- Trên trời, trực thăng của Sư đoàn không quân 370 bay lượn giữa sông Lòng Tàu, ngay trên đầu của đoàn lai dắt. Đốt hầm đầu tiên nặng 27.000 tấn đã "cán đích" sau hải trình dài 22km.
Từ 6h sáng ngày 7/3, mọi công tác chuẩn bị cho việc lai dắt được tiến hành. Bốn tàu kéo Thái Lan bắt đầu kết nối với đốt hầm dìm sẵn sàng lai dắt.
Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc dự án Đại lộ Đông Tây cho biết điều kiện thủy văn rất tốt, đúng như dự tính của các kỹ sư, nhà thầu. Đây là một trong hai ngày trong tháng có dòng nước ổn định nhất với vận tốc thấp chỉ khoảng 0,5m-1m/s.
Các thời điểm chính của quá trình lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm. Đồ họa: Vy Anh
Tàu kéo Thái Lan bắt đầu được kết nối với đốt hầm dìm chuẩn bị lai dắt. Ảnh: Thái Phương |
Đúng 7h45, sau “lệnh xuất phát” của ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đoàn lai dắt bắt đầu hành trình kéo đốt hầm 27.000 tấn về khu vực dìm hầm. Bốn tàu kéo nổ máy rền vang cả khúc sông.
Trên con đê khu vực bể đúc Nhơn Trạch, hàng trăm công nhân, kỹ sư của nhà thầu không giấu nỗi vui mừng khi thấy đoàn lai dắt khởi động an toàn, bắt đầu lai dắt thuận lợi. Trên trời, trực thăng của Sư đoàn không quân 370 bay lượn giữa sông Lòng Tàu, ngay trên đầu của đoàn lai dắt.
“Tuy xuất phát trễ khoảng nửa tiếng so với kế hoạch nhưng không ngờ đoàn lai dắt đi nhanh đến vậy. Con nước đúng như dự báo. Đây là tín hiệu mừng. Nếu đúng lộ trình thì khoảng 1h đốt hầm số 1 sẽ về đến khu vực dìm hầm Thủ Thiêm” - ông Thanh phấn khởi.
Máy bay theo đoàn lai dắt suốt hành trình. Ảnh: Thái Phương |
Theo các lãnh đạo TP.HCM có mặt trong buổi lai dắt tại bể đúc Nhơn Trạch, hầm dìm Thủ Thiêm là công trình trọng điểm của thành phố, có ý nghĩa lớn khi trở thành hầm vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á. “Đốt hầm đầu tiên lai dắt, dìm thành công sẽ là điều kiện thuận lợi, kinh nghiệm cho việc tiến hành dìm các đốt hầm kế tiếp. Chính vì vậy mọi kế hoạch đảm bảo quá trình thực hiện hầm dìm này phải được ưu tiên lên hàng đầu” - ông Tài nói.
Đoàn lai dắt đi qua khu vực ngã ba Đèn Đỏ, cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Đến khoảng 9h40, đoàn lai dắt đến ngã ba Đèn Đỏ (khu vực cầu Phú Mỹ, một trong 4 khu vực nguy hiểm với khúc cua hẹp, dòng nước chảy xiết) an toàn.
Các lo ngại được đưa ra như dây thừng có khả năng bị đứt khi lai dắt, mặt cắt ngang của đốt hầm dìm khoảng 33m sẽ tạo ra lực cản nước rất lớn... Tuy nhiên, đoàn lai dắt cùng các kỹ sư, chuyên gia của nhà thầu, ban quản lý dự án và cả ngàn người dân thành phố... thở phào nhẹ nhõm khi đốt hầm về khu vực dìm hầm, trước bến cảng Bạch Đằng lúc 13h30.
Hành trình lai dắt đốt hầm đầu tiên của công trình hầm vượt sông Sài Gòn thành công, không gặp sự cố nào.
Nhầm tưởng "quái vật sông Sài Gòn"
Ngay từ sáng 7/3, người dân sống dọc hai bên bờ sông Sài Gòn thuộc Q.1 và Q.2 đã đứng chờ đoàn lai dắt với tâm trạng háo hức, tò mò.
Bãi giữ xe bến Bạch Đằng chật cứng xe gắn máy của người hiếu kỳ muốn tận mắt xem quá trình lai dắt các đốt hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Thái Phương |
Đến khoảng 12h, khi đoàn lai dắt đốt hầm số 1 sắp cập khu vực dìm hầm Thủ Thiêm, cả ngàn người dân đứng chờ sẵn ở bất cứ nơi nào “nhìn rõ hầm dìm nhất” từ bờ sông, bến cảng Bạch Đằng, cầu Khánh Hội đến cả quán cà phê, nhà hàng…
Dùng ống nhòm xem cho rõ. Ảnh: Thái Phương |
Trên cầu Khánh Hội, người dân ngồi dọc lan can cầu quan sát, người đi xe gắn máy tò mò cũng dừng lại chụp hình, hỏi xem “có quái vật ở sông Sài Gòn hay sao mà dân tụ tập đông thế?”.
Hàng ngàn người dân đứng dọc hai bên bờ sông Sài Gòn chứng kiến cảnh tượng hiếm thấy. Ảnh: Thái Phương |
Trước tình hình này, lực lượng CSGT Bến Thành, CSGT Q.4, Công an phường Nguyễn Thái Bình (Q.1), đội tuần tra, dân phòng, an ninh… đều được huy động để điều tiết giao thông khu vực cầu Khánh Hội, trước bến cảng Bạch Đằng.
"Cận cảnh" hành trình lai dắt hầm dìm Thủ Thiêm
Từ sáng sớm, công tác chuẩn bị cho việc lai dắt đã sẵn sàng. Ảnh: Thái Phương |
Trực thăng của Sư đoàn không quân 370 hỗ trợ quay phim, hộ tống đoàn lai dắt. Ảnh: Thái Phương |
Trực thăng bay trên đầu đoàn lai dắt khi đốt hầm dìm qua khu vực ngã ba Đèn Đỏ, cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Nguy hiểm nhất là các ngã ba sông, khúc cua hẹp và nước chảy xiết. Tuy nhiên thủy văn ngày 7/3 đúng như dự đoán của đoàn lai dắt: nước chảy nhẹ với vận tốc thấp nhất trong tháng chỉ khoảng 0,5-1m/s. Ảnh: Thái Phương |
Đồng thời, các tàu kéo của Thái Lan có thể xoay 360 độ giúp việc điều khiển, di chuyển khá thuận lợi. Ảnh: Thái Phương |
Đốt hầm dìm nhìn từ trên cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Cận cảnh từ tháp định vị xuống nóc hầm. Ảnh: Thái Phương |
Trong lúc đốt hầm được di chuyển từ Nhơn Trạch về TP.HCM, các công nhân vẫn làm việc bình thường trên... nóc hầm. Ảnh: Thái Phương |
Phóng viên tác nghiệp tại bể đúc từ sáng sớm. Ảnh: Thái Phương |
Khoảng 100 phóng viên của hơn 40 đầu báo ở TP.HCM và các tỉnh lân cận... tham gia tác nghiệp trong ngày lai dắt hầm dìm. Ảnh: Thái Phương |
Phóng viên tác nghiệp trên cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Tư thế tác nghiệp... "độc" của một phóng viên. Ảnh: Thái Phương |
Nụ cười của kỹ sư nhà thầu Obayashi khi đoàn lai dắt qua khỏi khúc cua nguy hiểm tại ngã ba Đèn Đỏ, gần cầu Phú Mỹ. Ảnh: Thái Phương |
Phóng viên ghi hình từ trên cao. Ảnh: Thái Phương |
Đoàn lai dắt chào người dân từ trên tháp định vị của đốt hầm số 1. Ảnh: Thái Phương |
Chuyện bên lề buổi lai dắt đốt hầm dìm số 1 * Các công nhân, kỹ sư nhà thầu thi công hầm dìm, BQL dự án bị… mất ngủ vì hồi hộp chờ đến ngày lai dắt, dìm hầm chính thức. Ngay cả Giám đốc gói thầu số 2 của dự án là ông Kenji Tenkuho người Nhật cũng cho biết không thể ngủ được trước ngày lai dắt. * Người dân tò mò muốn “mục sở thị” đốt hầm dìm đã chen chúc trên cầu Khánh Hội, khu vực bến cảng Bạch Đằng khiến các quán cà phê, quán ăn, nơi giữ xe… đều chật cứng. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng “phơi nắng” suốt buổi trưa, dùng báo chen đầu, tranh nhau nón che nắng, mua ống nhòm để ngắm đoàn tàu kéo đốt hầm dìm, máy bay trực thăng lượn giữa trung tâm thành phố…
* Thi công hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á trở thành sự kiện quan tâm nhất của người dân TP.HCM những ngày qua. Đồng thời, muốn tác nghiệp ngay thời điểm xuất phát của đốt hầm số 1 lúc 7h sáng, các phóng viên phải có mặt lúc 5h30. Điều này buộc nhiều phóng viên nhà xa phải… thuê khách sạn gần khu vực phà Bình Khánh, Nhà Bè, TP.HCM (nơi tập trung rồi qua bể đúc) để tránh…. ngủ quên.
- Thái Phương