(VietNamNet) - Bộ NN&PTNT lưu ý TP.HCM không nên mở rộng kênh Thanh Đa (TP.HCM) vì có thể làm thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực của dòng chảy.
Đó là một trong những góp ý cho các giải pháp kỹ thuật dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (do Công ty tư vấn Xây dựng Thủy lợi II thiết kế) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) mà PV VietNamNet vừa nhận được.
Theo Bộ NN&PTNT, các giải pháp chống sạt lở bờ sông Sài Gòn, khu vực Bình Quới - Thanh Đa do đơn vị tư vấn đưa ra đảm bảo các yêu cầu cần thiết như: ổn định bờ sông, không ảnh hưởng đến vấn đề thoát lũ và tạo cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lưu ý TP.HCM không nên mở rộng kênh Thanh Đa để không làm thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực của dòng chảy.
Chỉ nên dùng phương pháp nạo vét khi có yêu cầu giải quyết lắng đọng, ô nhiễm môi trường. Đối với hành lang ven sông, thành phố (TP) cần cân nhắc kỹ khi bố trí những công trình này, sao cho đường hành lang ven sông có thể kết hợp được với các bến tàu thuyền, du lịch... Ngoài ra, theo góp ý của Bộ NN&PTNT, TP cũng cần gia cố thêm để có thể giữ lại một số công trình kiên cố có sẵn, mục đích là giảm kinh phí đền bù. Vì theo báo cáo khả thi kinh phí đền bù trong dự án này khá lớn, khoảng 256 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng kinh phí đầu tư.
Nếu cần kết hợp yêu cầu chống lũ, TP nên chọn giải pháp xây dựng tuyến bờ bao dạng tường chắn thấp, có kết cấu nhẹ và hợp lý, không nhất thiết phải gia cố nền bằng cọc bê tông cốt thép. Liên quan đến công tác quản lý, Bộ NN&PTNT khuyến cáo TP cần quản lý chặt nạn khai thác cát lòng sông, ngăn chặn các hành vi lấn chiếm và lấy đất dọc bờ sông; đồng thời có quy định cụ thể về tốc độ tàu thuyền tại khu vực bán đảo Thanh Đa.
Được biết, công trình chống sạt lở bờ sông Sài Gòn, khu vực Bình Quới - Thanh Đa gồm 4 đoạn kè với tổng chiều dài 14.080 mét; mái kè dạng nghiêng làm bằng bê tông đúc sẵn.
-
Trần Duy