Mô hình cây cầu Phú Mỹ. |
(VietNamNet) - Theo hợp đồng BOT, cầu Phú Mỹ sẽ chính thức được khởi công vào 2/9. Tuy nhiên, tiến độ này có đảm bảo khi mặt bằng vẫn chưa được bàn giao? Gần như 100% người dân đã chuyển giao mặt bằng nhưng "sự cố" lại rơi vào 7 doanh nghiệp nằm trong khu quy họach xây cầu.
Cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam sẽ chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 2/9/2005 với tổng mức đầu tư 1.806 tỷ đồng do Công ty Cổ phần B.O.T cầu Phú Mỹ (một liên danh do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đứng đầu) làm chủ đầu tư.
Theo hợp đồng đã ký giữa chủ dự án là UBND TP.HCM với nhà thầu thì việc chuyển giao tổng mặt bằng trống cho nhà thầu vào cuối tháng 7/2005. Thế nhưng, đến thời điểm này, công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng khu vực triển khai dự án đang gặp trở ngại.
Theo báo cáo của UBND quận 7 về việc đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng cầu Phú Mỹ thuộc phạm vi của quận đã cơ bản hoàn tất. Gần 100% người dân nằm trong khu vực dự án đã chấp nhận phương án đền bù và đã nhận tiền, chuyển giao mặt bằng.
Tuy nhiên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để chuyển giao cho chủ dự án cầu Phú Mỹ hạn chót là ngày 30/6/2005 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM ở quận 7 đang gặp trở ngại do 7 doanh nghiệp không chịu di dời. Tuy phương án bồi thường đối với 7 doanh nghiệp này đã được Hội đồng thẩm định bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố thẩm định và đã được Sở Tài chính thành phố phê duyệt nhưng cả 7 doanh nghiệp này vẫn không chấp nhận.
7 doanh nghiệp nằm trong khu dự án cầu Phú Mỹ bao gồm: Nhà máy Thép Nhà Bè, Công ty TNHH Bao bì Hồng Hà, Công ty Thuốc sát trùng Tân Thuận, HTX Cơ khí Thống Nhất, Công ty Nông dược vi sinh VIGUATO, Xí nghiệp Đóng tàu Đồng Tiến và Công ty cổ phần cảng rau quả.
Theo 7 doanh nghiệp này, mức đền bù đối với đất phải là 100%; vật kiến trúc cũng phải bồi thường 100% và bồi thường thiệt hại do ngưng sản xuất khi phải di dời. Tuy nhiên, theo phương án đền bù đã được duyệt, về đất không đền bù vì đất này do Nhà nước giao nay thu hồi phục vụ công trình công cộng. Đối với vật kiến trúc Hội đồng thẩm định TP.HCM chỉ chấp thuận đền bù 60% do đã tính khấu hao tài sản hàng năm của các doanh nghiệp này. Còn thiệt hại do ngưng sản xuất khi phải di dời hiện thẩm định lại.
Thời hạn chuyển giao mặt bằng cho nhà thầu chỉ còn vài ngày nữa nhưng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Liệu kế hoạch khởi công xây dựng cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam có đúng tiến độ?
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải vừa yêu cầu các bên liên quan, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc trong dự án BOT cầu Phú Mỹ để khẩn trương khởi công dự án.
- G.Khang