(VietNamNet) - Dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm đầu tiên cho TP.HCM sử dụng công nghệ chưa từng có ở châu Á vừa ra mắt. Nhưng ngay từ lúc đầu đã có nhiều ý kiến nghi ngờ: Liệu dự án có khả thi?
Sơ đồ bãi đỗ xe ngầm. |
Theo báo cáo của Công ty Đông Dương, chủ đầu tư dự án, bãi đậu xe
ngầm sẽ nằm ở công trường Lam Sơn, sau lưng Nhà hát Thành phố (Q1, TP.HCM) với tổng diện tích 4.298m2 gồm 2 module chứa xe tự động, mỗi module gồm 8 tầng, tổng số chỗ đỗ là 192 xe ô tô.
Đại diện của Công ty Đông Dương ông Vũ Quốc Khánh cho biết, đây là công nghệ mới, hiện đại lần đâu tiên có mặt tại Việt Nam và châu Á. Phần mềm điểu khiển toàn hệ thống do hãng IBM cung cấp sẽ tự động xử lý khâu đem xe xuống tầng ngầm đến khâu lấy xe ra, thời gian hoàn thành công việc này chưa đầy 1 phút.
Dự án được đầu tư theo hình thức BO (Đầu tư - Sử dụng), tổng vốn đầu tư vào khoảng 114 tỉ đồng, 30% vốn của chủ đầu tư và huy động, 70% vốn vay từ quỹ hỗ trợ. Và chủ đầu tư có toàn quyền quyết định giá cả dịch vụ. Theo dự kiến, giá mỗi lần gởi xe không dưới 30.000 đồng. Mặt khác, phía công ty đã đề nghị được miễn tiền sử dụng đất với lý lẽ: “Nếu đối chiếu theo các quy định hiện hành của Luật Xây dựng, không có điều khoản nào quy định nộp thuế tiền sử dụng diện tích đất ngầm”.
Bãi đậu xe duy nhất tại trung tâm TP.HCM nằm sau lưng Nhà hát lớn hiện nay. |
Tuy chỉ mới được trình làng, nhưng dự án đã vấp phải những ý kiến nghi ngờ của đại diện các Sở, ngành tại TP. Qua phân tích hiệu quả kinh tế của dự án mà Công ty Đông Dương đưa ra, đại diện Sở Tài chính (TP.HCM) cho rằng, với thời gian thu hồi vốn khoảng 10-14 năm, chi phí sữa chữa bỏ ra ít (chỉ vào khoảng 0,05%/năm), nhân công gần như không có (chỉ sử dụng bộ phận bảo vệ vì hệ thống hoàn toàn tự động) đây quả là một dự án lý tưởng.
Theo ý kiến của vị đại diện này, nếu đúng như Công ty Đông Dương báo cáo thì thời gian hoàn vốn của dự án sẽ chỉ mất khoảng 6 năm. “Nhưng vì quá hoàn hảo nên tôi đâm ra nghi ngờ” - ông nói. Những nghi ngờ đó xoay quanh tư cách pháp nhân của Công ty Đông Dương không rõ ràng. Không những thế, đại diện Sở Tài chánh cho rằng, mặc dù công trình được xây ngầm dưới mặt đất, nhưng khi đã đi vào hoạt động, không ai có thể sử dụng phần diện tích trên mặt đất được nữa. Ông e ngại, vì chủ đầu tư được hưởng quá nhiều ưu đãi từ nhà nước nên tình trạng độc quyền, áp đặt giá cả dịch vụ sẽ không tránh khỏi. Từ đó ông đề xuất: “Phải có sự can thiệp của nhà nước về giá giữ xe”.
Ông Nguyễn Xuân Bảng, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đô thị (Sở GTCC TP.HCM) cũng đưa ra những nghi ngờ về tính khả thi của dự án: “Nếu theo cách tính của Công ty Đông Dương thì mỗi năm phải thu hồi 16 tỷ đồng. Như vậy mỗi ngày phải thu vào khoảng 44 triệu đồng, với giá mỗi lần giữ xe là 30.000 đồng/lượt, đây là điều khó có trong thực tế.
Với mục đích khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng bãi đậu xe, ông Trần Quang Phượng, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, thành phố chưa có bãi đậu xe ngầm ở khu vực trung tâm TP. Điều này làm cho cảnh quan đô thị trông rất lộn xộn. Trong khi đó, mỗi năm, lượng ô tô tại TP.HCM tăng khoảng 10%. Nếu không có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi đậu xe thì vấn nạn gia tăng xe ô tô sẽ gây áp lực lớn đến vấn đề giao thông. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu chủ đầu tư tính toán chỗ để xe gắn máy cho người có nhu cầu vào trung tâm hay ra vào Nhà hát Thành phố, vì từ nay đến năm 2020, khách vào trung tâm vẫn sử dụng xe gắn máy là chính.
Được biết, hiện nay có một số dự án đầu tư vào bãi đậu xe ngầm ở thành phố. Dự án bãi đậu xe kết hợp dịch vụ công cộng ở công viên Lê Văn Tám của Công ty Liên doanh tư vấn Hyder CDC. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT (Đầu tư - Kinh doanh - Chuyển giao) với 3 tầng ngầm chứa được khoảng 3.000 xe ô tô, xe gắn máy. Ngoài ra còn kể đến dự án bãi đậu xe ngầm gần công viên Tao Đàn do Công ty Quản lý Giao thông Sài Gòn làm chủ đầu tư. Thế nhưng, đối với những dự án này, có cái hoặc đang ngưng trệ hoặc đang được thực hiện với “tốc độ rùa”.
Sự cẩn thận của các cơ quan thẩm định dự án như vừa kể trên cũng có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là: Một vài nhà đầu tư, lợi dụng chính sách đãi ngộ của chính quyền TP.HCM trong một số lĩnh vực, dùng nguồn vốn ưu đãi có được đầu tư vào những mục đích kinh doanh khác.
-
Trần Duy