Mang theo hành trang là sách vở nhưng tại thành phố, Huyền sẵn sàng chi tiền triệu cho một đôi dép đẹp, còn Minh thì mê mẩn các quán karaoke.
TIN LIÊN QUAN
Ngày hôm qua, tại bến xe Giáp Bát, một người cha với bộ quần áo cũ sờn, bên cạnh là cậu con trai gầy còm, ngồi bên hàng nước, hai cha con gọi hai chai nước trà xanh 0 độ, khi tính tiền, người bán hàng đã nhanh tay “chặt” 20.000 đồng/chai.
Người cha thốt lên sững sờ, rồi bảo đắt quá, lời qua tiếng lại, người bán hàng giảm xuống 18.000 đồng/chai, lúi húi móc tiền trong túi áo ra, gương mặt người cha đượm vẻ nặng trĩu.
Những người chứng kiến cảnh này không khỏi xót xa. Mỗi năm, kỳ thi đại học khiến không ít gia đình phải lao đao vì tiền của, công sức, bởi với mỗi chuyến đi như thế này, mỗi học sinh cùng với phụ huynh phải mang theo trong mình ít nhất 2-3 triệu đồng để chi tiêu, một khoản tiền quá bình thường với nhiều teen và các bậc phụ huynh khác, nhưng với những người nghèo, phải dành dụm, vay mượn khắp nơi họ mới có được chừng ấy.
![]() |
Một quý tử đất N.B xài xe tiền tỷ đi thi ĐH - Ảnh M.Đ |
Thế nhưng, bên cạnh những câu chuyện như thế, trong số vô vàn teen 12 đang ồ ạt đổ về thành phố để thi đại học, có những bạn mang theo số tiền mà khối người phải mơ để ăn chơi thỏa thích, hoặc cũng có những bạn quên đi giọt mồ hôi, nước mắt của bố mẹ ở quê nhà để a dua cùng bạn bè.
Tiểu thư, công tử vung tay
Dù ngày 3/7 mới phải đến trường xem số báo danh, 4-5/7 chính thức thi, nhưng thể theo mong muốn của con gái cưng, bố mẹ đã cho Huyền (Quê ở Tuyên Quang, thi vào trường ĐH Kinh tế) xuống Hà Nội gần một tuần nay.
Hôm đầu tiên có mặt tại căn nhà tập thể do một người chị họ đang thuê ở, Huyền bảo: “Em đi thi cho có lệ thế thôi, chứ không đỗ đâu, ở nhà bố mẹ cũng xác định trường hợp này và sẽ cho em đi du học tự túc ở Trung Quốc”.
Cô chị đã đi làm ở Hà Nội, là một tín đồ shopping, thấy em họ ở quê nhưng rất ăn chơi nên ngay lập tức “bắt cạ” đi phố. Thế là tối đến, hai chị em chở nhau đi ăn xong thì “lượn thả phanh” ở các cửa thàng quần áo, giầy dép, mỹ phẩm…
Hôm nào cũng thế, sau 3-4 tiếng đi mỏi chân, về đến nhà thì cả hai nằm lăn giữa ngổn ngang đồ mới, sau đó, thay vì xem lại sách vở, Huyền và chị họ cùng nhau mặc đồ, ngắm nghía…chán chê thì đi ngủ.
Sành điệu, nên Huyền không mua hàng bình thường, dù chẳng đủ mấy chục triệu để mua hàng hiệu, nhưng cô nàng cũng dám chi cho những chiếc áo, quần xấp xỉ cả triệu, nước hoa chính hãng, một vài đôi xăng đan cũng có giá không dưới 1 triệu/đôi….
“Em tích tiền từ mấy tháng trước khi đi thi cơ, cho nên cộng với số mà bố mẹ đưa cho thì em thoải mái tiêu pha trong những ngày ở Hà Nội, riêng tiền là không phải nghĩ”- Huyền khẳng định.
Trong khi đó, Minh (quê ở Quảng Ninh, thi vào trường ĐH Thương Mại), gia đình khá giả, nhưng học hành thuộc dạng “lớt phớt”, đậu hay trượt là khái niệm không quá quan trọng đối với Minh.
Nhà có tới mấy cửa hàng bán vật liệu xây dựng, nếu có không đỗ ĐH thì Minh sẽ về làm ông chủ, tiền đồ cũng sáng sủa không kém gì các cử nhân kinh tế sau 4 năm.
![]() |
Sự phù hoa của phố phường thủ đô làm "choáng ngợp" nhiều thí sinh ở tỉnh xa - Ảnh T.D |
Lên Hà Nội ở với anh ruột, nhưng đúng vào thời điểm anh đi công tác, ở nhà với bạn của anh, Hùng càng được “tự do”. Hùng chỉ đi chơi với bạn bè vốn quen từ trước khi lên đây. Tiền mang theo cả chục triệu, Hùng hết lê la cà phê, quán bia thì tối về lại karaoke. “Bố mẹ đã “khoán” cho chừng ấy rồi, cứ thế mà tiêu thôi, tiêu hết thì về” – Minh bảo.
Phải lột vỏ “nhà quê”
Mang trong mình 3 triệu cho 5 ngày ở lại Hà Nội để thi vào trường ĐH Giao thông vận tải, Tâm (quê ở Phú Thọ) cho biết trước khi đi thi ở nhà bố mẹ đã dặn dò rất kỹ các khoản chi tiêu, rồi ăn uống, giữ gìn sức khỏe như thế nào….
Tâm lên thành phố với tâm lý khá lo lắng, nhưng nhờ một người quen, cậu nhanh chóng tìm được chỗ trọ thích hợp, ở bên cạnh còn có khá nhiều bạn cũng thuê trọ và cùng thi vào trường ĐH Giao thông. “Mấy bạn đó cũng ở quê lên, ban đầu chúng em chỉ rủ nhau đi tham quan Hà Nội thôi, nhưng mà đi rồi thì tò mò, thấy nhiều chỗ hay nên vào, đói thì thấy nhiều cửa hàng ăn ngon nên vào thử, ai ngờ chỗ nào cũng đắt”- Tâm cho biết.
Mỗi lần di chuyển, nhiều người nên cả nhóm toàn gọi taxi, ăn thì không biết, thấy nhà hàng đẹp là vào (vì cũng nghe bố mẹ dặn là phải chọn nơi sạch sẽ nữa), cho nên tiền “đội nón ra đi” rất nhanh chóng.
Rồi trong nhóm, có anh chàng cũng muốn thay đổi hình thức, rủ cả bọn đi mua quần áo, giầy dép. Buổi tối, 4 chàng kéo nhau lên chợ đêm sinh viên để mua sắm.
“Cũng may là em còn chút tiền, vì em không mua quần áo, nhưng trong nhóm em có hai bạn hết rồi. Lúc mua em đã “gàn”, nhưng bạn ấy bảo phải “lột vỏ nhà quê”, không đi đôi dép tổ ong và mặc áo phông cũ rích nữa, mua dép có quai, quần bò và mấy cái áo phông mới. Thế là tối qua em nghe bạn ấy điện về nhà bảo cấp tốc gửi xuống, mà nếu không gửi chắc chả biết đi thi bằng kiểu gì thật”- Tâm kể.
Theo Zing