(VietNamNet)- Việc thi công cầu Văn Thánh 2 không đảm bảo chất lượng dẫn đến lún, nứt gây thiệt hại nặng nề cho nhà dân xung quanh. Tuy nhiên, mức đền bù cho những hư hỏng ấy “bèo” đến không ngờ.
>>>Nơm nớp sống bên cầu Văn Thánh 2
3 triệu cho một căn nhà
Anh Nguyễn Trung Thịnh (chủ hộ nhà 31C/1 Phú Mỹ, phường 22, Bình Thạnh) không khỏi bức xúc khi cầm trên tay kết quả kiểm định về ảnh hưởng của cầu Văn Thánh 2 đối với căn hộ của anh. “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ giá sửa chữa mà đơn vị kiểm định đề xuất lại bèo bọt đến như vậy”- anh Thịnh nói.
Nhà dân bị ảnh hưởng do việc thi công cầu Văn Thánh 2 buộc phải bỏ không như nhà hoang.
Theo anh Thịnh, khi bắt đầu xây dựng cầu Văn Thánh 2 vào khoảng năm 2001, nhà anh đã lún bị nứt nghiêm trọng. Để có chỗ ở, anh đã xin phép phường 22 cho phép sửa chữa nhà. Thế nhưng, cứ cách khoảng 3-6 tháng nhiều vết nứt ngang dọc lại xuất hiện.
Từ đó đến nay, anh Thịnh đã bỏ ra trên 100 triệu đồng để khắc phục nhưng cũng không hiệu quả. Kết quả kiểm định do Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn thực hiện ghi rõ nhà 31C/1 Phú Mỹ hiện có các vết nứt theo phương thẳng đứng ở các mảng tường tầng trệt và tầng gác. Các hư hỏng này cần được sữa chữa để đảm bảo an toàn và điều kiện tiện nghi sử dụng.
Kết luận do các kiểm định viên của công ty này thực hiện khẳng định nguyên nhân gây hư hỏng cho công trình nhà 31C/1 là do hiện tượng lún ảnh hưởng của khu vực cầu Văn Thánh 2. Kinh phí sửa chữa khắc phục những hư hỏng của căn nhà này được tính toán chỉ tầm 3,1 triệu đồng!!
"Với số tiền ấy thì chi tiêu sinh hoạt gia đình trong một tháng còn chưa đủ nói gì đến sửa nhà. Trong khi đó tôi đã phải bỏ ra trên 100 triệu đồng để khắc phục hư hỏng. Chưa nói đến giá trị căn nhà bị giảm nghiêm trọng?”- anh Thịnh nói.
Ông Trần Văn B, (18A/1 Phú Mỹ) cũng than trời vì kiểu đề xuất đền bù với giá “hỏng hiểu nổi” ấy. Nhà ông B thuộc diện bị ảnh hưởng nặng. Mỗi lần triều cường lên, nước ngập sâu đến đầu gối. Các bức tường nghiêng, lún nứt nghiêm trọng.
Gia đình ông đã phải sơ tán đi tá túc ở nơi khác hơn 1 năm nay, đồ đạc trong nhà không ai quản lý đã bị đạo chích vào nhà vét sạch. Với kiểu đền bù mà Công ty kiểm định Sài Gòn đề xuất, ông B cho biết không thể nào sửa nhà nổi. “Tiền chúng tôi bỏ ra sửa nhà hơn chục lần sao không tính đến”- ông B tỏ vẻ bực dọc.
Nhà ông Nguyễn Hoàng Tuấn (A17/2 Phú Mỹ) quy mô một trệt, hai tầng lầu hiện nghiêng lệch từ 218- 457mm hướng ra đường Nguyễn Hữu Cảnh và có xu hướng lún nền.
Theo đánh giá của Công ty kiểm định Sài Gòn, căn nhà này có mức độ hư hỏng nặng, có nguy cơ sụp đổ. Vì thế phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho các căn nhà khác ở xung quanh. Tính toán của công ty này cho rằng, chi phí phục hồi nguyên trạng hư hỏng tại thời điểm khảo sát (tháng 9-10/2006) là 179 triệu đồng.
Ông Tuấn thất vọng: “Tôi chẳng cần số tiền ấy, có thấm tháp gì đâu, chỉ mong họ kích nền cho nhà đứng thẳng lại là được”.
“Chờ xin ý kiến”
Để có nơi cư trú, nhiều hộ dân đã bỏ tiền ra để tự khắc phục hư hỏng trước thời điểm Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn tiến hành đo đạc, khảo sát hiện trạng bởi lẽ “không sửa thì mưa dột, nhà sập lúc nào không hay”. Nên người dân cho rằng chỉ tính đến thời điểm tiến hành kiểm định để đưa ra mức giá đền bù sửa chữa là không hợp lý.
Nhà nghiêng, "nạn nhân" điển hình của cầu Văn Thánh 2.
Về điều này, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch phường 22 cho rằng hiện trạng nhà ngay tại thời điểm kiểm định chính là kết quả mà người dân bỏ tiền ra khắc phục nên chỉ cần người dân đưa ra được chứng từ, hình ảnh cũng đủ minh chứng làm cơ sở đền bù thỏa đáng cho người dân.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Thanh niên xung phong cũng nói sẽ lưu ý điều này. Tuy nhiên ông Hoàng cho biết thêm sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do việc xây dựng cầu Văn Thánh 2 về phương án đền bù và kinh phí sửa chữa nhà được Công ty kiểm định xây dựng Sài Gòn đề xuất, ông sẽ báo cáo với Sở Xây dựng để xin ý kiến và phổ biến với người dân sau.
Một “khổ chủ” của cầu Văn Thánh 2 bày tỏ: “Không cần mấy ổng phải đền bù sát với giá thị trường mà chỉ ở mức tạm chấp nhận được là chúng tôi đồng ý liền. Nhưng việc giải quyết phải xúc tiến thật nhanh vì sự việc đã kéo dài 4-5 năm nay. Chúng tôi đã mệt mỏi lắm rồi”.
Tuy nhiên, một người hàng xóm của anh thì lại rất bức xúc: phải chăng việc lần lữa kéo dài thời gian là để người dân quá chán ngán và "nhận bao nhiêu cũng được cho xong chuyện".
Và một vấn đề nữa là có quá nhiều cấp liên quan để người dân lọt vào một "ma trận" mà không biết ai chịu trách nhiệm giải quyết: chính quyền phường, quận, chủ đầu tư, nhà thầu chính, nhà thầu phụ, công ty kiểm định, sở xây dựng, sở giao thông...
-
Trần DuyÝ kiến của bạn đọc: