Hạ ngầm tất cả tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước năm 2010" - đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong Nghị định quy định chi tiết một số điều về Pháp Lệnh Thủ đô công bố tuần qua.
5 năm nữa sẽ không còn những "lưới nhện" xấu xí và nguy hiểm giăng mắc tầng tầng lớp lớp trên các đường phố |
Ông Phạm Tiến Bình - Phó Giám đốc Công ty thiết bị và Chiếu sáng đô thị, cho biết, năm nay Công ty đang phối hợp với ngành điện lực cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng tại 10 tuyến phố vừa được hạ ngầm đường cáp điện.
Đó là các phố Lương Văn Can, Hàng Khoai, Lãn Ông, Bát Sứ, Hàng Vải, Hàng Gà, Lò Rèn, Hàng Đồng, Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Quang Bích.
Đây là những phố mà cột điện to nhỏ, cao thấp, đeo đủ thứ ba lô đằng trước, đằng sau, nào hộp kỹ thuật, hộp công tơ, hộp điện thoại, cùng mạng lưới dây điện nhằng nhịt…, trở thành nỗi kinh hoàng của người dân...
Những cuộn dây mỗi ngày một dày thêm, võng xuống như mắc võng, nào là dây điện cao thế, hạ thế, rồi đường cáp điện thoại, cáp truyền hình, dây loa phóng thanh, đường truyền internet...., búi dây võng xuống khiến cho nhiều xe ô-tô đi qua, phụ xe phải lấy sào đẩy lên.
Thỉnh thoảng đường phố náo loạn khi những chiếc xe quá cỡ (như xe cẩu) quệt và làm đứt búi dây, suýt rơi xuống đầu cả chục người đi xe máy dưới đường.
Trước kia, ở đâu có trạm biến áp là ở đó gia chủ méo mặt. Người ta gọi nó là "con nhện xấu xí" bởi vì từ nó nhả ra hàng chục đầu dây lớn nhỏ, cao thấp, chăng đi khắp nơi, tạo thành bức mành mành vướng víu ở mặt tiền. Các cửa sổ có cũng như không. Và trời mưa thì điện phóng ra lẹt xẹt!
Nhưng gần đây, ở ngã tư giao cắt giữa phố Bát Sứ với phố Hàng Bút trên vỉa hè, có hai cái cột lớn, cao xấp xỉ tầng tư của quán café phía sau. Không ai nghĩ, đó là một cái trạm biến áp. Tất cả các đường dây đã được thu vào hai ống kỹ thuật và dẫn xuống dưới đất. Dọc theo phố Bát Sứ vẫn còn những cái cột, nhưng không còn dây điện.
Ông chủ cửa hàng sửa xe máy ở ngã tư chỉ vào một ống nhựa áp sát trùng bảo: Dây điện chạy ngầm dưới vỉa hè, rồi chui trong ống này lên tận trần nhà tôi. Trước đây, nhà tôi có cả búi dây điện, dây hai pha, ba pha vì tôi làm nghề phải chạy nhiều máy móc công suất lớn. Bây giờ đố anh tìm thấy dây điện đâu?
Sau nửa năm hạ ngầm đường điện, bộ mặt phố Bát Sứ quả có đổi khác. Mạng nhện đã bị quét gần hết, tất nhiên, sẽ còn đẹp hơn nếu ông điện lực không cẩn thận thái quá, vẫn bắt dân để hòm công tơ điện ở bên ngoài. Và tất nhiên sẽ còn đẹp hơn nữa, nếu quét nốt mạng điện thoại, truyền hình cáp...
Nửa nổi nửa chìm...
Phố Lương Văn Can cũng nằm trong danh sách "hạ ngầm" các đường dây, nhưng cũng như Bát Sứ, việc hạ ngầm được thực hiện chưa đồng bộ, các mạng nhện vẫn chạy lằng nhằng, không biết là những loại dây gì.
Chủ nhà ở đầu phố Lương Văn Can than thở, đoạn phố tôi, đường cáp thì chạy ngầm, đường điện thì chạy nổi. Nửa nổi nửa chìm, anh ạ! Có nghĩa là nay mai, nếu ông điện lực hạ ngầm lại đào đường, ông điện thoại hạ ngầm lại đào lần nữa...
Đó là tình trạng chung của nhiều tuyến phố, khu dân cư bây giờ. Theo quy định của TP Hà Nội khi lắp đặt mới, thay thế đường dây liên lạc, chiếu sáng phải bố trí đi ngầm dưới vỉa hè, lòng đường. Đối với những đường dây hiện có chưa được hạ ngầm, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác phải treo cao tối thiểu 4,5m so với mặt vỉa hè, lòng đường để bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị.
Vì thế, loại dây nào cần thay mới, cứ hạ ngầm trước, và kết quả thì cũng chỉ có một số lượng nhỏ các loại dây được "chôn". Do thiếu quy hoạch đồng bộ, vô hình trung việc hạ ngầm hệ thống dây lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng đô thị. Nhiều tuyến đường cũng vị thế mà bị "cày" qua "xới" lại. Thậm chí, tại cùng một khu phố, một đoạn ngõ, hết công trình ngầm này được thi công xong lại có công trình ngầm khác đào lên, lắp đặt, sửa chữa.
Cần tiến hành đồng bộ
Có một chuyện xảy ra ở Công ty Điện lực Hà Nội khiến người ta cười không nổi. Đầu năm 2005, ở đường Ngô Gia Tự, một chiếc ô-tô đâm vào cột điện và làm đứt cả búi dây hàng trăm sợi, bao gồm cả dây điện và điện thoại. Đứt thì nối, có sao, nhưng sau đó các ông điện lực và điện thoại như đứng trước một cuộn chỉ rối, không biết đầu dây nào đấu với đầu dây nào để cho sự cố mất điện, và mất liên lạc kéo dài mấy ngày.
Với Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, việc hạ ngầm các loại đường dây không chỉ được tiến hành "tiệm tiến" theo kiểu nâng cấp đến đâu hạ ngầm đến đó, mà sẽ phải tiến hành khẩn trương và đồng bộ. Bởi theo tính toán trước đây trong "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thủ đô Hà Nội thời kỳ 2001 - 2010" thì đến năm 2010 chỉ hạ ngầm được 60% các đường dây, 2020 mới ngầm hoá toàn bộ!
(Theo Thể thao Văn hoá)