- Trong quá trình tìm hiểu thông tin về đường vào đất rừng dọc biên giới Việt Nam của Công ty Innov Green (IG), chúng tôi không khỏi bất ngờ về những ý tưởng trả lương "có một không hai" của họ.
Kỳ 1: InnovGreen đang làm gì trên biên giới Việt Nam?
Kỳ 2: Sự hoài nghi về dự án trồng rừng của InnovGreen
Kỳ 3: InnovGreen đã tạo “việc làm ổn định cho dân”?
Kỳ 4: InnovGreen đều ’nhắm’ vào các vị trí nhạy cảm?
LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài.
Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này.
Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới. |
Sử dụng những cựu trào trong ngành
Tại Lạng Sơn, nơi từng được ví von là “cửa ngõ của mọi biến động”, Công ty IG mở 2 văn phòng: 1 nằm tại TP. Lạng Sơn, một văn phòng còn lại nằm tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định). Mở một văn phòng tại một thị trấn heo hút miền biên viễn, là một tín hiệu cho thấy có thể huyện này là một địa bàn trọng điểm trong dự án đầu tư trồng rừng của nhà đầu tư nước ngoài này.
Con đường do Cty InnovGreen làm vào khu vực rừng ở xã Kháng Chiến (huyện Tràng Đinh, Lạng Sơn). Phần lớn các diện tích đất rừng nằm trong "tầm ngắm" của doanh nghiệp nước ngoài này đều được những người, nguyên là cán bộ, lãnh đạo của ngành nông lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn về hưu được mời về làm cho Cty IG khảo sát, lập hồ sơ xin cấp phép. Ảnh: Duy Tuấn |
Đọc bản “Báo cáo quy hoạch chi tiết dự án trồng rừng nguyên liệu cao cấp công ty Innov Green Lạng Sơn” xin đầu tư tại xã Tân Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, ngồi ngay tại Hà Nội cũng có thể hình dung địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, dân cư, dân số, tỷ lệ đồng bào các dân tộc và vị trí chiến lược… của địa bàn xã giáp biên giới này rõ ràng như thế nào.
“Xã Tân Minh được tập hợp bởi các dãy núi cao và đồi. Về phía Bắc có các đỉnh cao 741, 620, 559. Về phía Tây giáp với Trung Quốc có các đỉnh 780, 636, 580. Về phía Tây - Tây Nam có các đỉnh 520, 430, 380 và phía Nam có các đỉnh 360, 359, 400 tạo thành thế hơi nghiêng từ Đông Bắc xuống Tây Nam (…) Tổng dân số tòan xã có 1234 nhân khẩu với 315 hộ gia đình. Dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, các dân tộc khác như Kinh, Dao… chiếm tỷ lệ nhỏ”.
Với một bản điều tra địa hình và dân số tỷ mỷ như vậy, cho thấy Công ty IG đã chuẩn bị nghiên cứu rất kỹ càng trước khi quyết định đầu tư vào xã biên giới này.
Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) lắc đầu khi giải thích cách mà Công ty IG chấm định vị rất chính xác các địa điểm khó khăn cần vào đầu tư, và sẵn sàng bỏ nguồn vốn không nhỏ để mở đường vào các khu vực xin đầu tư, mà hiện tại chưa có đường giao thông tiếp cận: “Họ thuê những cán bộ lâm nghiệp, địa chính… cũ, đã nghỉ hưu, biết rất rõ hiện trạng rừng và đất rừng ở địa phương. Có người trước là cấp trên của tôi”.
Còn đây là hình ảnh tại xã biên giới Tân Minh (Tràng Định, Lạng Sơn). Những con đường xuyên qua các quả đồi, cánh rừng sát biên được Cty này đưa máy móc cơ giới vào làm. Trong quá trình đó, một số diện tích đáng kể rừng tự nhiên đã bị chặt hạ. Ảnh: Duy Tuấn |
Với cách làm đó, nên rất nhiều lần ông Quân rất khó xử khi các “sếp cũ” đi thẳng lên phòng làm việc của ông, than phiền về việc “công ty gặp khó khăn, phải tạo điều kiện tháo gỡ”.
Thậm chí, ông Phó chủ tịch huyện Tràng Định đương nhiệm rất thật thà: “Nhiều khi, phải bảo các anh thông cảm, nên hẹn trước khi làm việc cho chính thức. Ngoài giờ thì các anh gặp lúc nào cũng được, còn trong giờ làm việc thì cũng phải tạo điều kiện cho tôi”.
Thuê những cán bộ, thậm chí là lãnh đạo từng làm quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp… tại địa phương làm nhân viên hoặc quản lý cho mình, Công ty IG đã sở hữu trong tay những bộ từ điển sống về thực trạng, tình trạng đất rừng và rừng tại địa phương chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu. Cách làm này, được biết, không phải chỉ áp dụng ở Lạng Sơn, mà Công ty IG đã rất thành công tại Quảng Ninh.
Chính vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên, khi ông Phùn Văn Huy (Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) hoàn toàn bất ngờ khi Công ty IG đầu tư vào xã, đã được giao đất, tiến hành trồng rừng, mở đường lâm sinh trên địa bàn, nhưng ông không hay biết, cho đến khi “được mời đi tham quan mô hình”.
Đề nghị trả lương cho công chức Nhà nước Việt Nam
Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình “mò mẫm” theo chặng đường đầu tư của Công ty IG tại các tỉnh vùng Đông Bắc, nhóm phóng viên còn phát hiện một bản dự thảo “kỳ lạ” tại tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài việc trả lương cho công chức Việt Nam, thuyết phục những người am hiểu về đất rừng về làm việc, nhờ "cò" đến đề nghị trả lương cho lãnh đạo đương nhiệm huyện Tràng Định, Cty IG còn có khoản hỗ trợ tiền "chăm sóc bảo vệ" cho người dân khu vực cty này vào thuê đất. Số tiền "hỗ trợ giữ rừng" được chuyển vào cho lãnh đạo các thôn có đất. Trên hình ảnh là 1 trong 2 cuốn sổ tiết kiệm mà doanh nghiệp này trả cho thôn Pò Loi (xã Kháng Chiến) với giá đất 1 triệu/1ha/11 năm. Ảnh: Hoàng Sang |
Bản dự thảo này được ký bởi Giám đốc dự án Wang Xiang Dong, đóng dấu Cty TNHH một thành viên InnovGreen Lạng Sơn, đề ngày 22/8/2008, số 38/VP.
Theo nội dung của công văn này, thì “UBND tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo số 114/TB-UBND-KTTH ngày 8/8/2008, nhất trí với phương án thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án của Công ty InnovGreen Lạng Sơn, cho phép công ty trao đổi với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan liên quan và báo cáo UBND tỉnh về phương án này”.
Dự thảo gửi kèm công văn số 38 ghi rõ là “Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo dự án cấp tỉnh và cấp huyện” cho các dự án trồng rừng của công ty này trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cấp Tỉnh sẽ có Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh do một Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban, tham gia có đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Công an tỉnh và Giám đốc dự án của công ty IG.
Ngày trước, để lên được khu vực biên giới ở xã Tân Minh (tỉnh lộ 229 chỉ đến được trụ sở xã này) phải rất vất vả, xe ôtô không thể lên được. Nay, khi chưa được cấp sổ đỏ, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cty IG Lạng Sơn đã vào mở đường lên sát đường phân định biên giới và trồng rừng ngay khu vực này. Ảnh: Duy Tuấn |
Cấp huyện sẽ do 1 Phó chủ tịch huyện làm trưởng ban điều hành, tham gia có đại diện Phòng TN-MT, NN&PTNT, văn phòng UBND huyện, hạt kiểm lâm, công an huyện, UBND xã có dự án, 2 cán bộ của công ty IG.
Đáng quan tâm, chi phí hoạt động của các Ban chỉ đạo này sẽ do công ty IG Lạng Sơn cung cấp. Theo đó, có 2 phần tiền, đơn vị tính là VNĐ/ ha.
Phần tiền “Chỉ đạo việc quy hoạch sử dụng đất cho trồng rừng” tương ứng trả cho BCĐ cấp tỉnh là 10.000/ ha; Ban điều hành cấp huyện là 20.000 đồng/ ha; Ban công tác cấp xã là 50.000 đồng/ ha. Phần tiền này sẽ được thanh toán toàn bộ khi có quyết định cho thuê đất và cấp sổ đỏ.
Phần tiền “Bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp” theo đề xuất trả cho BCĐ cấp tỉnh là 2.500 đồng/ ha; Ban điều hành cấp huyện là 5.000 đồng/ha; Ban công tác cấp xã là 10.000 đồng/ ha. Phần tiền này sẽ được quyết toán hàng năm, theo diện tích rừng trồng.
Nhóm P.V VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để xem Cty InnovGreen đang làm gì trên biên giới Việt Nam. Ảnh: GVT |
Nhóm phóng viên chúng tôi đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Lạng Sơn, đơn vị được giao chủ trì kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng của Công ty IG Lạng Sơn theo quyết định số 205/UBKT-KTN (ngày 24/3/2010) của UBND tỉnh này, lẫn Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn, để hỏi thêm về kết quả thực hiện Bản dự thảo của Ban chỉ đạo trồng rừng này. Nhưng đáng tiếc là đã không thể có câu trả lời chính thức?
Trong khi đó, từ năm 2006, ý tưởng thành lập một Ban chỉ đạo trồng rừng được Công ty IG trả lương từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã đã được đề xuất với tỉnh Quảng Ninh. Trong công văn số 709/NN&PTNT (ngày 2/8/2006), do ông Hoàng Công Đãng (Phó GĐ Sở NT&PTNT tỉnh Quảng Ninh) ký, đã thẳng thừng từ chối “thiện ý” này của Công ty Green Elite (cách gọi tại Quảng Ninh khi Công ty IG xin đầu tư trồng rừng tại tỉnh này):
“Đây là dự án phát triển kinh tế, trên tinh thần nhà đầu tư thuê đất để sản xuất kinh doanh, thông qua thuê khoán nhân lực ở địa phương để thi công các hạng mục đầu tư và thu lại sản phẩm. Vì vậy, không thể đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thành lập Ban chỉ đạo dự án do đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng ban, các đồng chí lãnh đạo các Sở làm thành viên. Mô hình này hiện nay ở Quảng Ninh đối với các dự án lâm nghiệp, chỉ áp dụng với Dự án trồng rừng Việt-Đức, bởi lý do đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA đầu tư không hoàn lại”.
Những gì mà Cty InnovGreen làm ở khu vực biên giới phía bắc Việt Nam khiến những công dân đất nước như chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Những con đường xương cá đỏ quạch đâm qua các cánh rừng, điểm cao. Thậm chí cuốc hố để trồng rừng ngay trên chốt quân sự biên giới... (VietNamNet sẽ đề cập trong các kỳ tới). Ảnh: Duy Tuấn |
Còn ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) thì cho rằng, từng có “cò” đến đề cập chuyện sẽ trả lương hàng tháng cho ông không dưới 20 triệu/ tháng, để ông “làm việc,” cho dự án trồng rừng nhanh chóng vào huyện này, nhưng ông đã thẳng thừng từ chối.
Trong hàng loạt các văn bản gửi lên UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Tràng Định đã liên tục đề xuất tỉnh xem xét lại việc cho Công ty IG vào thuê đất với thời gian quá dài (50 năm) và vào các khu vực xung yếu.
Nhưng với lý do “trồng thử nghiệm”, và không biết còn có lý do nào khác nữa, Công ty IG Lạng Sơn đã “mạnh dạn” mang cây Bạch Đàn Vĩ Cự (là giống cây có nguồn gốc Trung Quốc, không nằm trong danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất kinh doanh) và hơn 300 tấn phân bón không rõ nguồn gốc vào tổ chức phát thực bì, cuốc hố, trồng rừng đại trà trên địa bàn 9 xã thuộc 4 huyện (Tràng Định, Lộc Bình, Chi Lăng, Cao Lộc) thuộc tỉnh Lạng Sơn, trong khi chỉ mới được thuê 485,7 ha đất tại xã Hữu Kiên (huyện Chi Lăng)?
-
Trường Giang - Duy Tuấn - Hoàng Sang(còn nữa)