- Những ý tưởng vui trung thu rộn ràng của những bạn trẻ sôi nổi tình yêu, nhiệt huyết với cuộc đời đang góp phần làm cho bữa tiệc phá cỗ đêm rằm của giới trẻ thêm hấp dẫn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vui hết mình bên bạn bè
Các em thiếu nhi vui trung thu không gì thích bằng được nhộn nhịp đi rước đèn, phá cỗ với bạn bè. Bạn bè càng đông thì càng vui, càng đông thì càng thích thú. “Quy luật” này không thay đổi với những bạn trẻ tuổi teen hay “U20”.
“Năm nào nhóm bạn thân bốn đứa mình cũng vui trung thu cùng nhau. Đi chơi vào ngày này là “xôm tụ” nhất. Đứa nào cũng vui vẻ, hí hửng, dù bận mấy cũng cố gắng dành vài tiếng đi “lượn lờ” cùng đội” Nguyễn Hà Anh- K52- ĐH Khoa Học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho hay. Kế hoạch của nhóm Hà Anh là cùng nhau lê la vỉa hè, cùng nhau ra Hồ Tây ngắm trăng rồi đi phá cỗ.
Còn Hương và Nguyên- năm thứ hai ĐH Thương mại lại có cách đón trung thu của riêng mình. Hai cô bạn cùng phòng đã tỉ mỉ vạch rõ từng hoạt động trong ngày tết trung thu năm nay. Cùng nhau nấu ăn, vào Bảo tàng dân tộc học chơi trung thu rồi đi xe đạp vòng vèo phố cổ, ngắm mùa thu Hà Nội.
Không khí trung thu tràn ngập khắp phố phường - Nguồn internet |
“Năm ngoái hai đứa mình đều là những tân sinh viên, còn lạ lẫm với Hà Nội nhiều lắm. Đêm trung thu ở phòng trọ buồn hiu, cả hai liều rủ nhau bắt xe bus đi lên chợ Đồng Xuân chơi. Đông nghẹt người và hai đứa phải mệt nhoài mới về được đến nhà. Dù thế bọn tớ cũng đã có những trải nghiệm “lần đầu tiên” với trung thu ở thủ đô, vui lắm” - Hương vui vẻ nhớ lại.
Không riêng Hương và Nguyên, nhiều bạn trẻ đã và đang háo hức những kế hoạch vuii trung thu hết mình. Hồ Tây, công viên Bách Thảo, SVĐ Mỹ Đình là những địa chỉ vàng của các bạn trẻ trong kế hoạch vi vu đêm rằm. Đơn giản là bởi đó là những nơi có không gian rộng, thoáng và đẹp, lý tưởng để “ngắm trăng”.
Nói về kỉ niệm trung thu cùng bạn bè, Hạnh Nguyên, ĐH Ngoại Thương cho biết: “Lớp đại học của mình ban đầu cũng chẳng được đoàn kết vui vẻ cho lắm. Nhưng từ sau vụ tiệc tùng đình đám đầy ngẫu hứng năm ngoái ở SVĐ Mỹ Đình, cả lớp đã thân thiết hơn, gắn bó hơn rất nhiều. Năm nay, lớp tớ lại lên kế hoạch cùng nhau đi “phá cỗ” lần nữa, địa điểm là Hồ Tây”.
Không phải chỉ có nhóm bạn thân, bạn cùng lớp mà những buổi offline các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng cũng nở rộ trong dịp trung thu này.
Nhóm TGC- CLB Nói tiếng Anh vì môi trường- một CLB tình nguyện khá nổi tiếng cũng tổ chức buổi offline hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị chào đón trung thu. Theo đó, các thành viên được khuyến khích tham gia bằng cách mang theo một món đồ trung thu đầy màu sắc như bánh kẹo, hoa quả, đèn lồng… để buổi tiệc sinh động, đầm ấm, đúng chất “trẻ”.
Trung thu làm thiện nguyện
Là một cái Tết đặc biệt nên trung thu cũng là dịp để nhiều bạn trẻ tham gia các chương trình thiện nguyện, cùng góp sức trẻ vào những hành động thiết thực, vì cộng đồng. Các câu lạc bộ tình nguyện hầu như đều có những hoạt động ý nghĩa vào rằm trung thu. Từ cách trung thu ba tuần, nhóm tình nguyện CLB FSV Vì Cộng đồng đã lên kế hoạch tình nguyện “Trăng rằm yêu thương” tại trại phong xã ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Còn Câu lạc bộ Nhà Quản lý- HV Báo chí tuyên truyền cũng có chương trình Nụ cười đêm rằm, tổ chức vui trung thu cho các em nhỏ mồ côi ở chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội). Thành viên Lưu Thị Quỳnh Hoa - trưởng CLB cho biết: “Điều chúng tớ muốn làm không chỉ là mang lại một chiếc bánh trung thu, một chiếc đèn ông sao cho các em, mà quan trọng hơn là mang đến cho các em nụ cười và niềm vui hồn nhiên của tuổi thơ”.
“Không nhất thiết phải tham gia các nhóm, các câu lạc bộ tình nguyện, mỗi người đều có thể làm được những việc có ích vào dịp trung thu, theo cách của riêng mình”- Nguyễn Duy Thanh- ĐH Kiến Trúc khẳng định.
Thay vì tham gia nhóm này nhóm kia, Thanh thích tự mình lang thang ra bãi giữa sông Hồng, kết bạn, làm thân với bọn trẻ nghèo đất bãi. Chẳng phải cầu kì, tốn kém, Thanh dùng máy ảnh cá nhân để ghi lại cho các em vài khoảnh khắc rồi đem ảnh rửa tặng lại cho từng em, từng gia đình.
“Chỉ vài bức ảnh nhưng bọn trẻ vui như tết vậy!” - Thanh bộc bạch. Trong niềm vui của chàng sinh viên năm thứ tư ánh lên những niềm vui lấp lánh. Có lẽ đó cũng là một cách đón trung thu đẹp và ý nghĩa.
Trung thu về với gia đình
Vẫn biết có vô số hoạt động thú vị, ý nghĩa mời gọi người trẻ tham gia, nhưng không ít bạn vẫn trung thành với “kế hoạch trái tim”: Hướng về gia đình trong dịp tết trung thu.
Giới trẻ háo hức với lễ hội trung thu - Ảnh nguồn Internet |
Minh Hằng- K53 ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn chân thành chia sẻ: “Bận đến mấy thì trung thu mình vẫn nhất định mình phải về quê, đã thành “lệ” rồi. Về quê để đón rằm cùng bố mẹ, ông bà. Về quê mới sống lại hết niềm vui trung thu thời thơ ấu".
Nhiều sinh viên xa nhà, nhiều bạn trẻ xa quê lên thành phố làm việc vẫn sụt sùi nhớ bố mẹ nếu phải đón một ngày trung thu tha hương.
“Hồi còn sinh viên, trung thu nào mình cũng cố gắng về quê ăn rằm. Năm nay ra trường, đi làm rồi nên không thể về nhà vào trung thu được. Chắc trung thu này mình sẽ cùng công ty đi ăn đâu đó rồi lại về nhà trọ…” - bạn Nguyễn Thị Thanh Tâm, quê Hải Dương tâm sự.
Bạn cùng phòng của Tâm là Nguyễn Thị Mai- quê Hoằng Hóa- Thanh Hóa nén thở dài chia sẻ về một kỉ niệm trung thu không thể nào quên: “Từ nhỏ, cả gia đình mình vẫn phá cỗ với những chiếc bánh trung thu “nhà nghèo”.
Năm thứ hai đại học, mình đã biết đi gia sư. Lấy lương xong là quyết định mua luôn một hộp bánh trung thu “xịn”, loại đắt tiền đem về quê biếu bố, mẹ. Tàu xe trầy trật, mình về đến nhà cũng tối mịt. Mình hỉ hả lôi hộp bánh ra, ai ngờ, mẹ đỏ hoe mắt chẳng biết buồn hay vui… Giờ đi làm rồi, có tiền nhưng năm nay cũng không thể mua bánh trung thu về biếu tận tay bố mẹ”.
Hướng về gia đình để có một trung thu bình yên, hạnh phúc và ấm áp là suy nghĩ, thói quen rất đáng trân trọng của các bạn trẻ. Đó cũng là một trong những ý tưởng đẹp khi rằm trung thu đáng kề tới.
-
Quỳnh Anh