- Làm việc quá sức ngất xỉu ngay trên đường cao tốc. Cả nhóm cứu lấy việc cứu nạn cho ô tô gặp sự cố trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương làm niềm vui.
Ăn Tết trên… đường cao tốc
Gần 16h chiều ngày 24/2, bốn hộp cơm vẫn còn nguyên trên bàn làm việc đội cứu hộ giao thông của đơn vị quản lý đường cao tốc tại chốt Bến Lức, Long An. Bộ đàm reo liên tục: “Trung tâm gọi cứu hộ. Cứu hộ báo cáo: Xe 5 tấn bị nổ vỏ trước tại km33; xe 7 chỗ bị chết máy do sôi nước tại km22...". Nhân viên tổng đài vừa nghe vừa ghi chép vào sổ các trường hợp gặp sự cố trong ngày. Nhìn vào sổ ghi chép ngày 24/2 của đội cứu hộ, mới tới 16h đã có đến 19 trường hợp xe ô tô gặp sự cố trên cao tốc.
Nhân viên cứu hộ đang "cấp cứu" chiếc xe 7 chỗ bị sôi bình nước trên đường cao tốc. Ảnh: Thái Phương |
Anh Văn Xuân Khuê, quê Quy Nhơn nói: “Công việc dồn dập cứ cuốn mình đi vậy đó. Chẳng có thời gian để nghĩ đến bữa cơm. Khi rảnh thì lại qua cơn đói, vậy là những hộp cơm cứ lăn lóc trên bàn…”.
Cuối giờ chiều, hai nhân viên cứu hộ về đến trung tâm sau khi kéo các xe gặp sự cố ra khỏi cao tốc. Tay lấm lem dầu mỡ, vẻ mặt bơ phờ sạm đi vì cái nắng gay gắt sau một ngày lăn lộn với xe gặp nạn. Các anh vẫn cười rất tươi khi thấy người lạ. “Rửa tay đi rồi ăn cơm trưa” - anh Ngô Châu, nhân viên trực bộ đàm nói với hai nhân viên vừa bước vào. Lúc này đồng hồ chỉ đúng 16h30 phút.
Những lúc không có xe bị nạn, đội cứu hộ vẫn có xe đi trực suốt tuyến đường để kịp hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Thái Phương |
Bất kể giờ giấc, chỉ cần có điện thoại là các anh sẵn sàng lái xe đi. “Nhiều trường hợp xe bị sự cố giữa đêm, đường vắng lại gặp đoạn chưa có hệ thống chiếu sáng. Cả tài xế lẫn hành khách đứng giữa đồng không mông quạnh. Những lúc như thế, chỉ cần thấy xe cứu hộ tới là mặt họ đang mếu bỗng cười rất tươi. Và vậy thôi cũng đủ làm mình hết mệt” - anh Khuê tâm sự.
Kể về công việc hào hứng là vậy nhưng các anh cũng không giấu được nỗi buồn: “Từ Tết đến giờ cái tôi thèm nhất là… mùi nhang ngày Tết ở nhà” - anh Văn Tiến Quỳnh, 28 tuổi quê ở Thái Bình bộc bạch.
Anh Quỳnh đến với nghề cứu hộ trên cao tốc khá bất ngờ. Khi nghe trung tâm thiếu lái xe cứu hộ anh xin vào làm… cho có việc. “Không ngờ việc nhiều quá kéo mình theo lúc nào không biết, vậy là ăn cả cái Tết trên… đường cao tốc. Nhớ nhất là ngày mùng 3 Tết, mình cứu hộ cho xe ô tô bị nổ vỏ giữa đường. Chủ xe thấy công việc vất vả, lại làm giữa Tết nên lì xì cho anh em. Số tiền không đáng bao nhiêu nhưng tôi thấy công việc của mình có ý nghĩa, giúp được mọi người” - anh Quỳnh nói.
Ngất xỉu vì làm quá sức…
Tết vừa rồi, lượng xe ô tô đi từ TP.HCM về miền Tây trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhiều hơn, sự cố xảy ra cũng nhiều hơn, các anh càng phải làm việc cật lực. Nhiều người chưa một lần về thăm gia đình, thăm vợ con. “Chưa kịp nghỉ ngơi thì trung tâm lại báo có xe gặp nạn, thế là anh em chỉ kịp với chiếc chìa khóa xe để lên đường. Mình chịu cực chút không sao, chứ để người đi đường đứng phơi nắng giữa trưa hoặc nửa đêm trên cao tốc thì tội họ lắm” - anh Đỗ Minh Chánh tâm sự.
Mỗi ngày hàng chục lượt công tác qua lại trên đường cao tốc, áp lực công việc cộng thêm ăn uống thất thường khiến nhân viên cứu hộ bị ngất xỉu. Các bác sỹ trực y tế cứu thương của trung tâm kể về trường hợp anh Đức, nhân viên cứu hộ giao thông: "Thấy anh ấy bất tỉnh, chân tay tím tái rồi ngừng thở. Chúng tôi sợ quá bèn hô hấp nhân tạo, cho thở ôxi… Được một lúc tay chân anh ấy cử động lại, cả đội hú vía". Các bác sỹ cho biết nguyên nhân khiến anh Đức, bị ngất xỉu làm việc quá sức nhưng ăn uống không đầy đủ.
Những lúc không có xe bị nạn, đội cứu hộ vẫn có xe đi trực suốt tuyến đường để kịp thời hỗ trợ các trường hợp khẩn cấp. Ảnh: Thái Phương |
Với họ, phút nghỉ ngơi cũng nghĩ đến công việc đó là kể lại cho nhau nghe những tình huống của các xe gặp nạn. Các anh kể có trường hợp bị nạn đặc biệt như tài xế chạy xe mà… văng cả bánh xe ra đường, đầu xe cày xuống mặt đường mà tài xế không hề hấn gì. Có trường hợp tài xế lái xe ngủ gật, đâm sầm vào hàng rào chắn bên đường. Đầu xe móp méo, vỡ nát nhưng tài xế vẫn tỉnh rụi điện thoại tới trung tâm cho cứu hộ kéo xe về giùm.
Đội cứu hộ giao thông của Trung tâm Quản lý đường cao tốc đặt tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, Long An (đoạn giữa đường cao tốc) hiện có 8 xe cứu hộ làm việc thay phiên 24/24h. Mới thành lập, nhân viên còn thiếu nên các anh phải gánh công việc của 2, 3 người gộp lại. Mỗi ngày, nhân viên ở đây chạy không biết bao nhiêu km, bao nhiêu vòng trên cao tốc để cứu hộ… “Khi có thêm người, nhân viên cứu hộ sẽ đỡ vất vả hơn nhưng trước mắt thà cố một chút còn hơn để người đi đường phải chờ trên cao tốc…” - anh Ngô Châu bộc bạch.
Một số vụ tai nạn xảy ra trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương từ ngày thông xe (3/2) đến nay: - Ngày 5/2 vụ tai nạn đầu tiên xảy ra trên cao tốc khi xe tải biển số 65K-5243 bị lật ngay khúc cua tại km49 đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Nguyên nhân do chiếc xe này chở quá tải, va vào làn tôn chắn bên vệ đường và bị lật ở giữa làn đường cao tốc. - Ngay sau Tết Nguyên Đán, chiếc xe Camry 3.0 trên đường từ TP.HCM về miền Tây chạy quá tốc độ đã “phi” thẳng xuống ruộng lúa sau khi bay qua con lươn cao 1,2m. - Tai nạn hi hữu khác là chiếc xe du lịch 7 chỗ phải dừng khẩn cấp khi tài xế lên huyết áp, xỉu ngay trên vô lăng. Phải 10km sau khi khách trên xe phát hiện, tài xế mới dừng xe lại được... * Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 trường hợp xe ô tô gặp sự cố tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đến nay đã có hơn 300 xe ô tô gặp các sự cố nổ vỏ, sôi nước làm chết máy, lật xe… trên tuyến đường được xem là "xịn" nhất nước này. |
-
Thái Phương