221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
880842
Bùng nổ kẹt xe: Mơ về một giải pháp hữu hiệu
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bùng nổ kẹt xe: Mơ về một giải pháp hữu hiệu
,

TP.HCM đã làm được nhiều việc để chống kẹt xe nhưng tất cả vẫn như muối bỏ biển - Giải pháp nào cho tình trạng bùng nổ kẹt xe như hiện nay là điều đông đảo cư dân quan tâm hàng đầu. Nhưng để tìm ra lời giải cho câu hỏi này quả là điều không dễ.

>>Bùng nổ kẹt xe: “Thủ phạm mới”- xe buýt

Quỹ đất dành cho giao thông quá thấp

Nút giao thông Lăng Cha Cả - Cộng Hòa, Q. Tân Bình lúc 17 giờ ngày 27-12: Một khu vực được phân luồng khá hiệu quả của ngành giao thông. Ảnh: N.H (NLĐ)

Theo Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) đường bộ Công an TP.HCM, hiện TP có 55 điểm xảy ra ùn tắc giao thông. Với tốc độ phát triển xe cá nhân quá lớn (mỗi ngày có khoảng 700 ôtô, xe gắn máy đăng ký mới) thì các điểm đen giao thông về kẹt xe sẽ tăng cao. Sở GTCC cũng nhìn ra được vấn đề khi cho rằng, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp mà lượng xe tăng không ngừng. Một vài số liệu được sở dẫn chứng: 1.000 dân TP chỉ có 0,36km đường (tiêu chuẩn là 1.000 dân/km), mật độ diện tích đường trên đầu người là 1,48 m2/người (tiêu chuẩn là 6-10 m2/người). TP.HCM lại là địa phương có mật độ xe hai bánh cao nhất thế giới, 400-450 xe/1.000 dân. Vì thế, bài toán giải quyết ùn tắc giao thông tại một điểm vừa đưa ra, chỉ thời gian ngắn đã mất tác dụng vì lượng xe tăng quá nhanh.

Ngoài chuyện bùng phát xe cá nhân, việc tổ chức giao thông chưa hợp lý và dễ dãi trong quản lý của chính quyền địa phương cũng góp phần tạo nên ùn tắc giao thông. Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ Công an TP.HCM, cho biết: “Những điểm ùn tắc cục bộ đang phát sinh nhiều tại các khu vực phải phân luồng tạm để phục vụ công trình xây dựng hạ tầng giao thông. Nhiều đơn vị thi công không thực hiện việc bố trí đèn tín hiệu, rào chắn và cắt cử người điều tiết giao thông theo quy định, các công trình này không chỉ gây ùn tắc mà thậm chí đã có trường hợp xảy ra tai nạn chết người”.

Trị bệnh bằng thuốc cũ!

Trong thời gian qua, TP đã kéo giảm được hơn 50 điểm ùn tắc giao thông. Nhiều giải pháp đưa ra đã chứng minh được hiệu quả như phân luồng vòng xoay Lăng Cha Cả. Đầu tiên, người dân cảm thấy phiền toái nhưng dần dần không còn thấy cảnh kẹt xe nên đã chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, đó chỉ là những “hạt muối bỏ biển”. Chúng ta có thể nhận thấy ngành chức năng vẫn chưa có nhiều động thái tích cực giải quyết thực trạng kẹt xe trước tình hình mới. Từ đầu năm 2006 đến nay, chưa có một công trình phân luồng giao thông lớn nào được triển khai để giải quyết các điểm ùn tắc giao thông. Trong kiến nghị của Ban An toàn giao thông TP với UBND TP trong 9 tháng vừa qua cũng dừng lại ở một số việc như bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường tuyên truyền giáo dục.

Một giải pháp lớn để giải quyết tình trạng kẹt xe nóng bỏng của TP chưa được các ngành chức năng lưu tâm là giải pháp của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trường này kiến nghị để giúp xe buýt thoát cảnh “tội đồ” gây kẹt xe là phân vùng hoạt động. Các tuyến xe buýt sẽ hoạt động theo từng vùng và có nhiều tuyến liên kết giữa các vùng. Với giải pháp như thế, các tuyến đường sẽ không bị xe buýt chạy quá nhiều vừa lãng phí vừa gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thịnh, những ngày cao điểm cuối năm, Phòng CSGT Đường bộ sẽ huy động 100% lực lượng trực chiến, chủ động phân luồng, nắn dòng, không để các phương tiện đi vào khu vực đã quá tải hoặc có ùn ứ. Yêu cầu UBND cấp quận, phường không được tùy tiện cấp phép cho các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng vỉa hè tổ chức khuyến mãi, giữ xe gây mất an toàn giao thông.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, Phó Ban An toàn Giao thông TP.HCM:

Tổ chức lại hệ thống vận tải hành khách công cộng

Để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, điều cốt lõi là phải tổ chức lại vận tải hành khách công cộng. Theo tôi, chỉ có xe buýt mới đáp ứng được yêu cầu này nhưng phải nhanh chóng tổ chức lại cho hợp lý, bố trí lại các luồng tuyến xe buýt, không để chồng chéo như hiện nay. Cố gắng đến năm 2014, TP.HCM sẽ có tuyến xe điện trên không đầu tiên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều phối giao thông TP. Từ nay đến năm 2014, vẫn sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng với mục tiêu là đến năm 2020-2025 chỉ có 40% xe cá nhân lưu thông, còn lại 60% là vận tải hành khách công cộng. Chúng tôi kiến nghị TP chấp thuận phương án giảm lượng xe cá nhân bằng biện pháp kinh tế, số tiền thu được từ xe cá nhân sẽ được đầu tư để phát triển vận tải hành khách công cộng.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, thành viên Ban An toàn Giao thông TP.HCM:

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo tôi, cần lắp đặt bổ sung, khắc phục các bất hợp lý về dải phân cách, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo, phân luồng phục vụ các dự án lớn đang triển khai hợp lý hơn. Đặc biệt, cần nghiên cứu và nhanh chóng áp dụng việc tổ chức phân luồng giao thông một chiều các cặp đường song song, các điểm thắt nút cổ chai... Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm; ngoài giờ cao điểm, lực lượng công an nên tăng cường tuần tra trên các tuyến đường nội thành. Các đội quản lý trật tự đô thị ở địa phương cần thường xuyên ra quân xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, họp chợ tự phát gây cản trở giao thông...

(Theo Người Lao động)

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,