(VietNamNet) - Những ngày qua, bên cạnh việc gửi đơn thư, nhiều cư dân nhà B6 Giảng Võ tìm tới các toà báo, bày tỏ muốn di dời càng sớm càng tốt khỏi khu nhà nguy hiểm này!
Nguy hiểm đã đến mức phải dùng cột chống tại tầng 1 chung cư B6 Giảng Võ - nhưng nhiều người dân vẫn đang ''đùa với nguy hiểm''! (Ảnh: H.H) |
Đơn thư của họ đã được gửi tới Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội... thậm chí, để kêu gọi báo chí ủng hộ, bảo vệ tính mạng, cuộc sống của họ - họ đã gửi đơn lên Ban Tư tưởng-Văn hoá TƯ, Bộ Văn hóa-Thông tin và nhiều cơ quan ngôn luận. Những người dân này cho biết rất lo ngại khi đằng nào cũng sẽ phải di dời khỏi chung cư tối nguy hiểm B6 Giảng Võ mà sao không di dời sớm? Đi sớm ngày nào, khu nhà được phá đi xây lại sớm ngày ấy, họ lại sớm được về an cư! Không thể đổi lợi ích của một vài cá nhân lấy tính mạng, sự an toàn và sớm an cư của rất nhiều người!
Trái với một vài hộ dân tại đây luôn lấy lý do ''chưa tin chủ đầu tư'' để lần chần, kéo dài thời gian, không muốn di dời - những người dân kể trên khẳng định họ được biết và hoàn toàn yên tâm với phương án di dời UBND quận Ba Đình đã trình Thành phố, sử dụng quỹ nhà tạm cư do Công ty cổ phần Hà Nội - ICT chuẩn bị là 107 căn hộ chung cư 6 tầng, mới tinh 100% tại tổ 28 Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Họ cũng bằng lòng với việc không phải trả tiền thuê nhà tạm cư trong suốt quá trình ở tạm cho đến khi nhận nhà mới, đồng thời được hỗ trợ di chuyển 3 triệu đồng/hộ (mỗi hộ có giấy phép kinh doanh: 5 triệu đồng).
Nguy hiểm đã đến mức phải ''chồng chéo'', ''chằng chịt'' (Chụp phía trong chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ, Hà Nội - Ảnh: H.H) |
Sau khi trả lời VietNamNet về mức độ ''tối nguy hiểm'' của chung cư B6, gần đây ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) một lần nữa thông qua báo Thanh Niên cảnh báo sự nguy hiểm đã đến mức cấp bách của khu nhà này.
Trước tình hình trên, ngày 27/2/2007, UBND TP vừa tiếp tục gửi công văn 1055/UBND-XDĐT đôn đốc ''UBND quận Ba Đình thành lập ngay Ban Chỉ đạo nhà B6 Giảng Võ do Chủ tịch UBND quận Ba Đình làm Trưởng Ban, thành phần là lãnh đạo các Sở: TN,MT&NĐ, Tài chính, KH&ĐT, Ban Chỉ đạo GPMB TP, UBND phường Giảng Võ và đại diện của 3 tổ dân phố trong toà nhà''.
Đồng thời, UBND TP cũng yêu cầu cần tổ chức họp với đại diện các hộ dân để thông báo chủ trương, giải thích để nhân dân hiểu rõ các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố trong quản lý đầu tư xây dựng, cải tạo xây dựng lại nhà nguy hiểm. Nguyện vọng của các hộ gia đình B6 sẽ được lắng nghe để từ đó đề xuất chủ đầu tư thực hiện dự án và xây dựng kế hoạch, lập phương án hỗ trợ di dời, tạm cư theo thẩm quyền và quy định hiện hành, hoàn chỉnh các thủ tục trình UBND TP.
Ý kiến của các nhà lãnh đạo trong vấn đề này cũng đã được phóng viên VietNamNet ghi nhận:
''Nhà nguy hiểm thì không đấu thầu!''
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu: Rất nhiều nhà chung cư được làm trong điều kiện kỹ thuật và nguyên vật liệu chưa thật tốt trước đây, nay đã xuống cấp nặng. HĐND TP đã có Nghị quyết các khu đó sẽ được cải tạo trên tinh thần ''xã hội hoá'', có sự hỗ trợ về mặt hạ tầng của Nhà nước, có sự đóng góp của người dân, đặc biệt có thể điều chỉnh quy hoạch để tạo nguồn kinh phí bù cho nhà đầu tư để dân đỡ phải chi phí nhiều.
Sự đồng thuận ở đây được hiểu trên 80% là có thể quyết định, bởi thông thường số hộ tầng 1 lấn chiếm rất không muốn cải tạo lại, vì nếu cải tạo lại thì phần diện tích lấn chiếm ở tầng 1 sẽ không còn nữa!
Hướng tới, Thành phố sẽ làm thí điểm một số nhà chung cư để đưa ra một quy chế, quy trình vừa phù hợp pháp luật hiện hành, vừa tạo điều kiện cho dân tham gia cùng Nhà nước cải tạo nơi mình sinh sống. Sẽ bàn bạc với dân từ khâu chọn chủ đầu tư và sẽ chọn được những nhà đầu tư có năng lực, thực sự coi đây chỉ là ''công ăn việc làm'' chứ không đặt mục đích lợi nhuận là chính! Đối với những trường hợp bán nhà 61 càng cần tôn trọng sự bàn bạc của dân. Nhà nước chỉ nêu vấn đề và quyết định theo pháp luật.
Những trường hợp nhà nguy hiểm phải phân tích, tuyên truyền, trao đổi, bàn bạc cho dân hiểu. Luật pháp và Nghị quyết HĐND đều cho phép chỉ định chủ đầu tư, nhưng chỉ nên chỉ định trên cơ sở bàn bạc với dân và thẩm định một cách kỹ lưỡng năng lực của chủ đầu tư và thông báo cho dân được biết. Có nghĩa là vẫn chỉ định, nhưng trước khi chỉ định thì Thành phố hỏi, đề nghị đưa thông số để Thành phố thẩm định! Nhà nguy hiểm đứng trước nguy cơ sụp đổ, chết người thì không đấu thầu, mà chỉ định có tham khảo, có nghe ngóng, có tiêu chí. Nếu nhà đầu tư đủ năng lực và đa số dân đồng tình rồi thì phải quyết!
''Không bao giờ quay lại cách làm thời bao cấp!''
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Nhà ở mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Bản thân câu chuyện nhà cho người dân đã mang ý nghĩa xã hội, nhưng cái nhà cũ, nhà hỏng, nhà xuống cấp - phải nghĩ cách thế nào chứ?! Không làm ngay, không tu sửa, không đưa ngay người ta đi chỗ khác, nhà đổ sập - tính mạng, tài sản ra sao? Vậy nên câu chuyện này càng cấp bách hơn, có ý nghĩa hơn. Thêm nữa, về mặt diện mạo đô thị của chúng ta - những khu nhà cũ nát này làm xấu bộ mặt đô thị rất nhiều! Nếu chúng ta tạo ra một chỗ ở mới cho người dân tốt hơn, đồng thời cải tạo, chỉnh trang lại bộ mặt đô thị thì lại càng tốt quá!
Do vậy, việc này rõ ràng đem lại lợi ích cho người dân, cho cộng đồng, cho xã hội nói chung - thì sự quan tâm và mong muốn của chính quyền càng phải lớn. Nhà nước mong muốn thì Nhà nước phải nghĩ cách để đạt được mục tiêu, để đạt sự mong muốn! Hiện nay, ở các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, có vẻ như một số vị trí nào đấy, một số cơ quan nào đấy chưa có sự quan tâm, cho rằng đây là câu chuyện dự án của doanh nghiệp - ''Ông trình lên đây cho tôi xem, tôi xét''! Đúng ra câu chuyện này phải là mối quan tâm chung của toàn xã hội.
Trước đây, Nhà nước bao cấp về nhà ở cho cán bộ nhưng cách này không ổn nên từ năm 1992 phải bỏ! Luật Nhà ở đã đề cập rõ phải xóa cơ chế bao cấp về nhà ở, không còn khái niệm Nhà nước bỏ tiền ra làm nhà cho một hộ nào đấy hoặc một người nào đấy ở! Không bao giờ chúng ta quay lại cách làm của thời kỳ bao cấp nữa! Phải xác định trong tư tưởng, kể cả của người nghèo - không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra làm cho ai ở cả! Vậy vốn ở đâu ra? Xin thưa, tiền để làm việc này ở trong chính các dự án này!
Nhà nước chỉ nêu vấn đề này lên, kêu gọi, mời chào doanh nghiệp, cho người ta cơ chế. Nếu cách tư duy của chúng ta mà nghĩ là Nhà nước làm hết thì không ổn! Nhà nước không nên lo nhiều quá, nên để doanh nghiệp tự tính toán và đề xuất. Doanh nghiệp thì phải có lời có lãi thì họ mới làm, doanh nghiệp nào cũng vậy thôi, họ phải tính toán nên muốn doanh nghiệp làm thì phải hài hoà các lợi ích ở đây! Mật độ là ở ta, hệ số do ta quy định, thuế hay chính sách cũng do ta đặt ra cả - tại sao lại không được? Cần nhanh nhất, sớm nhất tìm được tiếng nói chung!
''Nhà đầu tư cải tạo chung cư nát là rất dũng cảm!''
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân: Thành phố sắp ban hành chính sách khung để cải tạo các khu chung cư cũ nát, đặc biệt chú ý đến quyền lợi người dân. Còn người dân ở đó cũng phải có ý thức chung cùng với cộng đồng, Nhà nước, doanh nghiệp thì mới thực hiện được, vì cải tạo chính cuộc sống của họ ở đó mà!
Khung này có chú ý đến các hộ tầng 1, ví dụ như: giải quyết bố trí ưu tiên tiêu chuẩn vượt lên từ 1,5 - 2 lần so với diện tích bình quân; ưu tiên cho thuê không qua đấu thầu một diện tích nhất định các ki-ốt, quầy hàng tầng 1 (vì tầng 1 chủ trương để làm dịch vụ, không bố trí ở) để giải quyết đời sống cho họ. Hiện mới đưa ra khung thế thôi và hầu hết các doanh nghiệp đang làm theo hướng đó!
Các chủ đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng chung cư cũ nát, nguy hiểm theo tôi là rất dũng cảm, phải khuyến khích họ! Thành phố chủ trương tạo điều kiện hết sức cho họ. Nhưng khi xem xét chủ đầu tư là phải xem khả năng thực thi của từng chủ đầu tư. Mỗi chủ đầu tư phải là một ''Mạnh Thường Quân'' trong lĩnh vực cải tạo, xây dựng hạ tầng đô thị, được nhiều ngành thẩm định, xem xét rồi đề xuất.
-
Tràng An Nguyễn (thực hiện)
>>Tổ trưởng nhà B6 Giảng Võ tiết lộ sự thật tréo ngoe!
>>Di dân khỏi nhà nguy hiểm: Khẩn cấp là vô thời hạn!?
>>UBND TP.Hà Nội trả lời vụ B6 Giảng Võ
>>HN: Khẩn cấp di dân khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ
>>Chung cư nát - không nan giải nếu tư duy rành mạch!