Tư vấn của dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội đang giới thiệu dự án này tại một cuộc họp báo ở Sở GTCC Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
(VietNamNet) -
Tin từ Sở KH&ĐT: 844 căn hộ tại Khu đô thị Thành phố Giao lưu với tổng mức đầu tư gần 600 tỉ đồng đã được lên kế hoạch chuẩn bị cho những hộ dân phải di dời và bị ảnh hưởng bởi công tác GPMB phục vụ dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội.844 căn hộ tái định cư này được chia làm 2 công trình: CT1 gồm 556 căn (diện tích sử dụng đất 20.900m2) và CT5 với 328 căn (sử dụng 15.400m2 đất). Trong đó, công trình CT1 được xây dựng bằng nguồn vốn vay ưu đãi của ODA theo hình thức hồi tố (hơn 230 tỉ đồng), công trình CT5 sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách.
Đây là dự án thành phần thuộc dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, nên sẽ được xem xét, phê duyệt quyết định đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, theo trình bày của Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội - đơn vị trực tiếp quản lý dự án, công trình CT1 dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2006 - 2008, CT5 từ 2007 - 2009.
Ô đất CT1, CT5 nằm trong dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu, huyện Từ Liêm (đã được UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 154/2006/QĐ-UBND ngày 1/9/2006 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500). Nếu không có gì thay đổi, tại ô CT1, chủ đầu tư sẽ xây 3 khối nhà 14 và 17 tầng, và 4 khối nhà 9 - 13 tầng tại ô CT5 theo dạng hợp khối, đúng quy định: tầng 1 làm dịch vụ công cộng kết hợp đỗ xe, từ tầng 6 trở lên không thiết kế ban-công, không sơn quét các màu đen, tối, sẫm và trang trí các chi tiết phản mỹ thuật...
Được biết, trong quá trình triển khai dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (2005-2009), khoảng 1.300 hộ dân sẽ phải di chuyển và 1.200 hộ dân khác bị ảnh hưởng do Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất. Song, các hộ dân này sẽ được hưởng khung chính sách hỗ trợ đặc thù có nhiều thuận lợi hơn so với các dự án khác trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: Đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ là đất nông nghiệp - các bộ, ngành thống nhất mức hỗ trợ tối đa bằng mức bồi thường theo giá đất nông nghiệp đã nêu tại văn bản số 1044/UB-NNĐC ngày 17/3/2006 của UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ.
Đất ở không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày có quyết định thu hồi đất, không vi phạm quy hoạch sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt công khai, cắm mốc và được chính quyền địa phương nơi có đất thu hồi xác nhận không tranh chấp thì được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở.
Ông Đỗ Đức Huân (giữa), Giám đốc BQL dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị, trực tiếp quản lý dự án Phát triển giao thông đô thị HN. Ảnh: Lê Anh Dzũng. |
Diện tích đất ở được hỗ trợ thực hiện theo hạn mức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quy định tại Quyết định số 23/2005/QĐ-UB ngày 18/2/2005 của UBND TP hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2003. Nguyên tắc xác định giá đất làm căn cứ, bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ, đảm bảo sát với giá thị trường.
Đối tượng được mua nhà tái định cư là các trường hợp đủ điều kiện được bố trí tái định cư theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Quyết định 26/2005/QĐ-UB của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Chủ sử dụng nhà, đất đủ điều kiện về quyền sở hữu tài sản như trên nhưng không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (KT3) nếu đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định 213/2005/QĐ-UB ngày 9/12/2005 cũng được bố trí tái định cư theo dự án.
Ngoài ra, các chủ sử dụng đất thuộc diện KT3 không thuộc quy định trên, được xét mua nhà tái định cư tại khu di dân của thành phố (giá bán nhà do UBND TP quy định).
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội với tổng mức đầu tư 170 triệu USD, dự kiến triển khai trong 4 năm (2005-2009) nhằm phát triển giao thông đường bộ và giao thông công cộng Hà Nội, nhất là các khu vực phía Tây, Tây Bắc thành phố. |
-
Tràng An Nguyễn
>> Buýt nhanh BRT giã từ ước mơ dạo quanh hồ Hoàn Kiếm!
>>Tại sao nhiều nơi trên thế giới không dùng buýt nhanh BRT?
>>Bạn sẵn sàng chia sẻ đường Hà Nội cho xe buýt nhanh?
>>Người dân nghĩ gì về dự án xe buýt nhanh BRT?