(VietNamNet) - Đối với cả Thủ đô, việc xây lại chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ (quận Ba Đình) chỉ là "chuyện cỏn con", dự án cũng không trọng điểm - nhưng càng ngày càng rối và nan giải, vì sao?
Chủ trương là phải di dời, đông đảo dân cũng mong muốn di dời mà sao vẫn nhùng nhằng khó hiểu? |
Ủng hộ di dời nhưng "sợ" công khai ý kiến
Vài ngày trước khi quận Ba Đình họp với dân B6 Giảng Võ để triển khai phương án di dời khỏi nhà nguy hiểm, đã có những thông tin cuộc họp này sẽ bị ’’phá’’ khiến cho buổi họp dân bình thường tối 4/4/2007 này phải có mặt cả lực lượng công an!
Sự có mặt của công an đã không còn cơ hội cho bất kỳ ẩu đả, la lối nào diễn ra - song những hộ dân phản đối di dời (đa phần ở tầng 1 nhà B6 Giảng Võ và lác đác các tầng trên) vẫn thi nhau lên ’’diễn đàn’’ khẳng định phòng nào của nhà B6 nứt chứ căn hộ của họ không nứt, không sao cả; phòng nào dột thì dột chứ phòng họ không dột; cầu thang nào thích gia cố thì gia cố chứ theo họ là không nguy hiểm, không phải di dời, còn có thể ở tiếp 120 năm nữa!
Một số hộ dân đồng ý với việc di dời, phá khu nhà đi xây mới lại vì nhận thức rõ tiếp tục ở như hiện nay là rất khổ sở, nguy hiểm... trước ’’làn sóng’’ phản đối kia đã im lặng, không muốn cãi vã, đôi co. Đại diện chính quyền là ông Đỗ Viết Bình - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình đã phải ’’động viên’’ những người này bằng cách kêu gọi: ’’Chính quyền muốn nghe các ý kiến mới (nội dung khác với các ý kiến phản đối ’’hùng hồn’’ kia)!’’ - song, đáp lại vẫn là một sự im ắng đến khó hiểu của những người thật tâm muốn rời khỏi khu nhà.
Cuối cùng, không ’’đăng đàn diễn thuyết’’ mà những người này chỉ dám trao đổi riêng với báo chí bên lề cuộc họp, rằng ’’toàn bộ quan điểm của họ ủng hộ việc cần thiết phải di dời, xây mới lại khu nhà vẫn trước sau như một và như họ đã gửi thư kiến nghị lên Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội’’, còn tại những buổi như thế này, họ rất ngại tranh cãi và lo sợ sự an toàn cho bản thân, gia đình sẽ không được đảm bảo (vì công an chỉ có mặt tại cuộc họp chứ đâu có theo họ suốt cuộc đời?!)...
Công an đã phải có mặt tại cuộc họp giữa chính quyền và dân nhà B6 Giảng Võ tối 4/4/2007 đề phòng tình huống ’’quá khích’’ qua những thông tin thu nhận trước khi diễn ra cuộc họp này (Ảnh: H.H). |
Họ cho biết, từng tìm đến Đài Tiếng nói Việt Nam, trụ sở báo Thanh Niên tại Hà Nội để chính thức bày tỏ quan điểm của mình về mong muốn di dời, hoàn toàn đồng ý với phương án chính quyền và nhà đầu tư đưa ra - và đến đâu họ cũng xin được viết tắt tên, không đăng ảnh vì rất sợ bị đe doạ, trả thù.
"Đục nước, béo cò"?!
Những người này cũng hé lộ thông tin: Hiện họ rất bức xúc và đang tự mở ’’chiến dịch điều tra’’ xem có hay không một doanh nghiệp đứng đằng sau và là nguyên nhân của tất cả ’’rối ren’’ tại nhà B6 Giảng Võ - như báo Bảo vệ Pháp luật số 10 ngày 10/3/2007 đề cập. Doanh nghiệp đó muốn ’’nẫng’’ dự án cải tạo B6 Giảng Võ mà Công ty cổ phần Hà Nội - ICT đang ’’trồng cây sắp đến ngày ăn quả’’ nên ’’ném đá giấu tay’’, làm rối loạn tình hình với hy vọng ’’cướp’’ được dự án này!
Những người này cũng cho biết, mấy năm trước, khi phố Nam Cao (chạy ngang mặt nhà B6) còn chưa rõ hình hài, xộc xệch vì bị lấn chiếm, đường sá không biết bao giờ mới làm thì kêu gọi mãi mới có duy nhất Công ty cổ phần Hà Nội - ICT vào nghiên cứu dự án xây mới lại chung cư nguy hiểm này. Một thời gian sau, đường Nam Cao được Nhà nước mở rộng, xóa hết các tụ điểm nhếch nhác, trở thành một con đường đẹp, ’’đắc địa’’ bậc nhất quận Ba Đình, đẩy vị trí nhà B6 thăng hạng thì một số đối tượng bắt đầu nhòm ngó...
Nhiều người đã ’’đăng đàn diễn thuyết’’ tại cuộc họp dân B6 Giảng Võ tối 4/4/2007 (Ảnh: T.A.N). |
Nếu cứ để theo một ’’lộ trình êm đẹp’’ thì lẽ tất nhiên sau giai đoạn khảo sát, nghiên cứu (đã được UBND TP. Hà Nội cho phép), với quỹ nhà tạm cư cho dân là 107 căn hộ mới tinh tại Thanh Lương (Hai Bà Trưng) mà Công ty cổ phần Hà Nội - ICT bỏ tiền túi ra thuê để đón dân B6 về ở chờ ngày trở lại khu nhà - công ty này sẽ tiếp tục lập dự án và đầu tư xây dựng (theo đúng các qui định của Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và Nghị quyết HĐND TP. Hà Nội về chủ trương xã hội hoá cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm).
Song, các công ty khác muốn ’’đi tắt đón đầu’’, chờ cho Công ty cổ phần Hà Nội - ICT trải qua các giai đoạn gian khổ như: họp bàn hàng chục cuộc với chính quyền và dân, lo nhà tạm cư cho dân, lên phương án giải phóng mặt bằng..., đến đoạn ’’ngon’’ mới bắt đầu nhảy vào. Nhưng nếu cứ để mọi chuyện êm đẹp thì khó có thể ’’chiếm đoạt’’ được dự án Hà Nội - ICT đang nghiên cứu nên họ ’’ngầm chọc ngoáy’’ để làm rối loạn tình hình lên như vậy!
Dân cũng cho biết đã được ’’đánh tiếng’’ về những hứa hẹn của doanh nghiệp ’’chậm chân’’ đang muốn ’’nhào vô’’, nhưng họ cũng đủ tỉnh táo để nhận ra những hứa hẹn này chỉ là hão huyền - bởi việc cải tạo khu B6 phải nằm trong một tiến trình chung của Thành phố, tuân theo những quy định, quy chế, chính sách chung và cụ thể.
Cầu thang nhà B6 Giảng Võ nhiều năm nay đã phải liên tục gia cố để chống đổ sập. (Ảnh: Nguyên Bảng). |
Cũng theo nghi vấn của một số cư dân B6 Giảng Võ, có vẻ như công ty (hiện chưa ra mặt) đang muốn ’’cướp’’ dự án kia được một ’’quan’’ nào đó ’’bật đèn xanh’’ nên dẫu ’’chậm chân’’ tiếp cận dự án nhưng vẫn có thể nhảy vào, và ’’bài’’ đầu tiên là ’’chọc’’ cho dự án rối beng lên... UBND TP. Hà Nội cũng vì thế mà mãi loay hoay chưa thể quyết định được gì!
Việc này càng kéo dài càng rối ren, cuộc sống người dân tại chung cư B6 ngày càng căng thẳng, ngột ngạt và theo người dân thì như vậy càng ’’trúng ý’’ doanh nghiệp nào đó muốn làm ’’rối dự án’’ hòng nhảy vào (nếu có).
Nên hơn lúc nào hết, đông đảo cư dân khu nhà này mong Thành phố nhanh chóng có những quyết sách bản lĩnh, sáng suốt, kịp thời. Người dân cần sớm nhất thoát khỏi chung cư nguy hiểm, thoát khỏi tình trạng nơi ăn chốn ở bị lấy ra làm ’’công cụ’’ phục vụ ý đồ ’’cạnh tranh không lành mạnh’’ đang làm họ rất bất bình.
-
P.V