- Đoàn lai dắt với 4 chiếc tàu kéo chính cùng các đơn vị hỗ trợ bắt đầu thử nghiệm “kịch bản” lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên. Công trình hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á đã sẵn sàng cho ngày mai (7/3) lai dắt và dìm hầm chính thức.
Sáng sớm ngày 6/3, không khí tại bể đúc Nhơn Trạch trở nên nhộn nhịp, các công nhân, kỹ sư cao cấp của nhà thầu Obayashi, BQL dự án, chuyên gia Nhật… đều háo hức chờ đợi ngày dìm hầm. “Chúng tôi mong ngày này suốt 5 năm qua. Trong suốt thời gian chúng tôi làm việc, đầu lúc nào cũng “căng như dây đàn” chỉ để chờ đến ngày lai dắt và dìm đốt hầm đầu tiên này. Vì lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam nên lo lắng là không tránh khỏi. Khi thành công đốt số 1 công việc tiếp theo sẽ nhẹ nhàng, bớt áp lực hơn” - một kỹ sư nhà thầu Obayashi bộc bạch.
Đúng 9h, bốn chiếc tàu kéo của Thái Lan móc vào chiếc sà lan (thay cho đốt hầm dìm) bắt đầu từ bể đúc Nhơn Trạch ra sông Lòng Tàu rồi sông Sài Gòn tiến về hầm dìm Thủ Thiêm. Việc thử nghiệm lai dắt sẽ giúp các đơn vị tham gia như PCCC, Cảng vụ hàng hải thành phố, CSGT đường thủy... phối hợp đảm bảo an toàn cho đoàn lai dắt và dìm hầm. Quan trọng hơn là giúp các tàu kéo Thái Lan quen đường khi qua các khúc cua nguy hiểm, ngã ba sông hẹp...
Điều lo lắng hiện nay là con nước. Nếu sáng mai dòng chảy thay đổi so với dự báo dù nhiều hay ít đều phải điều chỉnh kỹ thuật, hướng lai dắt cho hợp lý, ông Kenji Tokuhiko, Giám đốc gói thầu số 2 của dự án cho biết. Theo ông Kenji, kỹ sư chính phụ trách hầm dìm Thủ Thiêm đã có kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các công trình hầm vượt sông ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật, Thượng Hải... "Có công trình tới 85 đốt hầm dìm chứ không phải chỉ 4 đốt hầm dìm Thủ Thiêm nên chúng tôi yên tâm và rất nóng lòng chờ đợi ngày mai" - ông Kenji nói.
Đoàn lai dắt thử nghiệm về đến khu vực cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Nhìn từ con đê ngăn nước đã được tháo khoảng 50m phục vụ việc kéo hầm dìm số 1 ra sông Lòng Tàu, toàn bộ khu vực bể đúc mênh mông nước. Ba đốt hầm còn lại đều ngập trong nước, chỉ thấy 3 tháp thông gió nhô lên cao - nơi công nhân ra vào làm việc. Ngoài sông Lòng Tàu, đốt hầm đầu tiên cũng chỉ thấy phần nóc hầm nổi trên mặt nuớc.
Liên quan đến sự cố các vết nứt, nhà thầu Obayashi cho biết hiện tại, công tác quan trắc, kiểm tra các vết nứt bằng mắt thường vẫn được tiến hành thường xuyên. Các vết nứt được sửa chữa bằng cách bơm lớp keo chống thấm bên ngoài nên mình có thể kiểm tra bằng mắt thường và thấy rất khô ráo. |
Hai chiếc phao lớn nằm trên nóc hầm, nối với đốt hầm số 1 bằng ròng rọc giúp thả đốt hầm từ từ xuống lòng sông trong quá trình dìm. Trên đỉnh tháp có lăng kính cho máy ngắm tọa độ định vị bằng GPS giúp hầm dìm đúng vị trí dưới lòng sông. Các công nhân, kỹ sư đơn vị thi công hầm dìm vẫn đang tiến hành những công đoạn cuối cùng trước ngày lai dắt.
"Tuy việc thi công hầm dìm từng xảy ra sự cố nhưng hiện tại tâm lý của các công nhân, kỹ sư thi công hầm dìm đều rất phấn khởi, chờ đợi ngày dìm hầm đầu tiên. Đốt hầm đầu tiên tâm lý sẽ lo lắng nhưng hiện mọi việc chúng tôi đều chuẩn bị tốt nên thấy yên tâm" - anh Võ Minh Cường, kỹ sư BQL Đại lộ Đông Tây nói.
Đến 12h trưa cùng ngày, đoàn lai dắt về tới khu vực hầm dìm Thủ Thiêm sau quãng đường dài 22km. Như vậy, ngày lai dắt thử nghiệm hầm dìm diễn ra đúng như "kịch bản". Sáng mai, đốt hầm số 1 của công trình hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á sẽ chính thức được lai dắt và dìm xuống sông Sài Gòn.
Những hình ảnh cận cảnh trong ngày thử nghiệm "kịch bản" lai dắt hầm dìm Thủ Thiêm mà PV VietNamNet ghi lại:
Đốt hầm nằm giữa sông Lòng Tàu nên các công nhân, kỹ sư đều phải di chuyển bằng thuyền, ghe. Ảnh: Thái Phương |
Trên mỗi đốt hầm đều có tháp định vị với hệ thống GPS giúp hầm dìm được đánh dìm đúng vị trí đồng thời cũng là nơi công nhân ra vào bên trong đốt hầm làm việc. Ảnh: Thái Phương |
Thử nghiệm "kịch bản" lai dắt sẽ giúp cho các tàu kéo của Thái Lan quen đường, lường trước các sự cố tình huống xấu xảy ra khi qua các khúc cua nguy hiểm hay ngã ba sông hẹp... Ảnh: Thái Phương |
12h trưa ngày 6/3, đoàn lai dắt về đến khu vực Thủ Thiêm. Như vậy, "kịch bản" được tập dợt đúng kế hoạch và ngày mai sẽ chính thức lai dắt, dìm đốt hầm đầu tiên xuống sông Sài Gòn. Ảnh: Thái Phương |
Kế hoạch lai dắt và dìm đốt hầm Thủ Thiêm:
Đúng 7h ngày 7/3 tại bờ đê bể đúc, đoàn lai dắt bắt đầu kéo đốt hầm số 1 về vị trí lắp đặt tại bờ Thủ Thiêm với vận tốc từ 3,7-5,5 km/giờ. Thời gian lai dắt khoảng 6-8 tiếng. Sau đó, nhà thầu điều chỉnh đốt hầm về đúng vị trí và neo đậu chuẩn bị công tác dìm hầm vào ngày tiếp theo 8/3. Bắt đầu từ 9h ngày 8/3 sẽ tiến hành việc dìm hầm trong khoảng thời gian từ 13-16 tiếng đồng hồ. Sau đó các công đoạn bịt lối vào bên trong hầm trên nóc, tháo dỡ các thiết bị phụ trợ, thu hồi rùa neo... được thực hiện đến khoảng 23h ngày hôm sau. Dự kiến lễ kết nối, thông đốt hầm số 1 với đường dẫn phía bờ Thủ Thiêm, quận 2 sẽ tổ chức sáng 10/3. Tương tự, các đốt hầm còn lại được lai dắt và dìm trong tháng 4, 5, 6. Đến tháng 9/2010 cơ bản hoàn thành việc dìm hầm Thủ Thiêm. Sau khi hoàn thành, hầm dìm Thủ Thiêm dài 1.490m với phần dìm dưới đáy sông dài 370m sẽ trở thành hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á. |
-
Thái Phương