Nữ sinh kinh hoàng nhà vệ sinh “nửa kín nửa hở”

Cập nhật lúc 08:31, 10/09/2010 (GMT+7)

- Với các xóm trọ sinh viên giá rẻ, phòng trọ thường nhỏ, ẩm thấp hoặc thiếu an toàn. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nỗi kinh hoàng thực sự mang tên… WC.

TIN LIÊN QUAN

WC “công cộng”

Gọi là công cộng bởi những phòng trọ này thường không khép kín nên cả xóm dùng chung nhà vệ sinh kiêm luôn phòng tắm. Những xóm trọ đều xa chủ, người thuê đa phần là sinh viên hoặc người lao động có thu nhập thấp nên xóm thường có nhiều phòng nhưng lại hạn chế tối đa số lượng WC. Nhiều chuyện dở khóc dở cười cũng bắt nguồn từ đây.

Vui mừng vì tìm được phòng trọ mới giá bèo nhưng mới ở được vài ngày, Hiền (Cao đẳng Du Lịch) đã phát hoảng. Xóm trọ Hiền ở có tất cả 12 phòng, mỗi phòng từ 2 đến 3 người nhưng chỉ có độc 2 nhà vệ sinh kiêm phòng tắm. Vào các giờ cao điểm thì WC luôn trong tình trạng đóng cửa vì “quá tải”.

Mô tả ảnh.
Những nhà vệ sinh "nửa kín nửa hở" là mối đe rọa rình rập các nữ sinh viên

Hiền đi làm thêm vào buổi tối nên sau khi kết thúc giờ học ở trường là cấp tốc đạp xe về nhà tắm giặt cho kịp giờ làm. Nhưng dù có về sớm thì vẫn phải chờ “dài cổ” mới đến “lượt”. Trong suốt thời gian đó, Hiền đành chấp nhận thay đổi giờ tắm vào ban đêm, khi đi làm thêm về. Mặc dù sợ nhưng Hiền vẫn phải cố vì không muốn mất công việc làm thêm đang có.

Chính vì dùng chung WC nên vấn đề giữ gìn vệ sinh chung luôn là rất “hot”, WC lâm vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Nguyễn Thị Triệu (Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội) trọ ở phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy chia sẻ: “Nhà vệ sinh chỗ mình không có vòi nước riêng lại xây cạnh bể nước nên nước ăn cũng là nước để dùng cho WC.

Sinh viên bọn mình có ý thức còn đỡ chứ mấy cô chú đi làm rồi, mỗi lần đi vệ sinh xong là cứ đứng ở sân giếng dội thẳng vào. Nước bắn tung toé, trông mà “rợn” cả người. Nhưng kinh nhất là mấy chú đi vệ sinh không bao giờ đóng cửa, mặc cho bọn mình là con gái đang đứng ngoài sân giếng mà mấy chú cứ “vô tư” như thế. Giữ vệ sinh chung thì còn dám nhắc nhở chứ chuyện như vậy tế nhị quá nên mấy đứa mình chẳng dám ý kiến gì”.

Những vấn đề như dọn rác, hay cọ rửa nhà vệ sinh, nhà vệ sinh bị tắc hoặc ngập khi mưa lớn dường như đã trở thành bức xúc chung của nhiều bạn sinh viên khi đi thuê trọ.

Những cánh cửa “nửa kín nửa hở"

Khi được chủ nhà dẫn đến xem phòng hầu hết sinh viên chỉ xem xét phòng ở, thấy phòng giá rẻ liền thuê ngay mà quên hẳn sự có mặt của những nhà vệ sinh. Đến khi có những sự việc không tốt nảy sinh thì trong số những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển trọ lại có cả nguyên nhân xuất phát từ sự bất tiện của WC.

Mô tả ảnh.
WC bẩn “kinh niên”
Lần đầu tiên tắm ở WC “công cộng”, Phương Thảo (Đại học Đại Nam) mới tá hoả khi nhận ra cánh cửa WC được làm bằng nhiều tấm gỗ ghép lại với nhau, từ trong nhìn ra, từ ngoài nhìn vào đều rõ mồn một.

Để an toàn, Thảo phải lấy tạm ít quần áo giăng khắp cánh cửa để che đi những chỗ hở. Nhưng cũng từ đó, Thảo chỉ tắm ở WC bên cạnh vì có vẻ an toàn và kín đáo hơn.

Mới chuyển tới phòng trọ mới, nhưng suốt thời gian đó, Hiền đã rục rịch đi tìm phòng. Sau 2 tháng, Hiền cùng cô bạn cùng phòng ngậm ngùi ra đi. Nguyên nhân chung quy lại cũng chỉ tại… nhà vệ sinh.

Hôm đó đi làm thêm về, Hiền thấy cô bạn cùng phòng đang nằm thút thít trong phòng, hỏi ra mới biết rằng cô bạn vừa bị “nhìn trộm” khi đang tắm.

Cánh cửa WC được đóng cẩn thận nhưng chiều cao cánh cửa lại ngắn hơn chiều cao cửa ra vào nhà vệ sinh nên mãi đến khi vô tình ngước lên phía trên, cô bạn này mới phát hiện ra có mấy gã “dê xồm” đứng trên tầng 5 khu chung cư đang xây dở đối diện WC nhìn mình “chăm chú”.

Quá hoảng sợ nên cô bạn mặc vội quần áo và chạy vào phòng. Mấy tên này còn cố gắng gọi với theo, cười ha hả: “Chạy làm gì, nhìn thấy hết rồi”. Lúc đầu còn thấy tiếc căn phòng giá rẻ nhưng sau vụ đó, Hiền cùng cô bạn đành lòng dắt tay nhau tìm phòng khác đắt hơn nhưng có WC an toàn.

Một số sinh viên thay việc chuyển chỗ ở mới đã có ý kiến với chủ nhà trọ nhưng câu trả lời nhận được đều khiến các bạn không mấy hài lòng. Những xóm trọ này, cách ly với chủ nên dù có nhiều bất cập, chủ trọ cũng không mấy quan tâm, hầu như chỉ đến tháng mới tới thu tiền.

Chuyện sửa chữa còn phải chờ chứ đừng nói tới nâng cấp thêm hệ thống vòi nước hoặc thông tắc nhà vệ sinh. Do vậy, nếu giỏi chịu đựng, nhiều sinh viên vẫn cố trụ lại nhưng nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ đành ngậm ngùi ra đi mang theo hình ảnh không mấy tốt lành về những WC “hờ hững”.

  • Đinh Thuỳ

Ý kiến của bạn

Các tin khác