(VietNamNet) - "Hôi thối, ô nhiễm đầy ra đó mà cán bộ bảo là không thì chúng tôi không hiểu máy móc đo kiểu gì" - một người dân ở gần cơ sở chế biến phân bón Hòa Bình bức xúc!
Tiến thoái lưỡng nan
Mặc dù đến 31/12 là thời hạn cuối cùng để cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình (1/8 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) buộc phải di dời ra khỏi khu dân cư nhưng sáng 23/11, xe rút hầm cầu vẫn liên tục tấp vào bãi đáp.
Hết xe này đến xe khác đều đặn cách khoảng 15-20 phút lại có một chuyến tấp vào khu vực "chế biến" phân bón để "xả".
Một người dân cho biết, "mật độ" xe rút hầm cầu vào bãi dạo này thưa thớt hẳn chứ cách đây một tháng, nơi đây từng xảy ra bùng phát nạn xe hút hầm cầu xả chất thải bừa bãi, vô tội vạ...
Tại nơi đây, khoảng 2/3 số lượng xe rút hầm cầu trên toàn thành phố tập kết ở cơ sở chế biến phân bón Hòa Bình và đổ ra đây thứ chất thải bốc mùi hôi thối làm ô nhiễm nghiêm trọng không khí cả khu vực rộng lớn.
Trên những thửa đất được chia thành từng lô chứa đầy chất thải hầm cầu đen kịt, bốc mùi thối nồng nặc; nhiều tốp công nhân vẫn chăm chỉ cày xéo làm việc không ngơi tay. Dường như họ không biết chuyện nay mai, nơi họ làm việc buộc phải đóng cửa.
"Nếu nói về sức chịu đựng, người dân ở phường Sơn Kỳ này thuộc loại "bạo gan" vì bao bọc xung quanh vùng này toàn những địa danh gây ô nhiễm nổi tiếng: nghĩa trang Bình Hưng Hòa, bãi rác Gò Cát, kênh 19/5 và cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình" - ông Trần Văn Liên, Tân Kỳ Tân Quý - khu phố 3 bức xúc.
Người dân ở quận nội thành này phần lớn đều nghèo. "Nếu có tiền mua đất ở nơi khác, chẳng ai dại gì đến đây lập nghiệp để rồi ngày ngày phải chịu đựng hít thở bầu không khí ô nhiễm đến nhức ong cả óc. Mùi hôi ám vào từng ngóc ngách trong nhà, dù bịt kín cửa vẫn không thoát khỏi" - ông Nguyễn Ngọc Huấn, Bí thư, cán bộ khu phố 4 nói.
Mặc dù khoảng hơn tuần nay, khu vực bãi chứa nguyên liệu, sản xuất phân bón của cơ sở Hòa Bình có hạn chế phần nào mức độ ô nhiễm nhưng với cách sản xuất thủ công hầu như không thay đổi nhiều trong 20 năm qua, người dân địa phương vẫn không ngừng ta thán.
Trái ngược với suy đoán ban đầu của chúng tôi là chủ cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình cố tình chây lì, trì hoãn thời gian di dời, ông Lê Tiến Dũng (Giám đốc cơ sở) cho biết bản thân ông rất muốn nhanh chóng dời đến khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đa Phước (huyện Bình Chánh) nhưng hiện giờ cơ sở hạ tầng, cụ thể là 400m đường dẫn vào vị trí dự kiến đặt xưởng sản xuất của Hòa Bình vẫn chưa xong.
Ông Dũng khẳng định rất mong muốn chuyển đến vị trí mới càng sớm càng tốt vì "an cư mới lạc nghiệp". Ông Dũng thừa nhận cơ sở của ông đang trong tình trạng "đi không nỡ, ở chẳng xong".
Di dời lận đận
Thế nhưng, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT), cơ quan lẽ ra phải nhanh chóng triển khai thực hiện di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư theo Nghị quyết của HĐND thành phố thì trong buổi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND vào chiều 23/11, cơ quan này đã đề nghị xem xét kiến nghị gia hạn thời gian di dời của Công ty Hòa Bình đến khi dự án Nhà máy xử lý chất thải Đa Phước đi vào hoạt động.
Theo lập luận của Sở TNMT, do cơ sở Hòa Bình tiếp nhận vào khoảng 250-300m3 chất thải hầm cầu/ngày (tức khoảng 2/3 khối lượng chất thải hầm cầu của toàn thành phố) nên nếu đóng cửa cơ sở thì 1/3 số lượng xe còn lại sẽ tự ý đổ bỏ chất thải vào hệ thống kênh rạch, hố ga thoát nước và khu vực ngoại ô thành phố.
Do vậy, để đem lại lợi ích cho 8 triệu dân thành phố, khoảng 300 hộ dân ở phường Sơn Kỳ đành phải "hy sinh" chịu đựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lẽ ra, cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình đã phải di dời trong năm 2003. Tuy nhiên từ đó đến nay, nó vẫn thường xuyên được gia hạn di dời và vẫn hoạt động bình thường.
Đã có lúc, nhằm ngăn chặn việc tiếp nhận chất thải hầm cầu tại đây, cán bộ tổ vận động di dời phường Sơn Kỳ đã làm việc với những tài xế xe hút hầm cầu đến xả chất thải, lập biên bản thông báo yêu cầu các xe không được đưa chất thải hầm cầu đến xả tại địa điểm này nữa, đồng thời lập biên bản vi phạm đối với ông chủ cơ sở buộc phải ngưng tiếp nhận nước thải hầm cầu. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, các tài xế sau đó vẫn tái hoạt động với giấy phép chấp thuận do Sở TNMT cấp cầm trên tay.
Không đồng tình với quan điểm của Sở TNMT, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố nói: "Không thể để dân chịu đựng thêm nữa. Người dân ở những nơi ô nhiễm khác như bãi rác Gò Cát còn được cấp thuốc khám bệnh định kỳ chứ ở phường Sơn Kỳ này, dân không có quyền lợi gì".
Ông Hoàng Quốc Dân, Phó Chủ tịch HĐND phường Sơn Kỳ đặt nghi vấn với động cơ kiến nghị gia hạn di dời cho cơ sở Hòa Bình của Sở TNMT. Ông Dân nói: "Các cán bộ cứ xuống đây ở vài ngày thì hiểu tại sao dân chúng tôi đòi di dời cơ sở Hòa Bình ra khỏi khu dân cư. Phải chăng có sự thông đồng? Chủ trương của UBND thành phố là đúng nhưng triển khai xuống địa phương thì sai, liệu có sự tiếp tay ở đây hay không?".
Cơ quan quản lý nhà nước thờ ơ
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, Sở TNMT không thể trốn tránh trách nhiệm trong việc xử lý chất thải hầm cầu. Vì mặc dù sự việc này đã được công luận đánh động từ nhiều năm nay nhưng đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. "Ông hội đồng Khoa": "Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở TNMT kém quá! Tôi thấy Sở quá thờ ơ!".
Theo công văn số 3445 của UBND thành phố, cơ sở sản xuất phân bón Hòa Bình phải chấm dứt hoạt động vào ngày 31/12 và Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) chịu trách nhiệm xử lý chất thải hầm cầu sau thời hạn này.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hiếu, Phó Giám đốc Công ty MTĐT cho biết không thể chuẩn bị kịp thời gian để đầu tư xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để có thể tiếp nhận và xử lý theo thời hạn trên. Và có cố gắng thì công ty cũng chỉ có thể xử lý được 20-30m3 chất thải hầm cầu/ngày.
Trong khi đó, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đa Phước công suất 800 tấn/ngày (trong đó có 200 tấn/ngày chất thải hầm cầu) do Công ty MTĐT làm chủ đầu tư hiện nay vẫn đang trình xin ý kiến của các Bộ ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở TNMT, trước tình hình trên, vấn đề trước mắt đối với thành phố là sau thời hạn 31/12 thành phố sẽ không còn địa điểm tiếp nhận và xử lý chất thải hầm cầu khi Công ty Hòa Bình ngưng hoạt động (?).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không hẳn "bí" giải pháp cho vấn đề xử lý nước thải hầm cầu tại TP.HCM. Tại sao không chuyển lượng chất thải này về bãi rác Đông Thạnh?
- Trần Duy