Hà Nội có mấy đường phố đủ điều kiện thế này để buýt nhanh BRT ngược xuôi trên những làn đường riêng ''bất khả xâm phạm''? |
(VietNamNet) -
Tin từ Bộ KH&ĐT: Hà Nội đã điều chỉnh dự án buýt nhanh BRT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng: trước mắt chỉ tập trung đầu tư thí điểm 1 tuyến! Theo công văn số 543/BKH-TĐ&GSĐT của Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa gửi Văn phòng Chính phủ ngày 24/1/2007, hợp phần I của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã được UBND TP. Hà Nội điều chỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 200/TB-VPCP ngày 4/12/2006.Theo đó, sau khi nghe báo cáo của UBND TP. Hà Nội và ý kiến của các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường... tại cuộc họp về Dự án phát triển giao thông đô thị thành phố Hà Nội (sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới) ngày 30/11/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có kết luận rất quan trọng cho dự án này.
Cụ thể, UBND TP. Hà Nội cần rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt chú ý phát triển giao thông công cộng và các trục vành đai, trục xuyên tâm thành phố (kể cả xây dựng các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt trên cao...).
Hợp phần I của Dự án phát triển giao thông đô thị thành phố Hà Nội trước mắt chỉ tập trung đầu tư thí điểm 1 tuyến xe buýt nhanh (BRT) từ Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Hà Đông - Ba La Bông Đỏ. UBND TP. Hà Nội cần rà soát cụ thể các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án và phù hợp với Đề án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến 2020.
Buýt nhanh BRT - ''tàu hỏa bánh hơi'' hay ''khủng long đường phố'' (như báo chí Việt Nam và nhiều độc giả từng mệnh danh)?! |
Được biết, ban đầu Sở GTCC Hà Nội đã đề nghị thành phố nghiên cứu, áp dụng mô hình buýt nhanh BRT trên 3 tuyến: Giảng Võ - Láng Hạ, Lê Duẩn - Giải Phóng và Trần Quang Khải - Nguyễn Văn Cừ.
Sau đó, UBND thành phố chỉ chấp thuận cho Ban Quản lý dự án giao thông - đô thị (Sở GTCC Hà Nội) và Tư vấn MVA Asia Limited nghiên cứu thí điểm 2 tuyến: Tuyến thứ nhất có chiều dài 13km bắt đầu từ khu vực Ba La (thị xã Hà Đông) qua Quốc lộ 6 - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Giảng Võ - Nguyễn Thái Học - Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng - Hàng Bài - xung quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Trần Phú - Ông Ích Khiêm - Sơn Tây - Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ; Tuyến thứ hai dài 11,5km điểm đầu ở Đầm Quang Lai qua Giải Phóng - Đại Cồ Việt - phố Huế - Hàng Bài - Hàng Khay - Bà Triệu - Đại Cồ Việt - Giải Phóng - Đầm Quang Lai...
Buýt thường đi ở đường phố Hà Nội đã khó nữa là buýt nhanh!!! |
Tiếp theo, tháng 3/2006, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu sau khi tham khảo ý kiến nhiều ban, ngành chuyên môn đã quyết định rút lộ trình của 2 tuyến buýt nhanh BRT thí điểm này chỉ được đi sâu vào trung tâm Hà Nội một tuyến đến phố Hai Bà Trưng (khu vực Trung tâm Thương mại Tràng Tiền), tuyến còn lại dừng ở Kim Mã. Bên cạnh đó, dự án này chỉ được nhập loại buýt BRT có chiều dài xe tương đương với các loại buýt thường hiện đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội và không khớp nối (nghĩa là chỉ duy nhất 1 toa).
Bộ KH&ĐT cho biết, tuyến liên quan còn lại (hiện chưa được phép triển khai) đang được UBND TP. Hà Nội tổ chức nghiên cứu nhằm tạo thành hệ thống BRT liên thông đạt hiệu quả cao trong đầu tư và khai thác loại hình vận tải này.
Đón nhận thông tin này, nhiều người dân rất phấn khởi và yên tâm vì trước mắt khoảng 5 năm tới nhiều đường phố Hà Nội tạm thời chưa phải sẻ chia cho loại phương tiện từng được mệnh danh là ''tàu hoả bánh hơi'', ''khủng long đường phố'' BRT. Hơn nữa, BRT khi đã bị hạn chế chỉ còn 1 toa và chiều dài không hơn buýt thường thì đã mất đi phần lớn đặc trưng của loại hình này: buýt nhanh giờ đây đã trở thành buýt thường, có khác chăng chỉ là được tung hoành trên làn đường (chừng 7m) riêng ''bất khả xâm phạm'', tách biệt với luồng giao thông chung.
GS.TS Hà Đình Đức - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô: Chúng tôi hoan nghênh quyết định sáng suốt của Thủ tướng chỉ cho phép trước mắt triển khai 1 tuyến buýt nhanh BRT vì vừa hợp lòng dân vừa hợp với hạ tầng giao thông đô thị hiện nay của Hà Nội. Nội đô Hà Nội thoát cảnh nghênh ngang của những buýt nhanh khổng lồ được ưu tiên bậc nhất trong các phương tiện giao thông. Khi dự án này đưa ra, tôi đã phát biểu: Hãy dừng lại trước khi quá muộn! Nếu dự án này thực thi toàn phần thì chỉ có cách cấm tuyệt đối các phương tiện giao thông cá nhân, mà đó là điều không tưởng!Nhà báo quân đội Xuân Thuỷ: Tôi tin rằng quyết định đúng đắn của Thủ tướng sẽ nhận được hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo dân Thủ đô, vì ngay như hệ thống ''buýt chậm'' đang vận hành cũng còn quá nhiều vấn đề bức xúc thì việc ''buýt nhanh xuống phố'' bị người dân tặng cho các mỹ từ ''hung thần xa lộ'', ''khủng long bay''... là đúng lắm lắm! Ai dám chắc hành lang 7m ấy là ''bất khả xâm phạm'' cho BRT vi vu? Ở nước ta, các đường ngang cho tàu hoả, đường cao tốc còn bị dân đi cắt qua nữa là đường trong phố? |
-
Hoàng Huy
>>Buýt nhanh BRT giã từ ước mơ dạo quanh hồ Hoàn Kiếm!
>>Tại sao nhiều nơi trên thế giới không dùng buýt nhanh BRT?
>>Bạn sẵn sàng chia sẻ đường Hà Nội cho xe buýt nhanh?
>>Người dân nghĩ gì về dự án xe buýt nhanh BRT?