Lũ dồn dập ở Trung bộ, 19 người chết

Cập nhật lúc 18:47, 18/11/2010 (GMT+7)

– Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW cho biết lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đang xuống, riêng hạ lưu sông Kôn (Bình Định) đang dao động ở mức đỉnh, lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang lên và đều ở mức báo động 2 hoặc 3. Dự kiến lũ sẽ còn lên cao trong những ngày tới vì mưa chưa dứt.

TIN LIÊN QUAN

>> Lũ đe dọa Hội An, hàng ngàn hộ dân sơ tán
>> Miền Bắc lạnh 10 độ, Trung Bộ lũ lên nhanh

25 người chết, mất tích

Tính đến sáng 18/11, đã có 19 người chết và 6 người mất tích trong đợt mưa lũ đang diễn ra, trong đó Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều người chết nhất (7 người). Nguyên nhân chủ yếu là do bị nước lũ cuốn trôi, sạt lở, lật thuyền.

Hiện nay, tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi giảm dần xong tình trạng lở đất ở vùng núi, ven sông các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa lại đang đe dọa người dân.

Tỉnh Quảng Trị đã hết ngập. Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định và đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn đang bị ngập nặng.

Mô tả ảnh.

Nước lũ trắng xóa, làm ngập hầu hết các mái nhà và cuốn trôi nhiều người dân. Đã có 19 người chết và 6 người mất tích vì mưa lũ, trong đó chủ yếu do xảy chân bị lũ cuốn trôi (Ảnh: Trâm Trân)

Có khoảng trên 40.000 người ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đã được sơ tán đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân bổ 30 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo cứu sinh và 1.500 phao tròn cứu sinh cho các địa phương, đơn vị để chủ động trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, phân bổ 500 tấn gạo, 10 tấn mì tôm, 200 tấn giống, 10 tấn ngô và 3 tấn rau do Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương khắc phục thiệt hại do các đợt lũ.

Phú Yên: Mưa lớn chưa dứt, lũ đang lên nhanh

Lúc 9 giờ sáng ngày 18/11, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Mô tả ảnh.

Thôn Tân Hòa, xã Sơn Nam chỉ còn mấy mái nhà lô nhô lên khỏi mặt nước

Sáng ngày 18/11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến hàng trăm hộ dân ở hai huyện Đồng Xuân, Tuy An bị cô lập. Tại huyện Tuy An, phía tây cầu Cây Cam – An Nghiệp ngập sâu trong nước, hàng trăm hộ dân, học sinh xã An Nghiệp “kẹt cứng” phía bên kia đường.

Khu vực này nước chảy xiết nên huyện Tuy An lắp đặt biển báo khu vực nguy hiểm nghiêm cấp người qua lại. Trạm y tế xã và UBND xã An Định nước lũ bao vây, cán bộ xã bơi xuồng vào UBND xã trực phòng chống lụt bão. Riêng vùng 9, vùng 10 của xã An Định nước lũ cô lập từ tối ngày 17-11.

Mô tả ảnh.

Nước làm ngập cả UBND xã. Mưa lớn vẫn tiếp diễn nên lũ chưa thể rút

Tuyến đường ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) - thị trấn La Hai (Đồng Xuân) nhiều đoạn ngập sâu trong nước, 11 xã, thị trấn của huyện Đồng Xuân bị cô lập hoàn toàn. Tối ngày 17/11, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân di dời dân các vùng trũng thấp như Chợ Lùng (Xuân Quang 3), xóm Giữa (thị trấn La Hai), Tân Long (Xuân Sơn Nam) đến nơi an toàn.

Mô tả ảnh.

Cơ quan chức năng đã lập biển báo cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm

Từ tối ngày 17 đến sáng ngày 18/11, người dân vùng rốn lũ Đồng Xuân, Tuy An lại “hứng” chịu 2 đợt lũ dồn dập. Tại đây, nhiều người dân ở một số vùng trũng thấp cũng đuối sức chạy lũ. Bà Huỳnh Thị Lệ, 67 tuổi, ở xã Xuân Quang 3, than thở: “Ở đây ‘hứng” lũ từ hai con sông: sông Kỳ Lộ và sông Trà Bương, mưa từ đầu nguồn dồn về hai con sông này tràn vào nhà chạy lũ làm tôi đuối sức”.


Theo Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Phú Yên, dự báo trong 12 - 24 giờ tới, mực nước các sông lên nhanh, có khả năng đạt và vượt báo động cấp II. Riêng sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng vượt trên báo động cấp III. Do phải hứng chịu liên tiếp nhiều đợt mưa lũ vừa qua nên rất có khả năng các vùng hạ du trong tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục bị ngập trên diện rộng.

Huế: Gồng mình chống lũ muộn

Mưa lớn trong những ngày qua cộng với việc thủy điện Bình Điền và Hương Điền đồng loạt xả lũ đã khiến gần 60 phường, xã tại tỉnh TT- Huế ngập chìm trong nước lũ. Nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ và tỉnh lộ về các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền vẫn bị chìm sâu trong nước. Lũ muộn tại TT- Huế đã khiến nhiều vùng trũng của địa phương này trắng xóa trong biển nước.

g
Làng mạc ở huyện Quảng Điền vẫn bị nước lũ bao vây
Đến nay, trên địa bàn tỉnh TT- Huế đã có 9 người chết và mất tích. Mực nước trên các sông Hương, Bồ, Ô Lâu vẫn xấp xỉ báo động III, mực nước rút chậm khiến toàn tỉnh vẫn còn 11.336 nhà bi ngập, 450 ha hoa màu bị thiệt hại và gần 25 ha nuôi trồng thủy sản, hàng chục km kênh mương nội đồng bị nước cuốn trôi.

Nhiều làng mạc ở các xã vùng trũng vẫn oằn mình trong nước lũ. Về xã Phú Thanh, Phú Mậu (huyện Phú Vang), nước lũ vẫn bao quanh con đường từ chợ Nọ dẫn về các xã; phải đi vòng từ tỉnh lộ 2 song nhiều đoạn nước vẫn ngang ngực người.

f
Nhiều trường học ở huyện Phú Vang vẫn bị chìm trong nước lũ
Tại xã Phú Thanh, ông Phạm Hữu Hậu- Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 150 nhà bị ngập trong nước từ 0,5-1m tập trung ở 3 thôn Hải Trình, Thanh Đàm, Quy Lai. Chính quyền xã đã phải tiến hành di dời 66 hộ dân với 184 khẩu từ vùng trũng Hải Trình đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, xã cũng kịp thời chỉ đạo di dời cho 850 học sinh trên địa bàn xã nghỉ học nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Do là vùng trũng, thấp nhất nhì ở huyện Phú Vang nên quê nghèo Phú Thanh năm nào cũng gánh chịu lũ nặng nề. Hàng chục số hoa màu và cúc tết của xã bị nhấn chìm trong nước lũ, người dân xem như trắng tay.

Bà Nguyễn Thị Thuận (xóm Lát, thôn Hải Trình) cho hay: “Không biết năm ni răng mà nước lên nhanh quá, nghe mấy người trong xóm nói là do thủy điện xả lũ. Nhà tui ngập sâu hơn một mét, ngâm từ hôm qua đến giờ chưa về nhà dọn dẹp được. Dù được di dời khẩn cấp nhưng bao nhiêu hoa màu trồng bán trong dịp tết nát hết trong lũ rồi. Nước rút quay về không biết lấy gì ăn đây”.

Ông Phạm Hữu Hậu cho biết thêm, do xã đã chuẩn bị từ trước 30 chục thùng mì tôm, 5 tạ gạo, 40 lít dầu thắp sáng để cứu đói cho dân và phòng khi nước lũ dâng cao trở lại. Về lâu dài người dân cần nhiều giống cây trồng, đặc biệt là giống hoa chất lượng cao để trồng bán kịp trong dịp tết. Tại xã Phú Mậu- đây là xã có số nhà dân bị ngập lớn nhất tỉnh- mưa lớn cộng với việc thủy điện ồ ạt xả lũ cũng nhấn chím gần 600 trên tổng số 2010 ngôi nhà bị ngập. Có nơi ngập cao từ 1-1,5m như ở thôn Mậu Tài, Vọng Trì.

Tại huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đại Vui - Chủ tịch UBND huyện cho biết, dù một số đại phương nước đã bắt đầu rút song vẫn còn 600 hộ dân ven sông Ô Lâu bị nhấn chìm trong lũ dữ. Trong đó vùng bị ngập nặng nhất tập trung ở 3 xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương. Nếu thủy điện tiếp tục xả lũ thì nguy cơ ngập sâu là rất lớn.

Mưa lũ cũng làm nhiều đoạn trên các tuyến đường đi qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, 49B, các tỉnh lộ và các đường nội thành đi qua ác huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền bị xói lở và ngập sâu từ 0,5-1m. Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xã Hồng Vân và A Roàng bị sạt lở nhiều đoạn gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người dân qua lại. Đến nay, trên địa bàn tỉnh TT- Huế, hơn 100 trường học các cấp ở các vùng thấp trũng, với khoảng 50 nghìn học sinh buộc phải tạm thời nghỉ học để đảm bảo an toàn trong mùa lũ.

  • Trâm Trân – C.Quyên - Phan Duy

Các tin khác