Dù Hà Nội đã có những quy định khá chặt chẽ trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD), nhưng thực tế tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra thường xuyên.
Có những ngôi nhà xin phép xây 7 tầng nhưng gia chủ xây lên 12 tầng, thậm chí xin phép xây 13 tầng nhưng hiện công trình đã xây trên 20 tầng… Nhưng lạ là gần như không ai phải chịu trách nhiệm?
“Đua nhau” vi phạm
Công trình vi phạm tại số 4 Đặng Dung. |
Ngay tại các quận trung tâm của thành phố như: Ba Đình, Hai Bà Trưng… nhiều công trình xây dựng đã vi phạm nghiêm trọng. Tại quận Ba Đình, nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn đang “đua nhau” vi phạm.
Toà nhà cao chót vót tại số 4 phố Đặng Dung gần hồ Trúc Bạch (thuộc phường Trúc Bạch), theo giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp thì chủ đầu tư được phép xây dựng 13 tầng + 1 tầng tum +1 tầng kỹ thuật +1 tầng hầm thế nhưng hiện công trình đã xây dựng trên 20 tầng và đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Có lẽ vì vi phạm dễ dàng được “bỏ qua” nên nhiều chủ công trình không những không thực hiện theo nội dung giấy phép và thiết kế đã được phê duyệt, mà còn tiếp tục mắc thêm một loạt vi phạm khác như: Lấn chiếm không gian, xây thêm tầng, mở rộng diện tích sai quy định, lấn chiếm các chỉ giới xây dựng...
Vi phạm lớn, xử lý “treo”
Một cán bộ ngành xây dựng cho rằng, việc hiện nay trên địa bàn Hà Nội có nhiều công trình xây dựng lớn vi phạm trong TTXD, thực tế là không thể “qua mắt” được các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền sở tại.
“Nếu chính quyền làm hết trách nhiệm, hết thẩm quyền của mình ngay từ khi phát hiện vi phạm thì chắc những công trình sai phép trên không thể tồn tại và các chủ công trình sẽ không dám ngang nhiên vi phạm” - Vị cán bộ này nói.
Khi chúng tôi đến tìm hiểu về những trường hợp vi phạm trên, các cấp quận, phường nơi có công trình sai phạm đều khẳng định là họ biết rất rõ các trường hợp sai phạm đó, họ có đầy đủ hồ sơ.
Thế nhưng, khi được hỏi về các biện pháp xử lý, cũng như trách nhiệm của chính quyền? Câu trả lời là “chúng tôi hiện đang họp bàn để tìm biện pháp xử lý hay chúng tôi đã làm hết thẩm quyền, chức năng của mình…”.
Theo Quyết định số 28 của UBND TP Hà Nội, “Quy định về cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố” nêu rõ:
Cơ quan cấp phép phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với các công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc công trình xây dựng không đúng với giấy phép được cấp.
Tuy nhiên, trên thực tế quy định này hầu như vẫn chưa được thực hiện. Các biện pháp xử lý đối những trường hợp vi phạm trong TTXD hầu hết các chính quyền sở tại hiện mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính, rồi cho… tồn tại, hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng việc tổ chức thực hiện lại không nghiêm hoặc để quyết định bị “treo”.
Nhiều công trình lớn mặc dù vi phạm trong thời gian dài, nhưng biện pháp được coi là “mạnh” nhất là việc UBND phường lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính (phạt 200 nghìn đồng), để cho chủ công trình vi phạm trì hoãn hay lấy lý do “xin phép bổ sung” nhằm hoàn thiện công trình.
Được biết, trước tình hình trên, vừa qua UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các sở, ngành khi phát hiện có vi phạm xây dựng phải có quyết định và tổ chức buộc tháo dỡ ngay phần xây dựng trái phép, không dùng hình thức xử phạt và không yêu cầu, hướng dẫn chủ đầu tư xin phép bổ sung để chủ đầu tư có thời gian tiếp tục xây dựng, hoàn thiện công trình gây khó khăn cho việc xử lý…
Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ như thế nào khi mà cách xử lý vi phạm trong xây dựng hiện nay đang “giúp” cho nhiều người vi phạm.
Hậu quả lớn, ai chịu trách nhiệm? |
Trong 10 tháng năm 2006, Thanh tra xây dựng TP Hà Nội kiểm tra trên 6.000 công trình xây dựng thì có 1.171 công trình không phép; sai phép là 361 công trình; trái phép 1.323 công trình; các vi phạm khác 628 công trình. Tuy nhiên việc xử lý triệt để là rất ít. Trường hợp xây dựng sai phép được xử lý nghiêm là vi phạm của chủ công trình số 221-223 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), gia chủ xin phép xây 7 tầng, nhưng công trình đã xây thành 12 tầng. Dù nằm ngay mặt phố chính nhưng những vi phạm của công trình này đã không được chính quyền sở tại kiên quyết xử lý ngay từ đầu. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, lãnh đạo cao nhất của thành phố chỉ đạo và phải qua cả chục cuộc họp thì phần xây dựng sai phép mới bị “cắt ngọn”. Tuy nhiên, gần như không ai bị kỷ luật vì để xảy ra những vi phạm trong xây dựng. |
(Theo Tiền Phong)
Ý kiến của bạn về vấn đề này?