(VietNamNet) - Theo thống kê hiện nay, lượng xe ôtô tại TP.HCM là 300.000 chiếc, xe gắn máy vào khoảng 3 triệu chiếc. Nhưng tìm đâu ra bãi đậu xe cho một lượng lớn phương tiện giao thông như thế còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Trước tình trạng trên, UBND thành phố đã yêu cầu Sở GTCC thực hiện chỉ đạo kêu gọi các nhà đầu tư rót tiền vào lĩnh vực này. Trước mắt là đối với bãi đậu xe ngầm dọc đường Nguyễn Huệ (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng) với chiều dài tối đa là 400m và chiều ngang tối đa là 50m.
Tuy nhiên, trong khi thực hiện, nhà đầu tư cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt do thành phố đưa ra như trong khi xây dựng phải tránh vị trí hai tuyến cống thoát nước dọc hai bên đường.
Về thiết kế, khoảng cách tối thiểu từ mặt đường đến nóc hầm ngầm cần được tính toán để đảm bảo an toàn cho hệ thống thoát nước. Cũng theo yêu cầu của thành phố, sức chứa tối thiểu đối với bãi đậu xe ngầm này là 1.400 xe ôtô hoặc 1.000 xe ôtô và 2.000 xe hai bánh.
Vị trí ở Công trường Lam Sơn, sau lưng Nhà hát lớn thành phố cũng được chọn để xây dựng bãi đậu xe ngầm nhưng đến nay cũng chưa thấy "khởi động". |
Nhà đầu tư chỉ được phép sử dụng tối đa 10% diện tích dải cây xanh hiện hữu trên đường Nguyễn Huệ để làm các lối lên xuống hầm. Nhà đầu tư còn phải chứng minh đảm bảo vốn sở hữu của mình đưa vào dự án đạt tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án và phần vốn đầu tư còn lại do nhà đầu tư tự vay và tự chịu trách nhiệm hoàn vốn. Nhà nước không can thiệp, tức không bảo lãnh cho khoản tín dụng vay phục vụ dự án của nhà đầu tư.
Về quyền lợi của mình, nhà đầu tư được miễn thuế đất, được hỗ trợ lãi đối với phần vốn vay trong thời gian xây dựng đối với phần dành làm bãi đậu xe là 3% với điều kiện hoàn thành sớm dự án để đưa vào sử dụng trước năm 2010.
Ngoài ra, ông Nguyễn Như Hiệp, Trưởng phòng kế hoạch đầu tư thuộc Sở GTCC TP.HCM cho biết, khi đưa bãi đậu xe ngầm này vào hoạt động, nhà đầu tư có quyền tự đưa ra mức giá nhưng phải phù hợp với quy định chung của pháp luật. Đặc biệt, dự án bãi đậu xe ngầm này buộc phải được đầu tư theo phương thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) vì phần đất trên đường Nguyễn Huệ là tải sản chung của toàn thành phố. Đây cũng là "trái tim" của thành phố nên ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan chung quanh vì vậy ông Hiệp nói phải lựa chọn kỹ càng nhà đầu tư.
"Tổng mức đầu tư khoảng 50-60 triệu USD và thời gian đầu tư trong khoảng 20-30 năm là hợp lý để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn và có lãi" - ông Hiệp nhận định.
Ngoài bãi đậu xe ngầm trên đường Nguyễn Huệ, TP.HCM cũng đang triển khai đồng bộ và kêu gọi đầu tư bãi đậu xe ngầm ở 7 vị trí khác là: công viên Lê Văn Tám, công trường Lam Sơn, sân vận động Hoa Lư, sân vận động Tao Đàn, 116 Nguyễn Du, công viên Bách Tùng Diệp và công viên Chi Lăng. Trong đó, dự án bãi đậu xe ngầm trên đường Nguyễn Huệ được đánh giá là dự án lớn nhất và mang tính điển hình của thành phố và hiện đã có 6 nhà đầu tư chọn vị trí này.
Tuy nhiên, các dự án nói trên vẫn còn đang nằm trên giấy. Giải thích về điều này, ông Hiệp cho biết, hầu hết các nhà đầu tư khi xây dựng thiết kế bãi đậu xe ngầm còn quá nhiều điểm chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc khảo sát không gian ngầm của những đơn vị này chưa chuyên nghiệp nên không đề ra những phương án khả thi.
Ngoài ra, ở TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung, hình thức đầu tư bãi đậu xe ngầm còn khá mới mẻ. Các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Vì thế việc xác định tiêu chuẩn an toàn đều phải tham khảo các nước tiên tiến trên thế giới, cụ thể là các nước thuộc nhóm G7. Mọi việc đều đang ở bước chập chững, "vừa làm vừa học".
-
Trần Duy