(VietNamNet)
– Khi tòa án xử oan, người bị oan và tòa án không thỏa thuận được việc bồi thường thì người bị xử có thể khởi kiện ra tòa án nhờ phân giải và lúc này tòa sẽ xử tòa.
Tại buổi gặp gỡ báo giới theo định kỳ hàng quý sáng 1/7, ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM cho biết: trong 3 tháng (1/4-30/6/2004), toàn ngành tòa án thành phố thụ lý được hơn 16.713 vụ án các loại. Trong đó, án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình là 3 loại án thụ lý nhiều nhất. Điều đặc biệt là án về hôn nhân gia đình đã có gia tăng đáng ngại. Chỉ tính riêng các tòa án quận huyện trong 3 tháng đã thụ lý đến gần 5.500 vụ ly hôn. Điều này cho thấy những quan hệ về hôn nhân gia đình có nhiều bất ổn đến mức độ đáng báo động.
Do số vụ án thụ lý tăng mạnh nên công việc dồn dập trong những tháng cuối năm còn lại sẽ rất lớn. Bình quân trước đây TAND TP.HCM mỗi tháng lên lịch đưa ra xét xử khoảng 500 vụ thì nay phải lên lịch đưa ra xét xử hơn 650 vụ án (tăng 150 vụ). Bên cạnh đó, việc quyết tâm giải quyết án tồn quá hạn luật định dứt điểm trong năm nay sẽ là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, CBCNV ngành tòa án TP.HCM. Trong 3 tháng qua, TAND TP.HCM đã tập trung giải quyết dứt điểm 569 vụ án trong số 663 vụ án quá hạn luật định đã tồn trong nhiều năm qua. Tuy đã nỗ lực làm việc luôn cả ngày thứ 7 nhưng với nhân sự giới hạn cộng với số án thụ lý tăng nên những vụ án tiền quá hạn đã chuyển sang quá hạn luật định lại nhảy lên con số 659 vụ án quá hạn.
Cũng trong buổi họp báo, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho biết, hôm nay 8 TAND quận huyện gồm: quận 1, quận 3, quận 5, quận 8, quận 9, quận 10, Gò Vấp và Phú Nhuận đã tiến hành tăng thẩm quyền xét xử án hình sự có khung hình phạt lên đến 15 năm tù. Theo kế hoạch của lãnh đạo TAND, cố gắng đến năm 2007, 16 tòa án quận huyện còn lại của thành phố sẽ đồng loạt tăng thẩm quyền các loại án hình sự, phi hình sự. Điều này đồng nghĩa với việc hoàn tất việc tăng thẩm quyền trước thời hạn cho phép của trung ương đến gần 1 nửa thời gian. Việc tăng thẩm quyền, theo ông Danh là có sự cân nhắc, lựa chọn rất kỹ và mang tính đồng bộ về con người, cơ sở vật chất... nên chất lượng xét xử sẽ được đảm bảo ở mức cao nhất.
Xung quanh việc triển khai, áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) trong đó có quy định cho phép bị can trong một số loại tội phạm được phép đặt tiền để tại ngoại, Chánh án Bùi Hoàng Danh cho biết vẫn chưa thể triển khai vì chưa có thông tư hướng dẫn. Bởi tinh thần của điều luật này thì chỉ cho phép áp dụng đặt tiền để tại ngoại đối với một số loại tội phạm nhưng những loại tội nào thì chưa biết. Hơn nữa, số tiền mà bị can phải đặt là bao nhiêu vẫn chưa có quy định.
Về việc giải quyết bồi thường oan, sai do các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng gây ra thì oan sẽ căn cứ theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn sai dẫn đến thiệt hại trong các vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động và thi hành án thì chưa giải quyết do chưa có hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thủ tục giải quyết bồi thường cho người bị kết án oan sẽ thông qua các bước như thương lượng, thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và hình thức công khai xin lỗi… Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì người bị kết án oan có thể khởi kiện vụ án ra tòa án nhờ phân xử và tòa án cấp quận huyện nơi người bị kết án oan cư trú sẽ là tòa án thụ lý vụ việc theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự. Và như vậy, cơ quan chủ quản của người tiến hành tố tụng (tòa án nếu thẩm phán xử oan, VKS nếu phê chuẩn tạm giam, truy tố oan, công an nếu khởi tố, bắt giữ oan) sẽ là bị đơn trong vụ án. Giả sử, trong trường hợp TAND TP.HCM xử oan mà người bị oan khởi kiện ra tòa thì lúc này tòa cấp dưới (quận, huyện) sẽ xét xử tòa cấp trên.
- Tấn Thuấn