Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố một con số giật mình: TP.HCM có đến 65,5% tuyến xe buýt trùng lắp!
Xe buýt trùng tuyến lấn đường để giành khách (ảnh chụp trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh - TP.HCM). Ảnh: H.Thúy |
Sự xuất hiện của xe buýt điểm đã giải quyết rất đáng kể nhu cầu đi lại của người dân, nhưng sự nở nồi của xe buýt điểm trong thời gian gần đây bắt đầu tạo sự nghi ngại cho nhiều người, nhất là tình trạng chỉ một tuyến đường nhưng có nhiều tuyến xe buýt chen nhau chạy. Hậu quả tức thì là tình trạng kẹt xe. Hậu quả lâu dài sẽ là lãng phí tiền của Nhà nước khi bỏ ra chi trợ giá xe buýt.
Mạng nhện... buýt
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là trung tâm) năm 2006, TP.HCM đã có 184 tuyến xe buýt có trợ giá. Một con số khá lớn so với dăm ba tuyến của năm 2001, thời điểm mở đầu chương trình phát triển vận tải hành khách công cộng. Nhiều khu vực được kết nối, con số người dân đi xe buýt cũng tăng đột biến. Sản lượng vận tải hành khách công cộng năm 2006 đạt 308,9 triệu lượt hành khách, tăng 21,5% so với năm 2005.
Nhưng niềm vui đó chưa được bao lâu thì Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố một con số giật mình: TP.HCM có đến 65,5% tuyến xe buýt trùng lắp! Điều này có nghĩa là sự nghi ngờ của dư luận về chuyện lãng phí những tuyến xe là có thật. Theo tìm hiểu của chúng tôi qua một chuyên gia giao thông, sự trùng tuyến là điều được chấp nhận trong ngành vận tải hành khách công cộng nhưng chỉ với một tỉ lệ hợp lý, không dày đặc đến như vậy.
Mở bản đồ hướng dẫn hành khách đi xe buýt sẽ dễ dàng nhận thấy một trục đường có gần một chục tuyến xe qua lại như mạng nhện. Đường xương sống Cách Mạng Tháng Tám của TP gần như quá tải bởi lượng xe buýt nối đuôi nhau trong giờ cao điểm. Phó Đội trưởng Đội CSGT số 5, ông Đỗ Tiến Dũng cảnh báo cảnh sát cũng khá mệt mỏi vì điều tiết lưu thông ở những tuyến đường có quá nhiều tuyến xe buýt như Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh. Giờ cao điểm, xe buýt cứ xếp hàng đôi kéo dài khiến cả khu vực nghẽn mạch. Chung số phận còn có hàng loạt tuyến đường khác như: Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh...
Khổ thân, hoảng vía vì buýt
Trong khi người lưu thông trên đường kêu trời vì xe buýt trùng tuyến quá nhiều, chiếm hết diện tích giao thông, hành khách đi xe buýt cũng chẳng sung sướng gì khi đi trên đường có nhiều tuyến trùng lắp. Xe vừa trờ tới, tiếp viên đã vội vã vẫy khách ra giữa đường để chặn khách của xe sau. Cảnh người và xe đong đưa nhau giữa đường là chuyện diễn ra thường ngày. Lên xe, khách cũng te tua không kém khi gặp phải xe chạy chậm hơn cả... xe đạp để vét khách ở những nơi đông dân cư. Sau đó, qua những chỗ ít khách, xe lại chạy đua để bù lại những phút chạy chậm.
Hành khách vừa hoảng vía vì xe phóng ào ào, vừa hồi hộp vì có thể bị đẩy xuống một cách phũ phàng khi phải xuống xe ở những đoạn đường này. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2, những vụ tai nạn xe buýt diễn ra chủ yếu trong lúc hành khách lên xuống như thế này. Một tài xế cho biết, chuyện “rà rút” khách không còn xa lạ với dân trong nghề xe buýt. Gặp nhau trên tuyến trùng là cứ đua nhau mà chạy để hốt khách. Khi bị xe trước gom hết khách là phải chơi tốc độ rùa để chờ lượng khách mới túa ra. Cứ thế, vòng luẩn quẩn xe buýt “rà rút” khách không có cách trị.
Cần phân vùng hoạt động Không đồng ý với số liệu của Trường ĐH Bách khoa, Phó Phòng Vận tải Công nghiệp Sở GTCC, ông Lê Trung Tính, cho biết: Số liệu 65,5% tuyến xe buýt trùng lắp bao gồm cả các tuyến đưa đón công nhân, học sinh, không phải dành riêng cho hệ thống xe buýt điểm. Theo ông Tính, tỉ lệ trùng lắp tuyến chỉ khoảng 30%, vẫn trong sự cho phép của ngành vận tải. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, sự trùng lắp giữa các tuyến đưa đón công nhân, học sinh và tuyến xe buýt điểm cũng là một sự lãng phí ngân sách Nhà nước. Theo Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông ĐH Bách khoa TPHCM, ông Phạm Xuân Mai, để giải quyết tình trạng trên, TP nên phân vùng hoạt động. Sẽ có những tuyến hoạt động nội bộ và liên vùng để giảm thiểu sự trùng lắp. Trong khi đó, giảng viên Nguyễn Thị Bích Hằng lại đề xuất rằng để giảm sự trùng lắp, TP không nên để những tuyến xe buýt quá dài như hiện nay. Tuyến dài còn gây cho tài xế dễ bị căng thẳng, không bảo đảm an toàn trong khi lưu thông. |
(Theo Người Lao động)
Ý kiến của bạn?