– Các nhà khoa học cảnh báo, mùa mưa năm nay, số điểm ngập và số lần ngập tại TP.HCM sẽ tăng hơn cùng kỳ năm 2009.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Nước biển dâng hay biến đổi khí hậu chỉ là một phần nguyên nhân rất nhỏ gây ra tình trạng ngập lụt đô thị ở TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu là do con người với cách quản lý không chặt, thiếu tầm nhìn… ". Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học đưa ra tại buổi hội thảo “Bàn về các giải pháp chống ngập trên địa bàn TP.HCM” được tổ chức vào ngày 26/5.
Tiền tỷ bỏ ra, ngập vẫn cứ ngập
Hàng chục ngàn tỷ đồng "đổ" vào các dự án chống ngập như Dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước, Dự án Vệ sinh môi trường thành phố… được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng ngập lụt đô thị trong nhiều năm qua. Thế nhưng, theo nhiều nhà khoa học, hiệu quả thực sự của những dự án này vẫn chưa được như mong đợi. Và điều đặc biệt, năm nào chính quyền thành phố cũng đưa ra các phương án chống ngập nhưng kết quả số điểm ngập năm sau cao hơn năm trước và thời gian ngập cũng lâu hơn.
Các nhà khoa học cảnh báo, mùa mưa năm nay, số điểm ngập và số lần ngập tại TP.HCM sẽ tăng hơn cùng kỳ năm 2009.
Kẻ "chống", người "phá"
Kỹ sư Đỗ Ngọc Minh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay ở TP.HCM không phải do biến đổi khí hậu hay do thủy triều mà do con người.
“Vì sao trước năm 1990, TP.HCM không hề ngập lụt, từ năm 1990 trở lại đây lại ngập trầm trọng? Đây rõ ràng là do thiếu tầm nhìn trong thời kỳ đô thị hóa. Càng đắp đê, nâng đường, nâng nền… sẽ càng chặn lối tiêu thoát nước ở khu vực trung tâm”- kỹ sư Minh nói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay được nhiều nhà khoa học cho rằng chủ yếu do quá trình đô thị hóa của TP.HCM còn nhiều bất cập. Ảnh: Tử Trực |
Đồng tình với ý kiến này, ông Ngô Lực Tải, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM cho rằng, tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay chưa phải do thủy triều mà chủ yếu do tại TP.HCM, đô thị hóa diễn ra không có quy trình, muốn làm đâu thì làm dẫn đến nguồn nước khó thoát, sinh ra ngập úng. "Nếu chính quyền thành phố không chọn phương án tối ưu để giải quyết tình trạng ngập lụt hiện nay và không có tầm nhìn quy hoạch thì đến năm 2050 vẫn ngồi nói chuyện ngập úng"- ông Tải nhận định.
GS- TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường nhận định: Tình trạng ngập lụt ở TP.HCM là do có quá nhiều khu dân cư, khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên ở vùng nội ô. Trong khi đó, hệ thống thoát nước chưa được chú trọng đúng mức dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng bế tắc.
GS- TS Lê Huy Bá đưa ra giải pháp hạn chế tối đa nhà cao tầng ở vùng Đông Nam TP.HCM. Ông khuyến cáo không nên đắp cao đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập (Q.7) bởi đó là lối thoát nước chính cho khu vực trung tâm.
Dân vẫn còn chịu ngập dài dài
Năm 2010, TP cố gắng xóa 40% điểm ngập và xóa 100% vào năm 2011. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các nhà khoa học cũng như ý kiến của các nhà quản lý cho rằng, các giải pháp và mục tiêu của phương án chống ngập đang có sẽ gặp không ít khó khăn, khó có thể giải quyết căn cơ tình hình ngập nước như hiện nay. Người dân vẫn phải chịu cảnh ngập trong thời gian dài nữa. |
-
Tử Trực