221
1405
Lao động
laodong
/xahoi/laodong/
470360
Tạo việc làm cho người tàn tật, khó từ A đến Z
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Tạo việc làm cho người tàn tật, khó từ A đến Z
,

(VietNamNet) - ''Điểm thắt lớn nhất ngăn cản số lượng lớn người tàn tật tiếp cận được với công việc là những hỗ trợ tài chính cho đào tạo nghề'' - Một ý kiến quan trọng được đưa ra sau khi dự án ''Cải thiện các cơ hội và dịch vụ việc làm cho người tàn tật VN'' kết thúc.

Khả quan...

Dự án ''Cải thiện các cơ hội và dịch vụ việc làm cho người tàn tật VN'' là một trong 6 dự án hỗ trợ người lao động được Bộ Lao động Hoa Kỳ thông qua sau chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton đến VN năm 2000. Bộ Lao động Hoa Kỳ đã ký một văn bản thoả thuận với Bộ LĐTB&XH Việt Nam năm 2001. Theo thoả thuận này, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã cấp 650.000 USD cho Tổ chức hỗ trợ NTT Việt Nam để triển khai dự án trong thời gian 2 năm. Dự án được bắt đầu vào tháng 10 năm 2001.

Thông qua dự án này, mỗi trung tâm dịch vụ việc làm đã cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề cho ít nhất 20 NTT. Riêng TP.HCM và Hải Dương đã đào tạo cho 150 người. Kết quả bước đầu cho thấy, 337 NTT đã được cung cấp các dịch vụ đào tạo nghề, 54% tàn tật về khả năng di chuyển, 21% khiếm thính, 8% khiếm thị, 6% thiểu năng trí tuệ và 2% với những tàn tật ghép và những loại hình tàn tật khác nhau. Hầu hết học viên được cung cấp dịch vụ đào tạo về may công nghiệp và sửa chữa máy may công nghiệp, 13% được học thêu, 8% được học điện tử, 7% được ứng dụng công nghệ máy tính và 5% sửa chữa và lắp ráp xe máy. Những người còn lại được đào tạo theo những ngành khác nhau bao gồm uốn tóc, kim hoàn, vi tính nâng cao và dệt công nghiệp.

NTT Việt Nam là một trong những nhóm người chịu thiệt thòi nhất. Bộ LĐTB&XH ước tính có khoảng 5,2 triệu NTT ở Việt Nam. Mặc dầu chưa có con số thống kê chính xác trên toàn quốc về tình hình việc làm cho NTT nhưng Bộ LĐTB&XH ước tính có khoảng 3% NTT có kỹ năng về chuyên môn và khoảng 97% hoặc là thất nghiệp, lao động tự do hoặc làm việc đồng ruộng.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp của các khoá đào tạo rất cao. Tại các trung tâm, quy mô của các lớp nhỏ nên giáo viên có điều kiện tập trung vào từng học viên nhằm giúp đỡ tối đa để họ có thể đạt được trình độ cần thiết cho công việc. Cụ thể, ở hai trung tâm dịch vụ việc làm ở Hải Dương, 150 NTT đã được đào tạo. Sau 5 tháng đào tạo, 125 học viên đã tốt nghiệp. Tại HN, ban đầu các học viên chỉ được tuyển dụng theo một khoá đào tạo 3 tháng về may công nghiệp. Sau 3 tháng, 9 trong số 19 học viên tốt nghiệp và 7 người trong số đó đã có việc làm ngay. 10 học viên còn lại theo học thêm một khoá 2 tháng để nâng cao tay nghề nhằm đảm bảo họ có thể đi làm được ngay. Việc đào tạo tại chỗ cũng cho những kết quả hết sức khả quan. Tại Ninh Bình, một công ty thêu đã đào tạo 24 học viên là NTT và hiện nay tất cả đều làm việc cho công ty này. Tính đến cuối tháng 6 đã có 313 người tàn tật được bố trí làm việc hoặc được giúp đỡ để tự lập kinh doanh thông qua 10 trung tâm dịch vụ việc làm thuộc khuôn khổ dự án.

... và những băn khoăn?

Bà Caitlin Wyndham, Giám đốc dự án Việc làm cho NTT nhận định, dự án có thể coi là thành công, tuy nhiên vẫn còn tồn tại sự phân cách và các vấn đề cản trở NTT có được việc làm tốt.

Điểm thắt lớn nhất ngăn cản NTT tiếp cận được với công việc là những hỗ trợ tài chính cho đào tạo nghề. Hệ thống đào tạo nghề ở VN hiện tại là hệ thống dựa chủ yếu vào nguồn phí đóng góp của người sử dụng và không may là rất nhiều NTT không có khả năng chi trả. Sắc lệnh về NTT đã nêu rõ, đào tạo nghề cho NTT phải hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được biến thành những việc làm cụ thể trong các quá trình dự trù ngân sách của nhà nước. Một vài địa phương đã lấy kinh phí từ nguồn ngân sách đào tạo nghề cho người có hoàn cảnh khó khăn để dành cho việc đào tạo nghề cho NTT nhưng không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Điều này Bộ LĐTB&XH, UBND và Sở LĐTB&XH các tỉnh đã nhận ra và đang lưu tâm.

Hiện tại, Việt Nam có 5,1 triệu NTT, chiếm 6,35% dân số, đa số người tàn tật ở độ tuổi lao động. Họ là một trong những nhóm dân số thuộc đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì vậy, NTT cần được quan tâm của xã hội để có thể hoà nhập cộng đồng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM Lê Thị Ngân Sương cho rằng, NTT còn thiếu thông tin cần tiếp cận, thiếu công cụ trợ giúp và dịch vụ hỗ trợ, trình độ học vấn còn hạn chế, chưa đủ trình độ tay nghề để làm các công việc chuyên môn kỹ thuật lành nghề. Bà Sương cũng nhận định, công tác tuyển dụng lao động là NTT tại DN theo tỷ lệ quy định 2-3% là chưa phù hợp thực tế so với hoạt động tổ chức sản xuất của các DN trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường lao động trong tuyển dụng lao động. Đặc biệt, bà Sương nói: ''Đang còn thiếu các hạng mục công trình công cộng phù hợp cho NTT tiếp cận sử dụng. Bên cạnh đó là đội ngũ giáo viên chuyên trách các mô hình giáo dục đào tạo chuyên biệt cho NTT học văn hoá, học nghề còn ít...''.

Bản thân là một NTT, Tiến sỹ Roy Grizzard, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết trong một cuộc Hội thảo về việc làm cho NTT Việt Nam: ''Ba rào cản trước mắt đối với NTT cần được dỡ bỏ là sự lo ngại của các nhà tuyển dụng về: chi phí dành cho việc lắp đặt các thiết bị đặc biệt; quản lý; chăm sóc sức khoẻ cho người lao động là NTT. Để cải thiện vấn đề này cần giúp đỡ NTT vượt qua mặc cảm của bản thân, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, thông tin, dữ liệu và thu hẹp khoảng cách giữa các nhà tuyển dụng lao động với lao động là NTT''.

  • TLV

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,