(VietNamNet) - “Mở mắt ra đã thấy nhà ngập. Một tháng thì có hết 20 ngày nước ngập. Làm sao người dân có thể sống được”- Bí thư Đảng ủy P.15, Q.8 bày tỏ.
Ở TP.HCM: Mưa cũng ngập, nắng...cũng vẫn ngập. |
>>>Giám đốc Sở GTCC TP.HCM: ''Nhà tôi cũng ngập''
>>>Vì sao chống ngập làm hoài không xong?
>>>Mưa lớn đầu mùa - TP.HCM mênh mông nước
Một tháng có đến 20 ngày ngập
“Dân ở đây đã khổ hơn 20 năm nay rồi. Sáng mới bảnh mắt ra đã thấy nhà ngập đầy nước. Muốn đi học, đi làm phải thức dậy từ lúc tờ mờ sáng để canh con nước. Học sinh, cán bộ công nhân viên lúc nào cũng phải thủ sẵn trong người 2 bộ quần áo để còn có đồ thay nếu chẳng may ướt hết người. Mùa SEA Games, bóng đá, đảm bảo nơi đây không có cảnh tụ tập diễu hành ăn mừng vì có đường đâu mà đi… toàn nước là nước”!
Bà Lê Thị Kim Dung (Bí thư Đảng ủy P.15, Q.8, TP.HCM) mô tả sinh động như vậy về cảnh sống khổ sở của cư dân nơi bà ở trong buổi tiếp xúc giữa Sở GTCC với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM về thực trạng và giải pháp cho vấn đề ngập nước tại một số khu vực thuộc Q.6, Q.8 và Bình Thạnh vào sáng 5/4.
Bà Dung cho biết thêm, người dân ở phường 15, quận 8 sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Thế nhưng, đã từ lâu người dân không thể canh tác, trồng trọt vì hầu như ngày nào cũng phải sống chung với cảnh ngập nước. Nhiều người dân đã bỏ nghề nông chuyển sang làm các nghề khác hoặc đi làm thuê, làm bốc vác. “Chính quyền thành phố coi dân quận 8 là con ghẻ hay sao?” - bà Dung nói.
Đồng tâm trạng như trên, ông Nguyễn Thanh Sang (Bí thư Đảng ủy phường 7, quận 8) bức xúc: “Việc đi lại ở phường chỉ trông chờ vào con đường độc đạo Phạm Thế Hiển dài khoảng 3,7km, nhưng lúc nào con đường này cũng ngập sâu hơn nửa mét. Người trong phường ra ngoài cũng không được, người ngoài muốn vào cũng không xong. Chỉ còn cách kiếm quán cà phê ngồi nhâm nhi chờ nước rút”. Ông Sang đặt câu hỏi với đại diện Sở GTCC: “Các vị cứ nói dự kiến đến năm này, năm kia xong. Hãy khẳng định cho dân chúng tôi biết chừng nào mới xong dự án chống ngập nơi đây?”.
Báo cáo của Sở GTCC cho biết, tại TP.HCM ngoài những khu vực cao chiếm khoảng 45% diện tích, còn lại là những khu vực thấp và địa hình bằng phẳng, không đảm bảo độ dốc để thoát nước và chịu ảnh hưởng nặng nề của thủy triều. Do vậy, ngoài nguyên nhân ngập do mưa, thành phố còn bị ngập do triều cường và nặng nề hơn khi mưa kết hợp với triều cường.
Đô thị hóa - Nguyên nhân ngập nước
Bùng binh Cây Gõ- Tân Hóa Đông- Lò Gốm (thuộc lưu vực Tân Hóa- Lò Gốm, Q.6), Bình Thạnh, Ngã tư Bốn Xã, khu vực kênh Ba Bò (Q. Thủ Đức) được xem là những “vùng rốn lũ” trong đô thị.
Thống kê của Sở GTCC tính đến 1/2006 cho thấy, toàn thành phố 5 khu vực ngập. Trong đó có đến 105 điểm ngập (gấp hơn 1,5 lần so số liệu cũ). |
Khu vực bùng binh Cây Gõ - Tân Hòa Đông - Lò Gốm (Q.6) được coi là điển hình ngập do kênh rạch bị lấn chiếm, bồi lắng, không còn khả năng thoát nước… Tại đây, mực nước dâng trong kênh rạch cao hơn nhiều so với mực thủy triều tại các cửa sông và đó là nguyên nhân gây ngập phổ biến nhất. Nước mưa trong khu vực bị ứ lại gây nên tình trạng ngập sâu từ 0,3-0,6m. Sau khi thủy triều xuống và dứt mưa, phải cần từ 6 tiếng đến 18 tiếng mới có thể hết ngập. Điều đáng nói ở đây, tình trạng ngập xảy ra ngay cả khi chỉ có mưa ở thượng lưu kênh Tân Hóa (Q.Tân Bình) thì khu vực này cũng bị ngập do kênh rạch không thoát nổi lượng nước tràn về từ thượng lưu.
Tuyến kênh Tân Hóa dài khoảng 7,6km, bắt đầu từ láng Bàu Cát và kết thúc tại vị trí giao với kênh Tàu Hủ. Tuy nhiên, từ khi khu vực Bàu Cát trở thành khu đô thị hóa, diện tích đất thấm tự nhiên bị thu hẹp, cộng thêm tình trạng lấn chiếm kênh rạch ngày một gia tăng khiến tình hình ngập ở khu vực này ngày càng nặng hơn.
Bình Thạnh cũng được xem là khu vực ngập điển hình do triều cường và ngập nặng hơn khi triều cường trùng với mưa. Ở đây, mực nước ngập sâu, nước rút rất chậm do hệ thống thoát nước không đủ (thường là khoảng 3- 6 giờ). Bình Thạnh tuy không sánh bằng “vùng lũ” bùng binh Cây Gõ nhưng lại ngập trên diện rộng và gần như ngập thường xuyên kể cả trời không mưa.
Khu vực Ngã tư Bốn Xã (Q.Bình Tân) là một khu đô thị mới nhưng không được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ. Nên khi triều cường dâng lên hoặc trời mưa, thời gian ngập ở đây kéo dài hơn một ngày, thậm chí vài ba ngày sau vẫn còn ngập. Khu vực kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức) lại gánh chịu hậu quả của sự phát triển khu vực lân cận từ Bình Dương, làm tình hình ô nhiễm nơi đây trở nên rất nghiêm trọng.
“14 năm nữa may ra mới hết ngập”!?
Theo ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTCC TP.HCM, từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm thành phố đầu tư xây dựng mới từ 25-30km cống cấp 2-3 với mức đầu tư bình quân năm là 400 tỷ đồng/năm trong khi nhu cầu cần đến 2000 tỷ đồng/năm. Đó là một khoản tiền lớn mà đến thời điểm hiện nay, ngân sách thành phố không thể gánh nổi. Ông Phượng cho biết, phải đến năm 2020, “may ra tình hình ngập nước tại TP.HCM mới có thể giải quyết căn cơ”.
Ngoài nguyên nhân quản lý đô thị chưa tốt dẫn đến hệ thống sông, kênh rạch bị lấn chiếm tự phát, tình trạng xả rác, chất thải rắn trực tiếp xuống sông kênh rạch… ông Trần Đình Phú - Phó Giám đốc Sở GTCC còn cho rằng: Quy hoạch phát triển đô thị không chú ý đúng mức đến cốt san nền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đễn tình trạng ngập nghiêm trọng như hiện nay.
Hiện các dự án quan trọng giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước tại TP.HCM phần lớn đều sử dụng nguồn vốn ODA tài trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, ông Phú cho biết, những dự án sử dụng nguồn vốn này chỉ mới ở giai đoạn “khởi động” nên chưa mang lại hiệu quả thoát nước.
Lời giải cho bài toán ngập nước từ “người xưa”
Tuy nhiên, ngoài những lý do và nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước nghiêm trọng như các nhà quản lý đô thị tại TP.HCM đã chỉ ra, có một số ý kiến của các nhà khoa học đưa ra gần đây cũng đáng lưu tâm.
Tại một cuộc hội thảo mới đây về “Thực trạng ngập lụt tại TP.HCM”, PGS - TS Nguyễn Minh Hòa (Giám đốc TT NC Đô thị và Phát triển Cộng đồng - Trường Đại học KHXH và NV) đã dẫn ra những “lời giải có từ xa xưa”. Theo PGS Hòa, cách nay 150 năm, những người quy hoạch thành phố Sài Gòn - Gia Định đã đề ra những phương án đối phó với lũ lụt. Trong đó có nhiều ý tưởng rất khoa học và khả thi, không ít những đề án của ngày đó, hôm nay (2006) được nhắc đến như một sự phát hiện hoàn toàn mới mẻ và được coi là giải pháp đề xuất đầy sáng tạo.
Bùng binh Cây Gõ: "Vùng rốn lũ trong đô thị". |
Theo đó, năm 1968, nhóm kiến trúc sư do ông Lê Văn Lắm lãnh đạo đã công bố “Dự án thiết kế Thủ đô Sài Gòn”. Đây là một dự án được coi là thực tế và có nhiều sáng tạo nhất so với các đề án khác cùng thời. Dự án nghiên cứu từ lịch sử, địa lý đến điều tra xã hội học, từ quy hoạch cũ đến trạng thái kế hoạch mới theo giả định, từ thiết kế công trình đến kế hoạch trù liệu tài chính. Dự án này có một điểm quan trọng nhất là xác định trục phát triển chính của thành phố. Theo ông Lắm, thành phố chỉ nên phát triển và mở rộng ra theo trục xa lộ Biên Hòa, hướng về phía Bắc Sài Gòn, đồng thời “thiết lập một đô thị Sài Gòn mới song hành với Sài Gòn cũ.
Cho đến trước 1975, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch danh tiếng của Pháp cũng như của Việt Nam như Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Kỹ sư Trần Lê Quang đều thống nhất cao về hướng phát triển chính của thành phố là phía bắc, đông bắc (Thuận An, Biên Hòa) và tây bắc (Củ Chi).
Các ông đưa ra khuyến cáo là bất luận trong trường hợp nào thành phố cũng không được phát triển công nghiệp và tiến hành đô thị hóa về hướng nam và đông nam thành phố (Nhà Bè, Cần Giờ, một phần Bình Chánh) vì đó là khu vực trũng, nó chính là túi để chứa nước khi mưa to, khi nước sông dâng lên tràn vào thành phố, nếu xây cất thì chỉ là nhà thấp tầng, nhà vườn, duy trì hình thái nông nghiệp sinh thái, không được bê tông hóa bề mặt để cho nước ngấm. Bởi vì thành phố có độ dốc từ bắc xuống nam.
Phải chăng đó là những lời giải không bao giờ cũ?.
-
Trần Duy