển hình làm ăn giỏi của ngư dân địa phương.
Đến đầu năm 1997, công việc làm ăn của DN Tuấn Sang gặp một số khó khăn. Trong một lần đi biển, một chiếc tàu trong đội tàu mang ký hiệu 9590 gặp nạn va phải đá ngầm. Thế là cả đội tàu phải tập trung giải vây cho chiếc tàu này và kéo nó về ụ sửa chữa. Tuy lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng bằng kinh nghiệm của mình, vợ chồng ông Bạch - bà Na đã lèo lái việc kinh doanh trở lại quỹ đạo như trước. Mọi việc đang trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết thì bất ngờ, tai họa ập xuống đầu họ. Mọi công sức, mồ hôi, nước mắt bấy lâu họ đã đổ ra đều bị cuốn phăng đổ ra sông ra biển.
Sáng ngày 20/6/1997, gia đình ông Bạch - bà Na cũng như người dân thị xã Rạch Giá khá ngỡ ngàng khi nhận được hung tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang: Ông Bạch - bà Na bị khởi tố về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (CĐTS) XHCN” và tội “ Lạm dụng tín nhiệm CĐTS công dân”.
Ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hai con tàu mới đóng của vợ chồng ông Hai Bạch cũng bị kê biên để phục vụ việc điều tra, xét xử của vụ án. Một số tài sản là bất động sản cũng bị kê biên, cấm chuyển dịch.
Một tháng sau ngày bị khởi tố, ông Bạch bị cơ quan điều tra công an tỉnh Kiên Giang ra quyết định bắt tạm giam, bà Na may mắn được cho tại ngoại điều tra. Tiếp đó, đến đầu năm 1998, lấy lý do nhằm khắc phục hậu quả, các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang buộc gia đình ông Bạch phải bán 2 chiếc tàu cá để nộp vào cơ quan thi hành án chuyển trả cho một số người mà họ xác định là chủ nợ của ông Bạch. Trong khi đó, vụ án vẫn còn trong giai đoạn điều tra, chưa có một phán quyết nào của cơ quan có thẩm quyền. Hai con tàu, đóng mới 2,9 tỷ đồng, nhưng khi đem bán giá chỉ 1,15 tỷ đồng. Điều đáng nói là việc mua bán này không thông qua hội đồng định giá gì cả.
Sau khi “khắc phục hậu quả”, ông Bạch được tạm tha về với gia đình, nhưng cũng chỉ được 1 tháng 8 ngày thì bị bắt lại. Trong suốt thời gian điều tra, truy tố xét xử, ông Bạch - bà Na luôn kêu oan nhưng những tiếng kêu của họ không được các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang xem xét.
Sáu năm với 4 phiên tòa
Sau 10 tháng bị khởi tố, ông Bạch - bà Na bị đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 9/4/1998. Mặc dù tại phiên tòa, hai vợ chồng ông Bạch - bà Na chứng minh rằng những khoản tiền họ vay để đóng mới hai con tàu chỉ là quan hệ dân sự; những khoản nợ đến hạn thanh toán đã được thực hiện xong, chỉ còn lại những hợp đồng chưa đến hạn phải thanh toán cho chủ nợ. Thế nhưng, tất cả những lời nói này đều bị bác bỏ. Hội đồng xét xử TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt ông Bạch tổng cộng 20 năm tù, bà Na 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về hai tội danh nói trên.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Bạch, bà Na làm đơn kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm được mở ngày 17/11/1999, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Căn cứ để hủy án được tòa phúc thẩm nêu ra, thể hiện: Trong các khế ước vay nợ của ông Bạch - bà Na với Ngân hàng Công thương tỉnh Kiên Giang, có hai hợp đồng đã hết hạn vay nhưng được phía ngân hàng gia hạn thêm thời gian trả nợ. Điều này thể hiện vợ chồng ông Bạch không có ý gian dối nhằm chiếm đoạt. Đối với hai khế ước còn lại, khi khởi tố ông Bạch - bà Na vẫn còn đang trong thời hạn được phép nợ.
Như vậy, cái mà các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang cho rằng, ông Bạch bà Na có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN thực ra chỉ là mối quan hệ dân sự thuần túy. Đáng nói hơn, đến ngày xét xử, những khoản nợ này đã được thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi với số tiền gần 1,9 tỷ đồng. Đối với hành vi ông Bạch - bà Na bị cấp sơ thẩm quy kết là “lạm dụng tín nhiệm CĐTS công dân”, Tòa phúc thẩm cho rằng, chưa có căn cứ vững chắc về việc này. Bởi lẽ, trong quá trình điều tra không làm rõ được những khoản vay nợ giữa ông Bạch - bà Na với các chủ nợ đã thanh toán chưa, thanh toán được bao nhiêu.
Sau gần 2 năm điều tra lại, ngày 12/7/2001, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 xét xử vụ án này. Trong lần xét xử lại, TAND tỉnh Kiên Giang xem xét “chiếu cố” cho ông Bạch nên chỉ tuyên phạt 5 năm tù, bà Na bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lạm dụng tín nhiệm CĐTS” theo BLHS 1999. Vẫn không đồng ý với bản án sơ thẩm lần 2, vợ chồng ông Bạch - bà Na tiếp tục kêu oan lên tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM. Ngày 21/3/2002, Tòa phúc thẩm xử phúc thẩm vụ án và tiếp tục hủy án sơ thẩm lần hai vì không đủ căn cứ chứng minh ông Bạch - bà Na có hành vi phạm tội mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm quy kết.
Như vậy sau 4 phiên tòa, vụ án lại quay lại từ đầu. Sau hơn 1 năm điều tra vẫn không chứng minh được ông Bạch - bà Na phạm tội, cuối cùng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đành phải thừa nhận sai lầm của mình khi hình sự hóa quan hệ dân sự trong vụ án này bằng quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Bạch - bà Na. Tại quyết định đình chỉ điều tra ngày 7/4/2003 đã xác định: ông Bạch, bà Na không có hành vi phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm CĐTS” theo quy định của BLHS 1999.
Oan lại chồng oan
Sau 6 năm trời ròng rã kêu oan, cuối cùng công lý và sự thật đã thắng. Ngày nhận được quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, vợ chồng ông Bạch - bà Na vừa mừng vừa tủi. Mừng vì đã được minh oan, tủi vì trong tay họ giờ đây không còn một thứ tài sản gì đáng giá ngoài ngôi nhà hai vợ chồng cùng 6 đứa con đang ở. Từ một “đại gia”, chỉ vì sai lầm của cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang, họ bị đẩy vào cảnh khốn cùng.
Đứa con gái út mới lên 10 đã không thể chịu nổi sự trêu chọc, xa lánh của chúng bạn mỗi khi bước ra đường hay đến lớp đã phải bỏ học khi chưa qua bậc phổ cập giáo dục. Càng đớn đau hơn nữa mỗi khi hai vợ chồng ông Hai Bạch ngước nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh của cậu con trai cả. Trong thời gian Hai vợ chồng ông Hai Bạch bị khởi tố, bắt giam, tất cả công việc gia đình, miếng ăn qua ngày… đều do một tay cậu cả đảm nhận. Ghe tàu không còn, cậu cả phải làm ngư phủ cho các chủ tàu khác. Quần quật ngày đêm trên sóng biển để kiếm tiền lo cho gia đình, có tiền thăm nuôi cha. Thế nhưng, phận rủi vẫn chưa chịu buông tha họ. Một cơn gió độc đã bất ngờ ập đến cướp đi sinh mạng của chàng trai tuổi chưa đến 30.
Sau khi được giải oan, vợ chồng ông Hai Bạch đã gửi hàng chục bộ hồ sơ đến các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang, Trung ương để yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng chẳng thấy cơ quan nào hồi âm. Còn TAND tỉnh Kiên Giang, dù hai lần kết án oan cho vợ chồng ông, đã nhận được 4 bộ hồ sơ kèm theo 4 lá đơn đòi bồi thường thiệt hại nhưng vẫn lặng thinh. Ông kể, mỗi lần đến gửi đơn đều được nhận. Nhưng nhận rồi để đó, không nói không rằng như thể không phải là trách nhiệm của họ vậy. “Với thái độ này của mấy ông tòa Kiên Giang, không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới được bồi thường thiệt hại do bị kết án oan”, ông Bạch bức xúc. Ông Hai Bạch còn cho biết, khi ông nộp đơn khiếu nại đòi bồi thường, cán bộ thụ lý của Tòa, Viện còn bảo: “ông đặt điều, ai bồi thường cho mà thưa với khiếu!”.
Bà Na chua chát: họ bắt giam và bán hết tài sản của vợ chồng tôi thì nhanh lắm, không cần hội đồng, thủ tục gì, nhưng khi chúng tôi yêu cầu bồi thường thì cơ quan nào cũng né. Ngay cả số tiền họ bán tài sản của chúng tôi còn dư 258 triệu đồng mà họ đang tạm giữ, họ cũng không chịu trả lại cho chúng tôi sống. Hơn một năm nay chúng tôi lên xuống đòi hoài, thậm chí có văn bản của Cục Thi hành án yêu cầu trả họ cũng không thèm ngó tới!?
Khi bài báo này chuẩn bị xuất bản, chúng tôi nhận được tin báo khẩn của vợ chồng Hai Bạch rằng, họ đang muốn nhảy sông tự vẫn cho rồi. Qua điện thoại, giọng bà Na nghẹn ngào, uất hận “oan ức quá chú ơi! Chắc vợ chồng tui tự vẫn quá” và bà đã không còn bình tĩnh để nói rõ đầu đuôi sự việc. Ông Hai Bạch cho biết, TAND tỉnh Kiên Giang vừa có thư mời hai vợ chồng ông đến tòa làm việc. Ngỡ rằng họ sẽ xem xét việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị hàm oan của vợ chồng ông và thương lượng mức bồi thường. Nào ngờ, khi hai vợ chồng ông đến trụ sở tòa án thì cán bộ tòa trả hết lại toàn bộ hồ sơ khiếu nại của vợ chồng ông sau 3 tháng "ngâm dấm". Không một văn bản giải thích lý do mà chỉ là bằng miệng cán bộ tòa án cho biết trường hợp của vợ chồng ông không thuộc diện bồi thường oan sai theo tinh thần Nghị quyết 388 của UBTVQH. Vỏn vẹn chỉ có thế và chấm hết.
Không còn cách nào, hai vợ chồng ông vội vã chạy đến TAND thị xã Rạch Giá nộp đơn khởi kiện vụ án đòi bồi thường thiệt hại do bị xử oan. Thế nhưng, Tòa thị xã Rạch Giá đã từ chối không thụ lý với lý do: TAND tỉnh kiên Giang chưa nêu lý do trả hồ sơ. Vậy là nỗi oan của vợ chồng ông Hai Bạch vẫn còn treo lơ lửng, trái bóng giải quyết hậu quả do chính họ đã gây ra nay lại bị họ đá qua đá lại cho nhau.
Đừng để người dân đã bị oan một lần rồi lại phải chờ đợi, “xin xỏ” được bồi thường; đã một lần bị kết án oan lại thêm một lần oan nữa bởi chính sự tắc trách, thiếu thiện chí trong việc sửa sai của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Các trường hợp được bồi thường thiệt hại 1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 2. Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội. 3. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. 4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp nêu trên mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Những người thuộc các trường hợp kể trên nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại cũng được bồi thường. (Trích Điều 1 Nghị Quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11) |
-
Tấn Thuấn