Miền Trung:

Dân phải di dời, nhiều tuyến đường bị chia cắt

Cập nhật lúc 07:39, 17/11/2010 (GMT+7)

 - Tại Quảng Ngãi, có 1 nạn nhân thiệt mạng đầu tiên vì mưa lũ. Trong khi đó, số người bị thiệt mạng ở TT-Huế là 3. Nhiều tuyến đường ở miền Trung bị ngập lụt và chia cắt..  

Quảng Ngãi: Di dời 1.600 hộ dân

Từ chiều 15 đến ngày 16/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 400-500mm. Đặc biệt tại huyện Trà Bồng, lượng mưa đo được gần 700mm. Mưa như trút nước đã khiến mực nước các sông, nhất là sông Trà Bồng lên nhanh chưa từng có. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ đã dâng cao thêm 1 mét. Tính đến 19 giờ ngày 16/11, mực nước sông Trà Bồng vượt 5,3 mét, trên báo động 3 là gần 1 mét, xấp xỉ đỉnh lũ năm 1999. 

Người dân khẩn trương sơ tán đi tránh lũ

Nước lên cao và nhanh đã làm cho tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện Bình Sơn có trên 5 điểm bị nước lũ tràn qua, khiến giao thông trên tuyến quốc lộ này tiếp tục bị tắc nghẽn. 

Do đoạn quốc lộ qua các xã Bình Nguyên, Bình Long và thị trấn Châu Ổ bị ngập sâu từ 1 đến 2 mét nên lực lượng cảnh sát giao thông đã điều tiết cho các phương tiện chạy tắt từ ngã ba dốc Sỏi chạy xuống Dung Quất, rồi ngược lên ngã ba Bình Long, nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông.

Nhiều nhà dân ngập chìm trong lũ

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Sơn bị chìm trong lũ và chia cắt. Nhiều tuyến đường liên huyện từ thành phố Quảng Ngãi đi Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Sơn Hà bị ngập sâu và sạt lở nặng.

Riêng các tuyến đường từ trung tâm huyện miền núi đi các xã hầu như bị cô lập vì sạt lở, đặc biệt là hai huyện miền núi Trà Bồng và Tây Trà. Mưa lũ đã làm một người chết là anh Phạm Văn Chung, sinh năm 1963, quê ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, bị nước cuốn trôi;  gần 9.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ, 10 nhà bị sập hoàn toàn; hàng trăm gia súc bị chết và lũ cuốn trôi.

Nước lũ lên cao chực chờ nhấn chìm thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn

Chiều 16/11, một vụ sạt lở núi với khối lượng hàng nghìn mét khối đất đá đã đỗ ập xuống khu dân cư Giếng Hồ thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, đã vùi lấp căn nhà của bà Huỳnh Thị Môn, đồng thời gây nứt vách, sạt đổ tường hàng chục ngôi nhà khác trong khu tái định cư này.

Một điều đáng lo ngại hiện nay là, mực nước tại 10/11 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã qua tràn và có thể xảy ra nguy cơ vỡ hồ nếu trời tiếp tục mưa lớn. 

Hàng trăm phương tiện bị ách tắc do nước lũ dâng cao vượt qua quốc lộ 1A

Tính đến 19 giờ ngày 16/11, các địa phương đã di dời được 1.600 hộ với trên 7.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó huyện Bình Sơn di dời trên 1.500 hộ với trên 6.500 nhân khẩu, còn huyện Tây Trà đã di dời, sơ tán 46 hộ với 212 khẩu, huyện Nghĩa Hành đã di dời, sơ tán 103 hộ dân với 360 khẩu ở vùng bị ngập lũ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn hộ dân ở các vùng lũ ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh chưa được di dời đến nơi an toàn do nước lũ dâng quá nhanh, trời lại tối.

Chiều ngày 16/11, Thiếu tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân Khu 5 đã thị sát thực tế tại huyện Bình Sơn, chỉ đạo các đơn vị Quân khu chi viện 4 canô và 1 trung đội Công binh hỗ trợ huyện Bình Sơn tổ chức sơ tán dân. 

Thừa Thiên Huế: 3 người chết do lũ lụt

Thông tin mới nhất từ Trung tâm phòng chống lụt bão TT.Huế cho hay, tính đến chiều ngày 16/11 toàn tỉnh có 3 người bị chết do lũ lụt. Đó là nạn nhân Lê Văn Tánh (52 tuổi) trú tại xã Hương Toàn, huyện Hương Trà bị nước lũ cuốn trên đường đi mua lương thực tối 14/11.

d
Đám tang anh Lê Văn Tánh trong nước lũ - Ảnh: Mai Long

Khi được mọi người phát hiện, thi thể ông Tánh nằm dưới mương nước cách nhà 50m. Hai trường hợp còn lại là một bé gái Đặng Phương Anh, 25 tháng tuổi tại Quảng An, Quảng Điền và em Hồ Thị Thảo, 14 tuổi trú tại Phong An, Phong Điền. Trường hợp bị thương nặng là chị Lê Thị Phương hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế.

 

Thông tin ban đầu cho thấy cả ba trường hợp dẫn đến tử vong là do người dân chủ quan: “Đợt lũ này kéo dài nhưng nước lên chậm, đáng tiếc là nhiều người vẫn chủ quan nên dẫn đến những cái chết thương tâm. Nhất là trường hợp bé gái 25 tháng tuổi ở Quảng An, được biết bé gái này bị chết do trượt chân trước sân trường mầm non của xã, nước chỉ ngập mắt cá chân…”, ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư thường trực tỉnh Ủy T T. Huế cho biết.

Cũng trong ngày, Tỉnh ủy TT- Huế phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân.

Hiện mực nước trên các sông TT - Huế đang ở dưới mức báo động 3, dự báo lũ trên các sông sẽ tiếp tục lên chậm. Trong đợt ngập lũ này các xã: Quảng An, Quảng Lợi (Quảng Điền), Hương Toàn, Hương Văn, Hương Xuân (Hương Trà), Phong An (Phong Điền) được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Phú Yên: Trụt đất sâu như hố bom tấn, cắt đường

Chiều ngày 16/11, nhiều người dân hiếu kỳ đến xem vụ trụt đất sâu như hố bom tấn cắt đường chưa từng thấy. Trước đó, lúc 12 giờ ngày 15/11, tại khu vực đèo Nước Nóng, thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) xảy ra một vụ trụt đất bất ngờ hàng trăm khối đất đá sụt xuống sông Kỳ Lộ trong chốc lát để lại hố sâu 10m, dài 15m.

d
 

Vụ trụt đất làm cắt ngang tuyến đường thị trấn La Hai- Đồng Hội (xã Xuân Quang 1), rất may lúc đó không có người qua lại. Nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết, hiện tượng trụt đất sâu như hố bom tấn này gần 100 năm qua chưa từng xảy ra ở đây, lúc xảy ra hiện tượng trụt đất tại khu vực này trời không mưa.

 

Ngoài ra, phía bên trên tiếp giáp với điểm trụt đất đã xuất hiện vết nứt trượt dài hơn 20m có nguy cơ đổ sập xuống sông Kỳ Lộ bất cứ lúc nào.

d
 

Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Đồng Xuân kiểm tra hiện trường đồng thời chỉ đạo mở tuyến tránh tạm thời sát chân núi để nhân dân đi lại.

 

  • Minh Bảo - Mai Long - Trâm Trân

Các tin khác