(VietNamNet) - Trước những dư luận trái ngược xung quanh vấn đề xây dựng lại chung cư nguy hiểm B6 Giảng Võ (Ba Đình, HN), UBND TP vừa có văn bản trả lời chính thức việc này.
Luật đã định: nhà nguy hiểm, di dời không chờ đồng thuận, thậm chí cưỡng chế phá dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân. |
VietNamNet xin trích đăng trả lời của UBND TP.Hà Nội trong công văn hoả tốc số 125/VP-XDĐT:
1. Theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Xây dựng, ngay từ năm 1999, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở TN-MT&NĐ cùng các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ quỹ nhà chung cư nguy hiểm trên địa bàn Thành phố; lập đề án cải tạo xây dựng lại, báo cáo Chính phủ cho phép tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn của Trung ương và Thành phố cũng như các nguồn vốn huy động khác.
Với kết quả điều tra ban đầu (bằng phương pháp chuyên gia), hiện có 77 công trình nhà ở 4-5 tầng của cả Trung ương và Thành phố Hà Nội quản lý tại 23 khu chung cư đang trong tình trạng nguy hiểm cần được giám định chất lượng, lên phương án di chuyển, phá dỡ, xây dựng lại, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Song do Nhà nước có khó khăn về nguồn vốn nên việc tổ chức thực hiện giám định, lên phương án cải tạo, xây dựng lại các quỹ nhà nguy hiểm này chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức xã hội hoá, kêu gọi nhà đầu tư là các doanh nghiệp tham gia.
Chủ trương này đã được Chủ tịch UBND TP giao Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở TN-MT&NĐ) tổ chức công bố công khai để các nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện.
Đối với nhà B6 Giảng Võ, tại thời điểm năm 2004 chỉ có Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng & dịch vụ thương mại Hà Nội (sau đổi tên là Công ty cổ phần Hà Nội - ICT) đăng ký nghiên cứu, thực hiện và theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (công văn 18/CV-UB ngày 4/2/2004), Giám đốc Sở TN-MT&NĐ và Giám đốc Sở KH&ĐT, UBND TP đã có văn bản 2536/UB-KH&ĐT ngày 22/7/2004 về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu lập dự án xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ theo phương thức nói trên.
Sau khi dự án được các sở, ngành xem xét, thẩm định và báo cáo, UBND TP sẽ xem xét lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Kết cấu chịu lực nhà B6 từ những năm đầu thập niên 90 đã được kết luận là không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường. |
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, do có một số hộ gia đình nhà B6 không thống nhất với việc giao Công ty cổ phần Hà Nội - ICT làm chủ đầu tư dự án (ở đây cần nhắc lại là UBND TP mới giao Công ty cổ phần Hà Nội - ICT nghiên cứu, lập dự án, chưa giao làm chủ đầu tư) và có các khiếu nại nên tiến độ triển khai dự án của Công ty này bị chậm. Công trình nhà B6 tiếp tục bị xuống cấp và tăng thêm mức độ nguy hiểm.
Ngày 20/4/2006, UBND phường Giảng Võ có văn bản số 88/BC-UB báo cáo về tình trạng xuống cấp, nguy hiểm của nhà B6 và kiến nghị Thành phố có biện pháp di dời các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm; đồng thời một số hộ dân nhà B6 khiếu nại gửi Ban Dân nguyện (Uỷ ban thường vụ Quốc hội) nghi ngờ kết luận của các cơ quan hữu quan về mức độ nguy hiểm của nhà B6.
Ngày 3/5/2006, UBND TP đã có công văn số 1798/UBND-XDĐT giao Sở TN-MT&NĐ cùng UBND quận Ba Đình kiểm tra, có biện pháp xử lý giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất ý kiến giải quyết, báo cáo UBND TP quyết định.
Sở TN-MT&NĐ đã tổ chức trưng cầu giám định của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và ngày 6/11/2006 Cục này đã có văn bản số 527/GĐ-GĐ1 xác định mức độ nguy hiểm của nhà B6 là ở mức D (mức cao nhất), khả năng chịu lực của các kết cấu chịu lực không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, đề nghị thông báo đến từng hộ dân về mức độ nguy hiểm và cho di chuyển các hộ dân ra khỏi công trình để bảo đảm an toàn tính mạng người sử dụng.
Sở TN-MT&NĐ có công văn 5531/TNMTNĐ-TNĐT ngày 21/2/2006, Sở KH&ĐT có văn bản 659 ngày 28/11/2006 báo cáo và đề nghị cho thực hiện việc di dời các hộ dân nhà B6.
Căn cứ điều 84 Luật Xây dựng, điều 83 và 89 Luật Nhà ở, điều 55 và 56 Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ, UBND TP đã ra văn bản 23/UBND-XDĐT ngày 3/1/2007 giao UBND quận Ba Đình chủ trì, phối hợp Sở TN-MT&NĐ, Ban Chỉ đạo GPMB TP và Công ty cổ phần Hà Nội - ICT lên phương án và hoàn tất các thủ tục để thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình đang sống trong nhà B6 Giảng Võ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước, bảo đảm ổn định cuộc sống cho họ tại nơi tạm cư.
3. Trước phản ánh của báo chí, ngày 11/1/2007, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có buổi thị sát thực tế tại hiện trường, tiếp xúc với một số hộ dân, sau đó bàn bạc tại cuộc giao ban và UBND TP thống nhất chỉ đạo:
- Đối với nhà nguy hiểm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định phải dỡ bỏ, trong khi chưa xác định được chủ đầu tư lập, thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại thì việc di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người sử dụng và công trình là cấp thiết và là trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND các quận, huyện nơi có các công trình thuộc diện nguy hiểm nói trên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc tổ chức thực hiện di dời.
- Đối với chung cư B6 Giảng Võ, giao UBND quận Ba Đình thành lập Ban Chỉ đạo nhà B6 Giảng Võ do Chủ tịch UBND quận Ba Đình làm Trưởng ban, thành phần gồm lãnh đạo các sở: TN-MT&NĐ, Tài chính, KH&ĐT, Ban Chỉ đạo GPMB TP, UBND phường Giảng Võ và đại diện của 3 tổ dân phố trong toà nhà (do các tổ bầu chọn hoặc cử) để tổ chức xây dựng và thực hiện di dời, xem xét các phương án đề xuất cải tạo xây dựng lại nhà B6 của các chủ đầu tư theo các quy định của Nhà nước và Thành phố.
Ban Chỉ đạo nhà B6 có quyền đề xuất nhà đầu tư thực hiện dự án và tổ chức giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng theo quy chế giám sát cộng đồng của Chính phủ. Trường hợp có từ 2 tổ chức, doanh nghiệp muốn tham gia đầu tư xây dựng thì sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo các quy định hiện hành.
Nhà đầu tư khi được lựa chọn có trách nhiệm khẩn trương tổ chức lập và thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
-
P.V.
Bạn có ý kiến gì về công văn của UBND TP. Hà Nội?
>>HN: Khẩn cấp di dân khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ
>>Chung cư nát - không nan giải nếu tư duy rành mạch!